Dân cư là nguồn gốc để tạo ra nguồn nhân lực lao động cho xã hội,
V.I.Lênin cho rằng : ‘việc nông dân di chuyển tới các thành phố đã kéo họ vào cơn lốc của cuộc sống xã hội hiện đại, nâng cao trình độ nhận thức của họ và làm cho họ quen với thói quen và nhu cầu văn hoá’[43, tr.711 ]. Dân số của một quốc gia tăng lên, lao động tăng lên, làm chuyển dịch số lượng lao động giữa các ngành trong nền kinh tế quốc dân, tạo ra mật độ dân số mới sẽ kéo theo hoạt động du lịch tăng lên. Do đó việc nắm vững số lượng dân số, đặc điểm dân cư và lao động có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế du lịch. Cung và cầu của du lịch tuỳ thuộc rất lớn vào các đặc điểm xã hội nhân khẩu, trình độ dân trí và mật độ dân cư. Sự tập trung dân cư vào các thành phố, sự gia tăng dân số, tăng mật độ, tuổi thọ trung bình hay quá trình đô thị hoá ... đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế du lịch.
Thời gian rỗi của nhân dân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động
du lịch, muốn có một chuyến du lịch đòi hỏi phải có thời gian nghỉ, đây là điều kiện cần thiết cho du lịch. Nhờ có các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại mà ngày nay năng suất lao động không ngừng được nâng cao, kinh tế ngày càng phát triển, mức sống của con người ngày càng được cải thiện. Xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới trong đó có nước ta là giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi, như vậy quỹ thời gian ngoài giờ làm việc tăng lên và đây là điều kiện để cho người lao động có thu nhập bố trí thời gian dành cho hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân đóng vai trò quan trọng, đây là yếu tố cần thiết cho tiêu thụ các sản phẩm du lịch. Khi đi du lịch và lưu trú ngoài nơi cư trú thưòng xuyên, du khách bắt đầu chi tiêu các khoản trong suốt hành trình du lịch như tiền tàu xe, tiền thuê nhà ở, tiền ăn uống, tiền mua hàng hoá, thưởng thức các dịch vụ về tinh thần như ngắm cảnh, xem ca nhạc ... Những nước có thu nhập bình quân đầu ngưòi cao, có nền kinh tế phát triển, hàng năm
tiêu thụ các sản phẩm du lịch với số lượng lớn kể cả trong và ngoài nước. Đối với họ nghỉ ngơi, giải trí, du lịch trở thành một trong những nhu cầu không thể thiếu được. Mặt khác, khi trình độ dân trí ngày càng cao, kinh tế đầy đủ thì lòng ham hiểu biết làm quen với các nước xa gần cũng ngày càng tăng và như vậy trong nhân dân sẽ hình thành thói quen đi du lịch ngày càng nhiều. Ngược lại, khi đón tiếp du khách từ nơi khác đến nước họ thì thái độ cư xử, định hướng cho khách thưởng thức các sản phẩm du lịch ở đó cũng thuận lợi hơn rất nhiều.