NHTM
2.1.6.1 Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của ngân hàng.
* Các nhân tố khách quan
- Yếu tố chính trị, pháp luật và chính sách nhà nước
Đây là yếu tố đầu tiên mà các nhà đầu tư, các nhà quản trị doanh nghiệp, các tổ chức quan tâm phân tích để đảm bảo mức độ an toàn trong các hoạt động tại các quốc gia, các khu vực,… nơi mà các công ty hay tổ chức có mối quan hệ mua bán hay đầu tư. Các chính sách thường xuyên tác động đến hoạt động ngân hàng như: các quy định về qui mô vốn tự có, vốn huy động, cho vay, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng rủi ro tín dụng, các chính sách về cạnh tranh, sáp nhập, phá sản …; các quy định của Nhà nước, Bộ tài chính và Ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ, chính sách tài chính, thuế,…
- Yếu tố văn hóa - xã hội
Môi trường văn hóa bao gồm tất cả các yếu tố văn hóa, các định chế và các lực lượng tác động đến những giá trị cơ bản, nhận thức và thị hiếu của xã hội. Cùng với tiến trình hội nhập, các yếu tố văn hóa ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy nghiên cứu các yếu tố văn hóa - xã hội là một nội dung không thể thiếu trong nghiên cứu môi trường vĩ mô. Các vấn đề cần đặt biệt quan tâm khi nghiên cứu môi trường văn hóa - xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động HĐV của ngân hàng là: các vấn đề về qui mô dân số, thu nhập bình quân, mức sống, trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội; khuynh hướng tiêu dùng v.v… Nhà quản trị cần có sự hiểu biết rõ để có các quyết định chiến lược thích nghi với môi trường văn hóa, xã hội của địa phương.
- Yếu tố kinh tế
Các yếu tố kinh tế vô cùng đa dạng, bao gồm các tác nhân có mối quan hệ tương tác, vừa chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác trong môi trường như sự biến động chính trị, sự thay đổi chính sách của chính phủ, tốc độ phát triển của các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành v.v… cũng vừa tác động đến quá trình quản trị chiến lược của các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, đảm bảo được
giá trị của đồng tiền, từ đó tiền gửi vào ngân hàng được bảo toàn, tạo được sự yên tâm về tâm lý cho khách hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thu hút được các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để mở rộng tiềm năng và phạm vi đầu tư. Mặt khác, nền kinh tế ổn định còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, tạo được nhiều lợi nhuận, tăng được khả năng thanh khoản đối với các khoản nợ ngân hàng, tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Ngược lại, khi nền kinh tế không ổn định, sản xuất bị đình trệ, lạm phát gia tăng,… các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, người dân mất lòng tin vào giá trị của đồng tiền sẽ dẫn tới mất an toàn và rủi ro trong kinh doanh của ngân hàng, và khả năng HĐV của ngân hàng cũng bị thu hẹp.
- Yếu tố cạnh tranh
Ngày nay, hoạt động của ngành ngân hàng mang tính cạnh tranh gay gắt, nhiều loại hình ngân hàng ra đời với những sản phẩm dịch vụ cung cấp cho thị trường là tương tự nhau. Do vậy, nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội cũng được phân phối cho các ngân hàng tùy thuộc vào sản phẩm và tính hấp dẫn của chính sách huy động vốn trong từng thời kỳ của ngân hàng đó.
- Khách hàng
Đây là đối tượng vừa có thể cung cấp nguồn vốn vừa có thể sử dụng vốn của ngân hàng, có ảnh hưởng rất mạnh trong các chiến lược kinh doanh, quyết định đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Những thông tin cơ bản về khách hàng mà nhà quản trị cần thu thập như: khách hàng mục tiêu là ai, quy mô nhu cầu hiện tại và tiềm năng, khách hàng mong muốn gì về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
- Các yếu tố khác:
Đó là xu thế hội nhập giữa các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu mà nhà quản trị cũng cần theo dõi và nắm bắt xu hướng này để có hướng đi và quyết định chiến lược cho phù hợp với môi trường.
2.1.6.2 Các nhân tố chủ quan
Mục tiêu, chiến lược và chính sách huy động vốn của ngân hàng:
Đây là những nhân tố hàng đầu đứng ở gốc độ ngân hàng để huy động vốn. Chiến lược HĐV đúng đắn sẽ phát hiện được các kênh huy động vốn hiệu quả với chi phí thấp nhất. Chính sách HĐV phù hợp với từng thời kỳ và chính sách
lãi suất linh hoạt theo từng thời điểm sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng thu hút được một lượng lớn tiền gửi trong xã hội mà đặc biệt là tiền gửi tiết kiệm.
Sự đa dạng của các sản phẩm, chất lượng dịch vụ ngân hàng: cũng góp phần gia tăng nguồn vốn huy động vì nó có khả năng đáp ứng tốt hơn những nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Tính hiệu quả của bộ máy quản lý và trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự của ngân hàng: sẽ làm cho khách hàng tín nhiệm và hài lòng hơn với các giao dịch với ngân hàng. Đó cũng là nhân tố tạo nên uy tín và thương hiệu của ngân hàng trong lòng khách hàng, tạo tâm lý an tâm cho họ khi gửi tiền vào ngân hàng.
Lịch sử và uy tín của ngân hàng: các ngân hàng lớn, có vốn điều lệ cao, chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là luôn giữ uy tín với khách hàng sẽ tạo được thương hiệu trong lòng khách hàng, và khách hàng trung thành với thương hiệu đó mặc dù lãi suất thị trường cao hơn lãi suất ngân hàng đang huy động.
Vị trí, địa điểm hoạt động kinh doanh: Ngân hàng là một ngành nghề kinh doanh đặc biệt nên đòi hỏi vị thế thuận lợi như ở gần nhà, gần nơi làm việc, ở trên đường lớn, ngoài mặt tiền,… Chính nhu cầu về tiện lợi trong giao dịch đòi hỏi ngân hàng phải phân bổ chi nhánh, phòng giao dịch ở những vị thế thích hợp. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút tiền gửi của công chúng.
Cơ sở vật chất và công nghệ ngân hàng: Đây là một trong những nhân tố xác lập niềm tin cho công chúng, tạo tiền đề cho việc huy động tiền gửi. Một tòa nhà đồ sộ, trang trí thẩm mỹ, sự việc sắp xếp công việc khoa học sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp cho những người ký thác. Vì vậy, NH nên đưa ra từng loại sản phẩm huy động vốn cho phù hợp từng loại đối tượng. Hoạt động huy động vốn của NH bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Mỗi loại nguồn vốn chịu tác động khác nhau bởi những yếu tố đó. Vì vậy, NH cần phải nghiên cứu thêm đặc điểm riêng từng loại nguồn vốn để có chính sách huy động phù hợp, đảm bảo mục tiêu mà NH đề ra. (Nguyễn Minh Kiều, 2007).