Một là, quản lý đội ngũ giáo viên trung học phổ thông có vai trò giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần tôn sư trọng đạo, nói một cách thiết thực hơn là hiếu học, trọng thầy của nhân dân ta luôn có những nét riêng biệt. Nhân dân, học sinh trọng thầy, biết ơn thầy vì gắn thành quả của thầy với thành quả của lao động.
“Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy giáo vẫn được coi là cầu nối, nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai. Vai trò của người giáo viên Việt Nam trong thời đại ngày nay được thể hiện một cách cụ thể ở những nội dung sau: giáo viên là người giáo dục và đào tạo học sinh, thế hệ tương lai của dân tộc, của đất nước.
Hai là, quản lý đội ngũ giáo viên trung học phổ thông nhằm giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người toàn diện. Lực lượng chủ yếu đảm nhận và thực hiện chức năng ấy là đội ngũ giáo viên. Việc hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ đang lớn lên là trách nhiệm của toàn xã hội, của gia đình và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đội ngũ giáo viên có trách nhiệm nặng nề nhất vì họ là những người chuyên trách công việc giáo dục. Người giáo viên là những người trực tiếp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ theo đúng mục đích giáo dục. Cụ thể người giáo viên có trách nhiệm truyền đạt cho thế hệ trẻ hệ thống tri thức khoa học và kỹ năng lao động nghề nghiệp, truyền bá cho họ tư tưởng và đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, đào luyện họ trở thành những lớp người có ích cho đất nước. Vì vậy, những tác động và kết quả giáo dục của giáo viên đối với học sinh vừa có tác dụng đặt nền móng, vừa có tác dụng định hướng, dẫn dắt cho quá trình phát triển nhân cách. Sự phát triển tương lai của học sinh phụ thuộc nhiều vào kết quả giáo dục của giáo viên. Giáo viên chính là người “kỹ sư thiết kế nên tâm hồn” học sinh.
Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, trước những yêu cầu cao của xã hội Uỷ ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đã khẳng định vai trò quyết định của người thầy giáo trong việc chuẩn bị thế hệ trẻ có trách nhiệm xây dựng tương lai của nhân loại theo hướng toán cầu hóa, đoàn kết, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, sống trong hoà bình, bao dung. Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào việc đội ngũ giáo viên phải rèn luyện được ở thế hệ trẻ một trí tuệ nghiêm túc, tình cảm sâu sắc, thông cảm lẫn nhau cùng với tính độc lập ngày càng cao.
Ba là, quản lý tốt đội ngũ giáo viên trung học phổ thông bảo đảm cho các trường trung học phổ thông có được đội ngũ giáo viên có phẩm chất, năng lực toàn diện là lực lượng chủ đạo trong công tác giáo dục học sinh của nhà trường có chất lượng. Từ việc khái quát những thành công của hoạt động giáo dục trên thế giới người ta khẳng định rằng: “Giáo viên giữ vai trò quyết định trong quá trình nhận biết học - dạy và đặc trưng trong việc định hướng lại giáo dục. Người ta luôn luôn nhận thấy rằng thành công của các cuộc cải cách giáo dục phụ thuộc dứt khoát vào “ý chí muốn thay đổi” cũng như chất lượng giáo viên. Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó” [51, tr. 35].
Ngày nay, những ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình dạy học ngày càng nhiều, các phương tiện kỹ thuật dạy học ngày càng phát triển hiện đại... nhưng chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên chứ hoàn toàn không thể thay thế vai trò của họ. Giáo viên phải giáo dục nhân cáchhọc sinh bằng chính nhân cách của mình, cho nên không có máy móc nào hiểu được con người, tác động đến con người sâu sắc bằng chính con người.
Tóm lại, trong xã hội hiện đại, thông qua chức năng dạy học và giáo dục, đội ngũ giáo viên có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo viên trong xã hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước, vì nếu “không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Từ đó, Người cũng chỉ rõ: vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh...Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng từng nói: “Đảng và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em mình cho các giáo viên, cũng là phó thác cho họ sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai cho cả dân tộc ta”. Nhà thơ Ấn Độ Tago viết: “ Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông; giáo
dục một người đàn bà được cả một gia đình; giáo dục một người Thầy được cả một xã hội” [51, tr.57].