Ưu điểm và nguyên nhân của chính sách phát triển các KDLQG Việt Nam

Một phần của tài liệu Đề tài chính sách phát triển các khu du lịch quốc gia việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 96 - 99)

6. Kết cấu của đề tài

2.4.1.Ưu điểm và nguyên nhân của chính sách phát triển các KDLQG Việt Nam

a, Ưu điểm: Trong những năm vừa qua, việc thực hiện các chính sách phát triển các KDLQG Việt Nam có một số ưu điểm sau :

- Hệ thống các chính sách cho phát triển du lịch của các tỉnh có KDLQG ngày một hoàn thiện, giúp cho các cấp quản lý và các chủ thể tham gia vào ngành yên tâm phát triển.

- Các chính sách phát triển các KDLQG các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai đang từng bước phát huy tác dụng, về cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra của ngành và các cấp quản lý.

Dưới đây là một số chính sách tiêu biểu được đềcập đến:

- Trong các chính sách phát triển du lịch, chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và chính sách xúc tiến quảng bá du lịch đang là chính sách được chú trọng triển khai và thực hiện. Các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai đã tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, nâng cao trình độ kỹ năng cho các nhân viên trong ngành du lịch của địa phương. Năng lực đội ngũ nhân viên của ngành du lịch được nâng lên kết hợp với chính sách xúc tiến quảng bá du lịch đã tạo ra sức thu hút, cạnh tranh với cả nước, các địa phương đã thu hút khách du lịch tham gia trực tiếp vào các hoạt động sinh hoạt lễ hội, thăm quan thắng cảnh, văn hóa văn nghệ, ẩm thực và đời sống sản xuất của cộng đồng dân cư thể hiện thông qua số lượt khách tăng lên không ngừng qua các năm như đã phân tích ở trên. Trong đó, chính sách đào tạo phát triển nhân lực được đặc biệt chú trọng. Việc triển khai các chính sách đào tạo và phát triển nhân lực đã kích thích các cán bộ nhân viên trong ngành du lịch tại các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai chủ động nâng cao năng lực. Điển hình như tại Sapa, các địa phương được quan tâm tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực du lịch, ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực tại địa phương

(người dân bản địa) phục vụ du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đồng thời thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo du lịch về cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ giảng viên; đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm mở rộng quy mô, hình thức đào tạo; quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, công tác đào tạo lại nguồn nhân lực; khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động đào tạo. Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho doanh nghiệp, người dân từ nguồn ngân sách địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2018 – 2020… Qua đó có thể thấy, các địa phương có KDLQG rất quan tâm đến chính sách nhân lực trong phát triển du lịch tại địa phương.

- Chính sách đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của một số điểm du lịch trong

phạm vi KDLQG Việt Nam được quan tâm, kèm với chính sách kinh tế, chính sách về xây dựng sản phẩm du lịch mới hợp lý đã hình thành một số điểm, tuyến du lịch khá hấp dẫn. Trên cơ sở đó, trong thời gian vừa qua, các KDLQG tại các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai luôn nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đồng bộ, có chất lượng, có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Có thể kể đến như các chương trình du lịch độc đáo trong quần thể các KDLQG như hình thức du lịch sinh thái, khám phá và chinh phục đỉnh Fansipan – Sapa (là hình thức du lịch duy nhất ở Việt Nam), du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm, đi bộ trong rừng, ngủ trong rừng và đặc biệt là chinh phục đỉnh Fansipan… Hay KDLQG hồ Tuyền Lâm với tour nhà vườn độc đáo tại vườn Thương với diện tích 1,5ha, chia thành 2 khu, trong đó, một khu chuyên trồng cây thuốc với hơn 500 dược liệu quý như vân chi, linh chi, cỏ ngọt… Tại đây, du khách sẽ có được những giờ phút trải nghiệm nghỉ dưỡng thú vị với các loại dược liệu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp truyền thống. Các sản phẩm độc đáo và thú vị như thế cho thấy chính sách phát triển sản phẩm du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phù hợp, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, có sức hấp dẫn đang được triển khai khá hiệu quả.

- Bên cạnh đó, chính sách hợp tác liên kết phát triển du lịch nhằm mở rộng quan hệ hợp tác giữa các tỉnh có KDLQG với các địa phương lân cận và các điểm

đến khác trong khu vực Đông Nam Á cũng được chú trọng. Chẳng hạn như tại Lào Cai, để hoàn thành mục tiêu xây dựng KDLQG Sa Pa đến năm 2025 vươn tầm trở thành khu du lịch có tầm cỡ quốc tế, UBND tỉnh đang xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1845 ngày 26/09/2016, cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về lĩnh vực du lịch để khai thác hiệu quả các tuyến du lịch liên vùng và lữ hành quốc tế. Ưu tiên hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), kết nối du lịch biển của Việt Nam với vùng Tây Nam – Trung Quốc. Hợp tác với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và các trung tâm du lịch cả nước như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh… Còn tại Lâm Đồng, năm 2017, UBND tỉnh Lâm đã triển khai các chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các tỉnh, thành phố trong nước như: Chương trình “4 địa phương - một điểm đến” (giữa Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk với TP. Hà Nội); hay Chương trình hợp tác phát triển tour “Một chuyến đi - nhiều điểm đến” (hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017- 2020) nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa và những sản vật vốn có của từng địa phương, từng vùng miền để xây dựng các tour du lịch thúc đẩy du lịch tỉnh nói chung, trong đó có KDLQG hồ Tuyền Lâm, phát triển bền vững. Với An Giang, đây cũng là 1 trong 4 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm thứ 5 của quốc gia, là trung tâm kinh tế thương mại của vùng và khu vực, đồng thời là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như: Campuchia, Lào và Thái Lan. Vì thế, từ đầu năm 2018, ngành du lịch tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát có hiệu quả các văn bản phát triển ngành, chủ động tham mưu với UBND tỉnh nhiều biện pháp hiệu quả tăng cường phát triển du lịch như liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh ĐBSCL và các địa phương có thế mạnh du lịch trong cả nước nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng của tỉnh An Giang. Tỉnh tổ chức ký kết hợp tác phát triển với 23 tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia các đoàn của Hiệp hội du lịch ĐBSCL xúc tiến thị trường du lịch Campuchia và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong…

b, Nguyên nhân của những ưu điểm:

Có nhiều nguyên nhân về những ưu điểm của chính sách, nhưng trong đó có một số nguyên nhân nổi trội:

Sự thống nhất về quan điểm trong công tác lãnh đạo trong từng địa phương các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai, giữa các sở ngành du lịch, sự ổn định về

chính trị đã tạo đà cho các ngành kinh tế phát triển, trong đó có ngành du lịch. Bên cạnh ấy với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng của các địa phương đã góp phần quan trọng vào sự thành công trong phát triển KDLQG ở đó.

Chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho kinh tế đối ngoại phát triển, trong đó có ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong quá trình triển khai các chính sách phát triển KDLQG, các địa phương đã thực hiện phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai đã có cơ chế, chính sách huy động hầu hết các nguồn lực, tăng cường đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Các văn bản pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan từng bước được cải thiện, tạo hành lang pháp lý cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý du lịch tại các địa phương được thuận lợi.

Các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn đã bao quát được những vấn đề cấp bách và thời sự của hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là những tác động quan trọng trong quá trình thực thi chính sách, do đó đã tạo sự thay đổi kịp thời về mục tiêu, phương pháp thực hiện chính sách, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu về phát triển KDLQG tại các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai.

Các địa phương đã thực hiện cơ bản công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo vệ, tôn tạo giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư có hưởng ứng tham gia, khôi phục và phát huy một số loại hình văn hoá, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hoá của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Các doanh nhân ủng hộ các chính sách phát triển du lịch và có điều chỉnh hướng kinh doanh hợp lý. Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển khu du lịch quốc gia, các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Lào Cai cũng có sự hăng hái, chủ động và quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong việc hiện thực hóa các chính sách phát triển du lịch tại địa phương.

Một phần của tài liệu Đề tài chính sách phát triển các khu du lịch quốc gia việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 96 - 99)