Quy trình sản xuất tin, bài của tòa soạn

Một phần của tài liệu Tích hợp kỹ năng báo chí đa phương tiện ở các cơ quan báo chí dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát báo tiền phong, thanh niên, tuổi trẻ năm 2016) (Trang 58 - 63)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2.Quy trình sản xuất tin, bài của tòa soạn

Như đã phân tích ở phần trên, từ việc nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố đa phương tiện và việc tích tích hợp kỹ năng báo chí đa phương tiện… sẽ dẫn đến việc thay đổi thực tiễn sản xuất tin bài ở các tờ báo trên. Từ đó, việc tăng cường tích hợp các yếu tố đa phương tiện vào các sản phẩm báo chí của các báo Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ là một hệ quả tất yếu. Theo như kết quả khảo sát trên các trang báo với 5 sự kiện tiêu biểu năm 2016, có thể nhận thấy hầu hết các sự kiện đều có vận dụng yếu tố đa phương tiện, dù xét toàn diện thì tỷ lệ này còn khá thấp, mới ở mức cải thiện so với cách thức làm báo truyền thống.

Kết quả phỏng vấn sâu cũng cho thấy, khoảng 3-4 năm trở lại đây, ở các tờ báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ cũng đã bắt đầu chú trọng tích hợp các yếu tố đa phương tiện vào trong các sản phẩm báo chí:

“Ở báo Thanh Niên, từ nhiều năm nay chúng tôi đã đẩy mạnh tích hợp các yếu tố đa phương tiện trong các tác phẩm báo chí. Chúng tôi có các bản tin Video được sản xuất khá chuyên nghiệp. Ngoài ra, ở các tin bài thông thường, từ lâu báo Thanh Niên đã tích hợp các yếu tố đa phương tiện vào một bài viết, bạn đọc vừa có thể đọc text, xem ảnh, xem các đoạn Video clip, các file Audio liên quan tích hợp trong cùng một bài”. (S1).

“Yếu tố đa phương tiện được tích hợp trong một tin bài, dưới dạng: tin, bài viết có kèm theo Video, Audio, Clip”. (S2).

“Báo Thanh Niên nhìn nhận về vai trò đa phương tiện từ rất sớm nhưng việc phát huy, sử dụng chỉ mới được thực hiện đại trà trong vài ba năm gần đây. Tuy nhiên, việc sử dụng đa phương tiện chỉ được lựa chọn đối với một số đề tài, không phải tất cả. Các đề tài ưu tiên sử dụng đa phương tiện là các đề tài hot, thu hút được sự quan tâm của độc giả, các đề tài độc quyền…”. (S3).

“Luôn có ý thức sử dụng mọi lúc mọi nơi đối với mọi sự kiện có thể, tuy nhiên thói quen/quán tính làm báo giấy lâu năm của nhiều người

(phóng viên, biên tập viên, tòa soạn) khiến việc áp dụng chưa được nhuẫn nhuyễn, thuần thục, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của bạn đọc và của sự phát triển báo chí”. (S4).

“Ở báo Tuổi Trẻ, chúng tôi quan tâm điều này từ rất sớm, đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho phóng viên, cộng tác viên các kỹ năng tích hợp “3 trong 1” - một phóng viên, cộng tác viên vừa viết tin bài, chụp hình, quay clip. Chúng tôi cũng khuyến khích người viết khi viết bài tư duy luôn về đồ họa, infographic và trao đổi ý tưởng/đề xuất đó với người biên tập/họa sĩ. Một năm trở lại đây, Ban biên tập yêu cầu các phóng viên, cộng tác viên khi thực hiện nội dung thì có đính kèm video clip ngắn để xuất hiện trong bản tin online (không kể các bản tin cho Truyền hình Tuổi Trẻ). Tuy nhiên, Tuổi Trẻ điện tử chưa có nhân viên chuyên nghiệp cho mảng multimedia để có thể tổ chức các dự án đa phương tiện lớn, hiệu quả”. (S5).

“Là một phóng viên, khi đi tác nghiệp tôi phải làm cả 3 việc là quay phim, chụp ảnh và viết bài.Tôi cũng được đào tạo để tích hợp các kỹ năng “3 trong 1” nêu trên”. (S6).

“Báo Tiền Phong bắt nhịp với xu hướng của báo chí hiện đại khá chậm. Chúng tôi đang tăng tốc để tạo đà bứt phá trong thời gian tới. Mỗi nhà báo của chúng tôi sẽ được đào tạo đầy đủ kỹ năng sản xuất nội dung đa phương tiện. Mỗi một sản phẩm báo chí nên là một sản phẩm đa phương tiện”. (S7).

“Tại Báo điện tử Tiền Phong, các yếu tố đa phương tiện là một phần quan trọng không thể thiếu được trong hoạt động báo chí, bao gồm ảnh, video, radio, đồ hoạ, bài mega-story kết hợp cả ảnh - video - đồ hoạ. Nhiều nội dung báo chí được cùng lúc khai thác bằng cả text, hình ảnh, video, đồ hoạ, tạo thành nhiều cửa tiếp cận với một nội dung, giúp cho bạn đọc có thể tiếp cận nội dung đa dạng hơn, phong phú hơn. Hiện nay, ngay từ khâu triển khai đề tài, các đề tài trọng tâm đều được lãnh đạo báo yêu cầu phóng viên thực hiện cả dưới dạng text, video, ảnh, đồ hoạ…”. (S8).

“Ở báo Tiền Phong, chúng tôi đã ứng dụng các yếu tố đa phương tiện từ nhiều năm nay trong quá trình sản xuất tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, theo tôi việc ứng dụng các yếu tố đa phương tiện trên báo Tiền Phong chưa thực sự chuyên nghiệp và bài bản”. (S9).

“Hiện chúng tôi đang sử dụng các phương tiện như: interactive, văn bản, âm thanh, hình ảnh, video…”. (S11).

“Tại cơ quan chúng tôi, việc sử dụng nhiều yếu tố đa phương tiện để phục vụ bạn đọc như việc quay trực tiếp (live streaming), sử dụng thiết bị quay, chụp ảnh từ trên cao (flycam), đồ họa (infographic) … đã không còn xa lạ…”. (S12).

“Tại báo Tiền Phong, các yếu tố đa phương tiện được sử dụng chưa đồng đều trong quá trình sản xuất tác phẩm báo chí. Các tin bài bình thường chỉ có text (văn bản) cùng với 1-2 hình ảnh hoặc clip. Chỉ các vấn đề, sự kiện quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng rãi mới được tòa soạn chỉ đạo các bộ phận phối hợp sản xuất, huy động tối đa các yếu tố đa phương tiện (text + hình ảnh + clip + audio + đồ họa...) vào trong cùng một tác phẩm báo chí”. (S13).

Như vậy, có thể thấy tại các tòa soạn báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ hiện nay, nhận thức và yêu cầu về việc ứng dụng yếu tố đa phương tiện vào các sản phẩm báo chí đã tương đối cao, tuy rằng có báo bắt nhịp khá sớm như Tuổi Trẻ, có báo chậm hơn như Tiền Phong và mức độ tích hợp cũng chưa đồng đều ở từng sản phẩm báo chí. Tiếp tục phỏng vấn sâu về quy trình phối hợp sản xuất cũng như năng lực thực tế của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ hiện nay càng thấy rõ điều này:

“Ở báo Thanh Niên hiện nay, chúng tôi yêu cầu các phóng viên phải thành thạo các kỹ năng chụp ảnh, quay clip và phải biết tích hợp các yếu tố đó vào trong tác phẩm của mình. Không thể có chuyện trong điều kiện tác nghiệp

bình thường, khi tòa soạn yêu cầu phóng viên lại không thể nộp ảnh và những đoạn video clip về sự kiện…”. (S1).

“Phóng viên khi tác nghiệp phải luôn sẵn sàng đồ nghề để thực hiện các sản phẩm đa phương tiện. Tùy theo từng dạng đề tài và yêu cầu của Ban biên tập thì phóng viên phải đáp ứng với sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật. Ví dụ, khi thực hiện môt đề tài nóng, phóng viên tại hiện trường sau khi ghi nhận thận thông tin, chụp ảnh quay phim sẽ gửi các đoạn video để bộ phận kỹ thuật làm “hậu kỳ”, còn phóng viên thực hiện các thông tin trên báo điện tử”. (S3).

“Thực thế không phải lúc nào cũng có thể áp dụng mô hình “3 trong 1” hay “4 trong 1”. Cho nên, tùy sự kiện mà có thể uyển chuyển trong điều hành, thực hiện. Điều này cũng có thể là bí kíp của mỗi tòa soạn, là năng lực nghiệp vụ của phóng viên. Nhưng bất luận thế nào, kỹ năng làm việc nhóm vẫn luôn được đề cao”. (S4).

“Chẳng hạn đối với phóng viên mảng kinh tế, khi đi dự một cuộc hội thảo quan trọng có nhiều số liệu, thay vì viết một bài dài loằng ngoằng, chúng tôi khuyến khích phóng viên thể hiện nó bằng một dạng đồ họa/ infographic. Nếu phóng viên không làm được (vì vướng về kỹ thuật) thì trao đổi ý tưởng/đề xuất đó với biên tập viên, họa sĩ…”. (S5).

“Trên Tuổi Trẻ online, phóng viên phải cố gắng xây dựng bài viết của mình đủ các yếu tố đa phương tiện. Ví dụ khi đi tác nghiệp tại 1 phiên tòa, tôi phải dựng clip, chụp ảnh và viết bài. Với những phiên tòa lớn, tôi sẽ cố gắng thể hiện nội dung cơ bản bằng infographic để bạn đọc nhanh chóng nắm bắt”. (S6).

“Hiện mới chỉ có một số rất ít phóng viên được trang bị đầy đủ các yếu tố nói trên”. (S7).

“Hiện nay tại Báo điện tử Tiền Phong, một số ít phóng viên đã có khả năng vừa viết bài, vừa chụp ảnh, vừa quay video; một số ít phóng viên khác có thể vừa viết bài, vừa đọc lời dẫn radio/video, vừa dựng video…”. (S8).

“Ở báo Tiền Phong, cơ bản các phóng viên đã thành thạo 2 kỹ năng viết và chụp ảnh. Tuy nhiên, ngay cả kỹ năng về ảnh giữa các phóng viên báo Tiền Phong cũng chưa thật sự đồng đều. Đôi khi, Báo còn phải sử dụng ảnh minh họa do phóng viên nộp bài nhưng không có ảnh”. (S9).

“Ở báo Tiền Phong điện tử do phần lớn phóng viên không phải là tòa soạn điện tử độc lập mà ‘hội tụ’ giữa báo giấy và điện tử nên nhiều phóng viên vẫn còn thói quen tác nghiệp cho báo giấy (tức là gần như không chú ý đến truyền thông đa phương tiện)”. (S10).

“Thông thường, khi có một sự kiện quan trọng, được tòa soạn định hướng sẽ sản xuất theo một tác phẩm báo chí đa phương thì các phóng viên được huy động tối đa để phối hợp sản xuất. Chẳng hạn, khi có một vụ sập hầm than gây chết nhiều người, một phóng viên ban Thời sự hoặc Pháp luật sẽ được điều động/chủ động đăng ký đề tài triển khai tới hiện trường ghi chép, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh truyền trực tiếp về tòa soạn bằng các đường khác nhau như gửi email, chat group facebook, live-stream... Bên cạnh đó, tòa soạn sẽ cử thêm một phóng viên ảnh + quay phim chuyên nghiệp đến phối hợp. Các phóng viên trong lĩnh vực theo dõi liên quan đến sự kiện như Y tế, Khoa giáo, Tài nguyên môi trường... cũng được huy động phỏng vấn các chuyên gia, chính quyền sở tại... Dựa trên thông tin cơ bản được các phóng viên gửi về, họa sỹ thiết kế ở tòa soạn sẽ đồ họa hiện trường vụ tai nạn để độc giả hiểu rõ hơn về vị trí tai nạn, độ sâu các hầm lò, hiện trường nguy hiểm như thế nào...”. (S13).

Như vậy, kết quả phỏng vấn sâu cho thấy các ý kiến khá tập trung nhấn mạnh vào 2 vấn đề: Năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và chỉ đạo của tòa soạn. Những người được phỏng vấn nhấn mạnh vào kỹ năng làm việc nhóm, sự lựa chọn đề tài và phân công, huy động nhân lực trong tòa soạn cùng làm việc để tạo ra các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Kỹ năng của phóng viên cũng là một vấn đề đang đặt ra đối với các báo Tiền Phong,

Thanh Niên, Tuổi Trẻ, khi nhiều phóng viên mới chỉ đang thành thục 2 kỹ năng chính và viết và chụp ảnh; một số phóng viên khác có thể quay được những đoạn clip thông thường; một số ít khác có thể lên ý tưởng cho họa sỹ dựng đồ họa/ infographic. Rất ít phóng viên có thể tích hợp đầy đủ các kỹ năng cho cá nhân mình.

Một phần của tài liệu Tích hợp kỹ năng báo chí đa phương tiện ở các cơ quan báo chí dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát báo tiền phong, thanh niên, tuổi trẻ năm 2016) (Trang 58 - 63)