Qua phỏng vấn sâu

Một phần của tài liệu Tích hợp kỹ năng báo chí đa phương tiện ở các cơ quan báo chí dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát báo tiền phong, thanh niên, tuổi trẻ năm 2016) (Trang 66 - 71)

7. Cấu trúc luận văn

2.4.2.Qua phỏng vấn sâu

Yếu tố đầu tiên phải tính tới trong lao động của phóng viên là việc trang bị các kỹ năng tác nghiệp. Với các yếu tố đa phương tiện, điều này càng cần thiết hơn bởi việc tích hợp các yếu tố này đòi hỏi sự kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau trong quá trình tác nghiệp của phóng viên.

Dù các thành viên của ba tòa soạn được khảo sát đều đánh giá rất quan trọng khi nhận định về vai trò của yếu tố đa phương tiện trong tác phẩm nhưng việc nhận thức này còn có sự không thống nhất. Cụ thể, nhận thức về kỹ năng quan trọng nhất với phóng viên khi tác nghiệp tác phẩm có vận dụng đa phương tiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

2.4.2.1. Luồng ý kiến nhấn mạnh vào kỹ năng sử dụng các thiết bị ghi hình

Tổng hợp phỏng vấn sâu các thành viên trong ba tờ báo được khảo sát, có thể thấy các luồng ý kiến còn khá phân tán. Trước hết, đó là luồng ý kiến nhấn mạnh, đề cao kỹ năng sử dụng các thiết bị ghi hình:

“Trước hết, tối thiểu một phóng viên hiện đại ngoài kỹ năng đọc thông viết thạo thì phải biết chụp ảnh. Chụp ảnh ở đây không chỉ là động tác giơ máy ảnh lên bấm, mà phóng viên phải biết chụp ảnh báo chí, có góc nhìn báo chí về ảnh cộng với kỹ thuật chụp ảnh tốt, biết chụp ảnh ở nhiều góc độ cận, trung, toàn cảnh, chân dung nhân vật…

Thứ hai, đối với báo chí hiện đại hiện nay và sự phổ cập của các thiết bị di động cầm tay, người phóng viên bắt buộc phải biết quay video, nếu có thể cần trang bị thêm cho mình kỹ năng dựng video. Đôi khi, một video ngắn chỉ 30 giây đến 1 phút nhưng được quay đúng thời điểm, đúng sự kiện còn có giá trị hơn nhiều trang viết dạng text”. (S1).

“Chụp ảnh, quay phim, dựng clip”. (S2).

“Phóng viên hiện nay không chỉ viết bài tốt, nhanh mà còn có thể quay phim, chụp ảnh…để đảm bảo sản xuất một tác phẩm báo chí đa phương tiện. Tức cùng đề tài đó phóng viên có thể tác nghiệp bằng viết, audio, quay phim, chụp ảnh. Công nghệ luôn đổi mới đòi hỏi phóng viên phải năng động để làm chủ được các loại phương tiện”. (S3).

“Ngoài viết và chụp ảnh như báo chí truyền thống, phóng viên hiện đại phải biết quay, dựng những video ngắn để tích hợp vào bài báo. Nội dung thông tin của 3 yếu tố này không được trùng lặp mà phải bổ sung cho nhau”. (S6).

“Nhà báo hiện đại phải có cách tác nghiệp hiện đại đa năng như viết, chụp ảnh, quay dựng video, làm tin radio, dẫn live từ hiện trường, thậm chí có thể viết code đơn giản cho các bài báo dạng interactive… Đây là những kỹ năng cần thiết mà các nhà báo cần phải có để thích nghi và đáp ứng được với các yêu cầu từ các cơ quan báo chí hiện đại”. (S8).

“Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất và bắt buộc đầu tiên đối với các phóng viên là ảnh. Đó là kỹ năng tối thiểu của một phóng viên, chưa nói đến phóng viên hiện đại. Còn trong xu thế hiện nay, bắt buộc phóng viên phải có thêm các kỹ năng quay video (các clip ngắn, chưa nói đến yêu cầu dựng video)…” (S9).

2.4.2.2. Luồng ý kiến nhấn mạnh vào kỹ năng tổng hợp

Luồng ý kiến khác lại nhấn mạnh vào kỹ năng tổng hợp của phóng viên: “Ở Tuổi Trẻ từ lâu đã đào tạo, đào tạo lại phóng viên “3 trong 1”; sau đó nâng cấp “4 trong 1” (viết, quay, chụp, dẫn hiện trường- MC). Có lẽ kỹ năng làm báo bằng điện thoại thông minh là tối cần thiết hiện nay. Tất cả thao tác làm báo đều có thể chỉ bằng 1 chiếc điện thoại”. (S4). “Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho phóng viên, cộng tác viên các kỹ năng tích hợp “3 trong 1” - một phóng viên, cộng tác viên vừa viết tin bài, chụp hình, quay clip; gần đây chúng tôi khuyến khích người viết khi viết bài tư duy luôn về đồ họa, infographic và trao đổi ý tưởng/đề xuất đó với người biên tập/họa sĩ”. (S5).

“Là phóng viên cần phải biết sử dụng các kỹ năng báo chí đa phương tiện. Trước hết, tối thiểu đối với phóng viên là 2 kỹ năng viết và chụp ảnh. Giờ đây, các phóng viên còn cần biết quay clip, dựng các clip ngắn; đọc file âm thanh từ hiện trường hoặc phòng thu… Bên cạnh đó, các phóng viên cũng dần phải tích hợp kỹ năng, có thể ở mức độ ý tưởng về đồ họa, interactive… để có thể phối hợp với họa sỹ sản xuất nội dung này”. (S9).

“Trong xu hướng phát triển báo chí đa phương tiện ngày nay đòi hỏi người làm báo phải chuyên nghiệp, có khả năng độc lập kết hợp ngôn ngữ viết, ảnh, video, âm thanh, thiết kế đồ họa và các phương thức tương tác khác

nhằm sáng tạo ra một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Do vậy, ngày nay nhà báo không chỉ cần có phẩm chất chính trị vững vàng; đạo đức trong sáng; có phông kiến thức văn hóa - xã hội sâu rộng mà còn phải làm chủ công nghệ, thiết bị kỹ thuật…”. (S10).

“Theo tôi, là một phóng viên hiện đại phải biết tất cả kỹ năng làm báo đa phương tiện: Ghi chép - text, chụp ảnh - hình ảnh sống động, ghi âm - tạo audio, quay và dựng clip, đồ họa...Trong đó, các kỹ năng quay phim, chụp ảnh, ghi âm bắt buộc phóng viên nào cũng phải thành thạo. Riêng kỹ năng đồ họa đòi hỏi phóng viên phải có óc sáng tạo, năng khiếu đồ họa nên sẽ khó hơn, thường các tòa soạn sẽ tuyển các họa sỹ làm việc này”. (S13).

Như đã trình bày ở trên, từ nhận thức tới thực tiễn hoạt động trên báo chí Việt Nam nói chung và các trang báo khảo sát nói chung vẫn còn những khoảng cách bởi nhiều yếu tố chi phối, tác động. Với câu hỏi: “Theo ông bà, , trong các yếu tố đa phương tiện cần tích hợp, yếu tố nào là quan trọng nhất với một phóng viên hiện đại?”, các câu trả lời cũng tiếp tục bị phân tán. Sự phân tán này, theo chúng tôi, do nhận thức theo vị trí của người trả lời trong cơ quan.

“Theo tôi ảnh là quan trọng nhất. Đó cũng là yếu tố đa phương tiện tối thiểu mà phóng viên phải làm thành thạo, bên cạnh kỹ năng viết. Tiếp đó mới đến các yếu tố như Audio, Video, đồ họa… (S1).

“Cá nhân tôi cho rằng, với một phóng viên hiện đại, càng cố gắng tích hợp nhiều kỹ năng đa phương tiện bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu; tích luỹ được kỹ năng nào cũng đều quan trọng, đều đáng quý”. (S8).

“Làm báo thời kỳ đa phương tiện đòi hỏi một nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in mà còn có thể viết cho báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Video có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố đa phương tiện đối với phóng viên hiện đại. Khi phản ánh một vấn đề, phóng viên thường sẽ mất nhiều thời gian diễn đạt bằng văn bản, chụp nhiều hình ảnh để minh họa hay đọc lời thoại rất dài để dẫn giải nhưng với một clip có thể thể hiện được tổng hợp các hình thức trên…”. (S10).

“Theo tôi, trong các yếu tố đa phương tiện cần tích hợp, yếu tố quan trọng nhất là hình ảnh hoặc một đoạn video ngắn, vì đôi khi chính chúng đã có sức nặng hơn cả bài text hàng trăm chữ”. (S11).

2.4.2.3. Luồng ý kiến nhấn mạnh vào tư duy

Bên cạnh đó, kết quả phỏng vấn sâu 13 trường hợp chúng tôi chọn còn xuất hiện luồng ý kiến nhấn mạnh vào tư duy đề tài của người làm báo. Trước mỗi sự kiện, vấn đề, nhà báo cần thiết phải tư duy xem nên tiến hành tác nghiệp, tường thuật sự kiện như thế nào; cần tích hợp những yếu tố đa phương tiện nào vào tác phẩm báo chí của mình và của tòa soạn nói chung:

“Trước hết, mỗi phóng viên phải được trang bị tư tưởng làm báo đa phương tiện. Mỗi khi tác nghiệp, phóng viên đều phải nghĩ đến việc sản xuất nội dung đa phương tiện đầu tiên. Nhận thức và ý thức của phóng viên về sản xuất nội dung đa phương tiện theo tôi là quan trọng nhất vì nếu phóng viên chưa nhận thức được việc sản xuất nội dung đa phương tiện quan trọng như thế nào và không có ý thức tác nghiệp đa phương tiện thì chúng ta không cần bàn tiếp đến các kỹ năng tác nghiệp.

Thứ hai, mỗi phóng viên đều cần phải là một “đạo diễn”. Mỗi khi tác nghiệp, phóng viên cần có kỹ năng “đạo diễn” cho nội dung mà mình chuẩn bị tác nghiệp. Họ cần lên kịch bản cho nội dung, sắp xếp “đạo cụ”, tính toán các điều kiện tác nghiệp tại hiện trường, giả định các tình huống, phân tích nhanh trước phản ứng của các “nhân vật” có trong kịch bản... Có như vậymới có thể sản xuất ra được một nội dung đa phương tiện.

Thứ ba, mỗi phóng viên đều cần phải là một người thợ ảnh, người quay phim, biên tập viên kiêm kỹ thuật viên hậu kỳ”. (S7).

“Ngày càng có nhiều yếu tố đa phương tiện cần tích hợp, tuy nhiên trong bối cảnh phát triển xu hướng báo chí dữ liệu, tôi nghĩ cần nhất là khả năng đọc - phân tích dữ liệu của nhà báo, làm sạch dữ liệu và tổ chức dữ liệu đó thành sản phẩm đến với công chúng sao cho công chúng cảm nhận là họ

đang tiếp cận với những dữ liệu thô, dữ liệu trực tiếp nhất, ít có sự can thiệp và nhào nặn của nhà báo, cơ quan báo chí theo một ý đồ, mục đích nào đó”. (S5).

“Nhận thức và ý thức. Tôi xin nhấn mạnh lại hai yếu tố này”. (S7).

Một phần của tài liệu Tích hợp kỹ năng báo chí đa phương tiện ở các cơ quan báo chí dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát báo tiền phong, thanh niên, tuổi trẻ năm 2016) (Trang 66 - 71)