Các biện pháp chẩn đoán xâm hại hơn bao gồm thám sát bìu và chụp ODT, chỉ nên thực hiện trên bệnh nhân đã có chẩn đoán xác định là VTBT (vô tinh/tinh dịch đồ và sinh tinh bình thường/sinh thiết tinh hoàn). Thám sát bìu nhằm xác định vị trí tắc và nguyên nhân gây tắc. Phẫu thuật thám sát bìu và phục hồi sự thông thương đường dẫn tinh thường được thực hiện cùng lúc [44], [62], [120]. Do vậy, thám sát bìu vừa có ý nghĩa chẩn đoán vừa có ý nghĩa điều trị. Theo Hendry [64], chỉ có thể chẩn đoán chính xác vị trí tắc trong VTBT bằng phẫu thuật thám sát bìu, trừ trường hợp bệnh nhân có biểu hiện rõ ràng của bất sản ODT hai bên. Thám sát bìu cho phép khảo sát tinh hoàn, mào tinh và toàn bộ đường dẫn tinh. Thám sát bìu bao gồm cả chụp ODT. Hendry còn cho rằng thám sát bìu nên được thực hiện thay cho sinh thiết tinh hoàn đơn thuần. Một khi tiến hành thám sát bìu thì cần chuẩn bị các dụng cụ vi phẫu để có thể tiến hành phẫu thuật nối thông khi có chỉ định.
- Chỉ định thám sát bìu [62]
9 Vô tinh nghi do bế tắc với thể tích tinh hoàn bình thường, sờ thấy ODT và nồng độ FSH bình thường.
9 Thiểu tinh với kháng thể chống tinh trùng và trên lâm sàng có dấu hiệu rõ ràng của bế tắc một bên.
- Chống chỉ định thám sát bìu
9 Vô tinh mà thể tích tinh hoàn nhỏ và nồng độ FSH tăng cao.
9 Bất sản ODT rõ. - Kỹ thuật thám sát bìu [64]
Mê toàn thân hay tê tủy sống là lý tưởng nhất. Cần chuẩn bị sẵn các dụng cụ vi phẫu thuật. Rạch da đường giữa bìu, mở cả hai tinh hoàn ra ngoài. Mở tinh mạc hai bên, nếu mào tinh giãn thì tiến hành chụp ODT. Sinh thiết tinh hoàn hai bên nếu cần. Tiến hành phẫu thuật nối nếu có chỉ định. Nếu mào tinh xẹp thì chỉ sinh thiết tinh hoàn và đóng bìu. Khâu tinh mạc và cơ dưới da bìu bằng chỉ tan, và khâu da bằng chỉ không tan.
Phẫu thuật thám sát bìu còn giúp lấy tinh trùng để trữ đông, dùng cho thụ tinh trong ống nghiệm sau này. Theo Hutchon [71], khả năng thụ tinh của tinh trùng trữ đông tương đương với tinh trùng tươi.
- Chụp ống dẫn tinh
Chụp ODT được chỉ định trong vô tinh khi sinh thiết tinh hoàn có sự sinh tinh bình thường và sờ thấy được ít nhất là một ODT [56]. Chụp ODT chỉ nên thực hiện cùng với phẫu thuật thám sát bìu khi dự định nối thông đường dẫn tinh [112]. Nếu chụp ODT không cẩn thận có thể gây sẹo hẹp tắc ngay tại vị trí chụp [112]. Siêu âm qua ngả trực tràng cần được thực hiện trước do giúp gợi ý tắc đường dẫn tinh đoạn xa (xem mục 1.2.3.6) [70]. Chụp ODT có hai vai trò: chỉ ra vị trí tắc (nếu có) và xác minh sự thông thương của ODT đoạn xa [9]. Nếu ODT đoạn xa thông thì phẫu thuật nối thông có thể tiến hành được.
Chụp ODT có thể thực hiện bằng phẫu thuật cắt mở ODT hay chọc ODT bằng kim nhỏ. Kỹ thuật chọc bằng kim nhỏ rất khó thực hiện ngay cả với một bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm và có thể gây sẹo hẹp-tắc tại nơi đâm kim; ngoài ra, rất khó khảo sát dịch ODT hút được [56], [73].
Cắt mở ODT đoạn gần bằng cách cắt một nửa chu vi ODT, dùng ống tiêm có môi trường dinh dưỡng tinh trùng hút bất cứ dịch nào thoát ra từ lỗ ODT, rồi nhỏ trên lam kính. Nếu có tinh trùng chứng tỏ tắc ODT đoạn xa hay ống phóng tinh. Nếu không có tinh trùng chứng tỏ tắc tại MT [56]. Chụp ODT với chất cản quang tan trong nước như Renographin hay Urographin pha dung dịch Ringer theo tỉ lệ 50:50. Không nên dùng chất cản quang không tan trong nước vì có thể gây tắc ODT. Khi biết rõ có tắc ODT đoạn xa, có thể dùng chỉ nylon 2-0 hay 1-0 luồn qua lỗ mở ODT để biết chính xác vị trí tắc. Không được bơm ngược chất cản quang về phía MT vì có thể gây bể ống MT. Sau khi chụp, khâu lại ODT bằng chỉ polypropylene 9-0.
Trong trường hợp có tắc tại MT, nhằm khẳng định sự thông thương của ODT trước khi nối ODT-MT, thay vì chụp ODT bằng chất cản quang, có thể kiểm tra sự thông thương của ODT bằng bơm dung dịch sinh lý pha với chất
chỉ thị màu xanh indigo carmine (hình 1.10). Nếu ODT thông, ống thông Foley bàng quang sẽ thu được nước tiểu có màu xanh [44].
Thay vì bơm dung dịch pha với indigo carmine, có thể dùng dung dịch sinh lý thường để khảo sát ODT. Nếu dung dịch được bơm dễ dàng, chứng tỏ ODT thông [56]. Nếu khó bơm, cần chụp ODT bằng chất cản quang để xác định bản chất và vị trí tắc.
Các biến chứng thường gặp của chụp ODT là tắc ODT tại vị trí xẻ, tổn thương động mạch ODT, tụ máu và u hạt tinh trùng [70].
Chụp ODT có thể thực hiện qua ngả trực tràng khi trên siêu âm qua ngả trực tràng ghi nhận túi tinh giãn to. Kỹ thuật này có thể gây viêm MT [56].
Tại Việt Nam, Trần Ngọc Can [3] công bố kết quả chụp ODT năm 1977 trên tạp chí Sản Phụ Khoa bằng kỹ thuật đâm kim vào lòng ODT.
- Xác định vị trí tắc qua thám sát bìu
Khi MT xẹp, không căng giãn (kể cả các ống xuất) mà sinh tinh bình thường thì vị trí tắc nằm trong tinh hoàn, tại lưới tinh [114]. Ngoài ra, trong VTBT do triệt sản nam, MT có thể xẹp nếu tại chỗ cột ODT có một u hạt tinh trùng lớn làm giảm áp lực tại MT [56].
Nếu MT căng, chụp ODT cần được tiến hành. Nếu dịch ODT không có tinh trùng thì chắc chắn có tắc tại MT [56]. Khi đó, chụp ODT nhằm xác định sự thông thương của ODT đoạn xa. Nếu có tắc ODT đoạn xa, chứng tỏ tắc ở nhiều vị trí. Vị trí tắc trên MT được xác định qua quan sát MT, là ranh giới giữa MT bên trên căng giãn và MT bên dưới xẹp. Tại đây có thể thấy u hạt tinh trùng.