Tổng quan về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế

Một phần của tài liệu FINAL (2) (Trang 37 - 39)

7. Cấu trúc nghiên cứu của đề tài

2.1. Tổng quan về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế

2.1.1. Lịch sử hình thành của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế

Bắt nguồn từ nhu cầu sử dụng ngôn ngữ kế toán chung sau chiến tranh thế giới lần II và sự phát triển các tập đoàn đa quốc gia thì CMBCTCQT ra đời. IFRS là viết tắt của cụm từ International Financial Reporting Standards, chuẩn mực này được ban hành bởi Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC). Sự ra đời của IASC là kết quả của sự thỏa thuận giữa các tổ chức nghề nghiệp kế toán đến từ 9 nước Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc, Vương quốc Anh, Pháp, Mexico, Nhật Bản và mục tiêu hướng đến là BCTC của các quốc gia sẽ không còn sự khác biệt mà mang tính nhất quán, thống nhất, dễ so sánh và minh bạch.

Các giai đoạn hình thành CMBCTCQT:

Giai đoạn từ 1973 - 2000

Năm 1973 đánh dấu sự ra đời của IASC và CMBCTCQT đầu tiên. Cơ quan lãnh đạo của IASC gồm các thành viên trực thuộc Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) và đại diện của Ủy ban phối hợp quốc tế của Liên đoàn phân tích tài chính (The International Coordinating Committee of Financial Analysts Associations). IASC xác định mục tiêu thiết lập và ban hành chuẩn mực kế toán phục vụ cho lợi ích chung của ngành kế toán, được chấp nhận và áp dụng trên thế giới, hướng đến cải thiện việc chuẩn bị và trình bày BCTC (IASC, 1999a).

Giai đoạn 1973 – 1987, trong 15 năm đầu tiên này, IASC ban hành 26 CMBCTCQT nhằm thu hẹp khoảng cách được tạo ra bởi sự khác biệt của hệ thống kế toán các nước đồng thời không tạo ra nhiều thay đổi đáng kể đến các chuẩn mực kế toán quốc gia (Zeff, 2012). Năm 1987, IOSCO đề xuất thay đổi một số nội dung:

 Loại bỏ phương pháp nhiều lựa chọn.

 Đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp các quy định chi tiết cũng như các yêu cầu đối với các thuyết minh trên các BCTC.

Trong 10 năm tiếp theo (1988 – 1997), đây là giai đoạn đánh dấu sự nâng cao chất lượng của các chuẩn mực và tầm quan trọng của CMBCTCQT đối với các doanh nghiệp ngày càng tăng. Từ năm 1987 đến năm 1993, nhiều dự án cải cách được thực hiện nhằm tăng khả năng so sánh thông tin trên BCTC. Sau đó IFAC thỏa thuận với IOSCO xây

dựng hệ thống CMBCTCQT được IOSCO công nhận và khuyến cáo thị trường chứng khoán sử dụng. Bảy năm sau, IOSCO đề xuất Ủy ban chứng khoán quốc gia ra quyết định cho các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết được lựa chọn sử dụng CMBCTCQT để lập BCTC. Năm 1997, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của CMBCTCQT, IASC thành lập bộ phận chiến lược để xem xét lại và soạn thảo bổ sung các chiến lược đổi mới.

Năm 1999, nhóm công tác chiến lược công bố 1 bản đề xuất cải cách cơ cấu tổ chức và hoạt động, theo đó hướng đến việc xây dựng và phát triển một tập hợp tiêu chuẩn quốc tế CMBCTCQT chất lượng cao cho thị trường vốn và thúc đẩy hội tụ kế toán toàn cầu. Từ bản đề xuất trên, IASB được thành lập vào 2001.

Tổng kết lại giai đoạn 1973 – 2000 là tiền đề cho CMBCTCQT hình thành và phát triển. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với quá trình phát triển thị trường kinh tế.

Giai đoạn từ 2001 – hiện nay

Năm 2001, để giám sát hoạt động, cấu trúc, chiến lược cũng như chi phí cho IASC, ban tổ chức chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC Foundation) đã thành lập. Bên cạnh đó IASB mới được thành lập sẽ đảm nhiệm chức năng thay cho IASC.

Thuật ngữ “hội tụ” bắt đầu được sử dụng chính thức khi IASB xác định mục tiêu: hình thành một tập hợp các chuẩn mực BCTC trên toàn thế giới, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với các nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan đến việc ra quyết định kinh tế dựa trên BCTC, đồng thời thúc đẩy quá trình hội tụ tiêu chuẩn quốc gia kế toán với các tiêu chuẩn BCTC quốc tế (IASC Foundation, 2010). Từ khi thành lập, IASB đã ban hành 9 CMBCTCQT ngoài 41 chuẩn mực IAS trước năm 2001.

Một mốc quan trọng trong thời kỳ này là năm 2002, IASB đã tiến hành hợp tác với Hội đồng chuẩn mực kế toán Mỹ (FASB) thông qua thỏa thuận Norwalk có nội dung thúc đẩy quá trình áp dụng CMBCTCQT khi nâng cao tính minh bạch của thông tin trên bản báo cáo các doanh nghiệp trong và ngoài nước Mỹ. Sau đó, một loạt các dự án giữa hai hệ thống hội tụ các tiêu chuẩn có tác động lớn nhất thế giới này đã được tiến hành.

Một trong những tiến triển quan trọng của CMBCTCQT là khi EU yêu cầu tất cả quốc gia thành viên trong thị trường vốn EU đều phải áp dụng vào năm 2005. EU bắt đầu áp dụng CMBCTCQT với BCTC hợp nhất của doanh nghiệp lớn niêm yết ở EU từ năm 2005, sau đó khuyến khích mở rộng cho doanh nghiệp khác. Việc áp dụng này được quy

định thành luật và áp dụng với tất cả các nước thành viên. Trong tương lai, EU có kế hoạch tiến tới áp dụng CMBCTCQT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (PwC, 2015).

Năm 2010, IASB ban hành khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày BCTC (IFRS Framework). CMBCTCQT có những đặc điểm cơ bản như: CMBCTCQT có tính linh hoạt rất cao, thể hiện ở chuẩn mực “Khuôn mẫu chung”, CMBCTCQT đề cao giá trị hợp lý để đảm bảo thông tin kế toán trung thực và hữu ích cho người sử dụng.

Khoảng thời gian 2011 - 2012, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đều có xu thế áp dụng CMBCTCQT, phải kể đến như thị trường Canada (2011), Nga (2012), Hàn Quốc (2011) và Mexico (2012). Tính đến thời bấy giờ, có hơn 140 đất nước đã lựa chọn áp dụng CMBCTCQT cho các doanh nghiệp niêm yết trong nước và các giao dịch với các nước quốc tế. Châu Á cũng không đứng ngoài cuộc xu thế kinh tế này khi hầu như các nước Hong Kong, Singapore, Campuchia, Malaysia… đã áp dụng toàn bộ đối với tất cả các giao dịch quốc tế của tất cả các doanh nghiệp trong nước. Không ngoại lệ, việc áp dụng CMBCTCQT rộng rãi trên toàn thế giới nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình đến từ các tổ chức G-20, WB, IMF, Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB), IOSCO… (tổ chức quan trọng của kinh tế thế giới).

Tháng 7/2011, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã có động thái tích cực khi tuyên bố: “Ủng hộ xây dựng chuẩn mực kế toán trên cơ sở CMBCTCQT là phù hợp tình hình thực tế”.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của G-20 vào năm 2012 thì theo báo cáo thống kê của IASB vào 2016, có 14/20 quốc gia nhóm G-20 đã yêu cầu áp dụng hoàn toàn CMBCTCQT cho thị trường vốn, 6 nước còn lại (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc, Indonesia) áp dụng hạn chế một số vấn đề bắt buộc.

Doanh nghiệp sau khi áp dụng CMBCTCQT sẽ làm tăng cơ hội được gia nhập và chấp nhận trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân là khi áp dụng CMBCTCQT đồng nghĩa với việc thay thế cách thức đo lường, ghi nhận và trình bày bản BCTC. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ giảm được sự bất định, nhận được thông tin chính xác, tăng hiệu quả trên thị trường và đưa ra quyết định một cách thuận lợi, ít rủi ro hơn, áp dụng CMBCTCQT giúp mở rộng giao dịch chứng khoán toàn cầu.

Một phần của tài liệu FINAL (2) (Trang 37 - 39)