Nguồn luật quốc tế

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không của công ty TNHH korchina việt nam (chi nhánh hà nội) (Trang 33 - 35)

4. Phương pháp nghiên cứu

1.5.1.Nguồn luật quốc tế

Bản thân hoạt động giao nhận hàng hóa XNK là rất phức tạp, yêu cầu tính chuyên môn hóa nghiệp vụ cao. Ngoài việc Nhà nước phải có những quy định chặt chẽ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lĩnh vực này. Vấn đề giao nhận hàng hóa XNK ngày càng trở thành chiến lược mang tầm vĩ mô của mọi quốc gia, cần thiết phải đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như con người và hơn hết là những văn bản pháp luật áp dụng. Quan trọng hơn chính là hoạt động giao nhận hàng hóa bằng đường hàng không lại càng đòi hỏi tính chính xác cao, do vậy yêu cầu vai trò pháp lý cũng phải chuẩn mực hơn, phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Về nguyên tắc của Luật hàng không quốc tế: hoạt động hàng không được thực hiện trong môi trường hết sức đặc biệt, đòi hỏi phải đảm bảo an toàn -an ninh ở mức tuyệt đối cho mọi chủ thể tham gia vào quá trình lưu thông hàng không quốc tế cũng như cho sự an toàn của từng quốc gia. Chính vì vậy, trong Luật hàng không quốc tế đã hình thành nên các nguyên tắc đặc thù của ngành luật này.

Điều ước quốc tế:

Công ước Chicago 1944 về hàng không dân dụng quốc tế là nguồn luật quan trọng đầu tiên của Luật hàng không quốc tế. Công ước bao gồm 4 phần, 22 chương và 96 điều khoản quy định các nguyên tắc cơ bản của Luật hàng không quốc tế và thành lập tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO. Công ước Chicago 1944 được coi là điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất trong lĩnh vực hàng không dân dụng, là một trong những văn bản pháp lý quốc tế được thừa nhận rộng rãi nhất. Công ước Vacsava 1929 về thống nhất một số quy định trong vận chuyển hàng không dân dụng quốc tế, là điều ước quốc tế có tầm quan trọng nhất trong lĩnh vực dân sự hàng không quốc tế. Công ước này đã được bổ sung, sửa đổi bằng các Nghị định thư Lahay 1955, Công ước Guadalajara 1961, Nghị định thư Guatemala 1971, bốn Nghị định thư Montreal 1975 tạo ra hệ thống Công ước Vacsava 1929 về vận chuyển hàng không dân dụng quốc tế.

Theo các Công ước trên, phạm vi trách nhiệm của người chuyên chở là từ khi người chuyên chở nhận hàng để chở cho đến khi giao hàng cho người nhận. Cơ sở trách nhiệm dựa trên nguyên tắc có lỗi nghĩa là người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng, tổn thất, chậm trễ hàng hóa trong quá trình vận chuyển trừ khi chứng minh được mình (đại lý, người làm công) đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hợp lý để tránh cho hàng hóa khỏi những tổn thất đó. Mặt khác, người chuyên chở sẽ không chịu trách nhiệm nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của hoa tiêu trong việc chỉ huy hoặc vận hành tàu bay và trong mọi phương diện khác mà anh ta hoặc đại lý của anh ta đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hợp lý để tránh thiệt hại.

Ngoài ra còn có hệ thống các công ước quy định về an ninh hàng không dân dụng, là lĩnh vực chủ yếu trong lĩnh vực hình sự hàng không; các công ước này được xây dựng nhằm ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không, đảm bảo an ninh hàng không dân dụng trên toàn thế giới.

Quy định của ICAO:

Được coi là nguồn luật hàng không dân dụng quốc tế, tuy nhiên xét về mặt pháp lý, các quy định được soạn thảo và ban hành bởi ICAO có ít hiệu lực hơn các điều ước quốc tế về hàng không. Các quyết định của tổ chức này chủ yếu đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế, các phương thức khuyến nghị về kỹ thuật hàng không. Trong khuôn khổ ICAO, cộng đồng quốc tế sẽ thông qua các quy phạm kỹ thuật hàng không để phù hợp với biểu quyết Contracting Out. Đây là phương thức thường được sử dụng trong quá trình xây dựng các quy phạm kỹ thuật. Theo các phương thức này, các quy phạm quốc tế trên và biện pháp hành động có tính khuyến nghị của ICAO sẽ được hội đồng thông qua với ⅔ số phiếu liên quan đến nhiều vấn đề của hàng không dân dụng quốc tế và có hiệu lực ràng buộc các quốc gia thành viên sau 3 tháng.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không của công ty TNHH korchina việt nam (chi nhánh hà nội) (Trang 33 - 35)