2.3.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Vicem Hà Tiên còn tồn tại những hạn chế nhất định trong quá trình hoạt động, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tuy quy mô nợ dài hạn đã giảm nhưng tỷ trọng nợ vay (chủ yếu là
do tăng quy mô nợ ngắn hạn) trong tổng nguồn vốn vẫn tương đối cao, điều này làm cho hệ số nợ trong cả giai đoạn đều cao hơn mức an toàn là 0,45.
Thứ hai, quy mô vốn chủ sở hữu tăng nhưng cơ cấu vốn chủ sở hữu trong tổng
nguồn vốn vẫn nhỏ hơn 0,55. Đây là mức hệ số vốn chủ sở hữu tối thiểu để đảm bảo doanh nghiệp có thể tự chủ về mặt tài chính.
Thứ ba, khả năng thanh toán hiện thời của Vicem Hà Tiên trong cả giai đoạn đều có xu hướng giảm và nhỏ hơn 1, điều này thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn khá yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Đồng thời, hệ số
khả năng thanh toán hiện thời của Vicem Hà Tiên giảm liên tục qua từng năm cho thấy doanh nghiệp ngày càng mất khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn và rộng hơn có thể mang rủi ro phá sản.
Thứ tư, hệ số khả năng thanh toán nhanh của Vicem Hà Tiên trong cả giai
đoạn nhỏ hơn 0,5. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.
Thứ năm, chỉ số vòng quay tổng tài sản của Vicem Hà Tiên trong cả giai đoạn
đều nhỏ hơn so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực sản xuất và cung cấp xi măng. Điều này cho thấy hiệu quả khai thác tổng tài sản của doanh nghiệp chưa cao, gián tiếp ảnh hưởng đến quy mô doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thứ sáu, các chi phí của Vicem Hà Tiên đều có xu hướng tăng, tuy có giảm
vào năm 2020 nhưng mức giảm không đáng kể. Điều này làm ảnh hưởng đến quy mô lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh bởi chi phí tăng cao làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thứ bảy, tuy các tỷ số khả năng sinh lời của Vicem Hà Tiên cao hơn so với
một số doanh nghiệp cùng ngành đã so sánh nhưng các tỷ số này đều có xu hướng giảm vào năm 2020.
2.3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
Thứ nhất, nợ ngắn hạn của Vicem Hà Tiên tăng cao là do doanh nghiệp tăng
các khoản vay ngắn hạn ngân hàng nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình ( Các khoản vay này có thời hạn 6 tháng kể từ ngày giải ngân và chịu lãi suất theo thoả thuận). Vì vậy, khi vốn chủ sở hữu tăng nhưng mức tăng không đủ đề bù đắp cho mức tăng của nợ ngắn hạn sẽ dẫn đến trường hợp tỷ trọng nợ ngắn hạn trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp cao và khó kiểm soát dưới mức an toàn.
Thứ hai, tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn vẫn không cao là do
mức tăng của vốn chủ sở hữu không đủ bù đắp cho mức giảm của tổng nguồn vốn cũng như là mức tăng của nợ vay. Vì vậy khi xét về cơ cấu tài chính thì Vicem Hà Tiên vẫn chưa cân đối được giữa nợ vay và vốn chủ. Tuy có điều chỉnh tăng vốn chủ nhưng mức tăng vẫn khá nhẹ và chưa đáp ứng đủ khối lượng để tỷ trọng vốn chủ đạt mức an toàn.
Thứ ba, nguyên nhân chủ yếu làm cho khả năng thanh toán hiện thời thấp là do chênh lệch giữa biến động của tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn không đủ để bù đắp cho nhau. Cụ thể năm 2019, khả năng thanh toán hiện thời giảm do tài sản ngắn hạn giảm (chủ yếu giảm tiền gửi ngân hàng) và tăng các khoản vay ngắn hạn cho mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động. Năm 2020, tuy tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn đều tăng nhưng mức tăng của tài sản ngắn hạn nhỏ hơn mức tăng của nợ ngắn hạn nên dẫn đến khả năng thanh toán hiện thời có xu hướng giảm. Chính sự chênh lệch này dẫn đến giá trị của hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Vicem Hà Tiên thấp hơn so với một số các doanh nghiệp cùng ngành giai đoạn 2018-2020.
Thứ tư, khả năng thanh toán nhanh của Vicem Hà Tiên biến động không ổn
định và nhỏ hơn 0,5 trong cả giai đoạn là do mức chênh lệch giữa quy mô nợ ngắn hạn và hàng tồn kho, tài sản ngắn hạn không đủ để bù đắp cho nhau. Cụ thể: Năm 2019, tỷ số khả năng thanh toán nhanh giảm là do quy mô các khoản vay ngắn hạn tăng cao hơn mức tăng giữa chênh lệch của tài sản ngắn hạn và hàng tồn kho. Năm 2020, khả năng thanh toán nhanh có biến động tăng do hàng tồn kho giảm và quy mô tài sản ngắn hạn tăng cao hơn so với năm 2019, tuy nhiên mức cải thiện không nhiều khiến hệ số vẫn duy trì giá trị nhỏ hơn 0,5.
Thứ năm, nguyên nhân khiến vòng quay tổng tài sản của Vicem Hà Tiên giai
đoạn 2018-2020 thấp là do hiệu quả khai thác tổng tài sản của doanh nghiệp chưa cao, cụ thể ở đây, trong năm 2019 doanh nghiệp có lượng tài sản cố định, cụ thể là máy móc thiết bị bị ứ đọng có giá trị lên đến 52.940.790 VNĐ, hay trong năm 2020, giá trị máy móc thiết bị bị ứ đọng là 14.441.494 VNĐ. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác tổng tài sản của Vicem Hà Tiên thấp do việc khai thác nhóm tài sản ngắn hạn chưa thật sự hiệu quả. Điều này thể hiện rõ nhất qua vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp. Hệ số vòng quay các khoản phải thu của Vicem Hà Tiên chưa thật sự cao, thể hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tốn nhiều chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ, dẫn đến tăng nguồn vốn bị chiếm dụng, doanh nghiệp bị giảm đi khả năng luân chuyển vốn phục vụ cho các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, hàng tồn kho tăng cao qua các năm hoạt động cũng là nguyên nhân chính khiến vòng quay tài sản của Vicem Hà Tiên không được cao. Bởi hàng tồn kho nhiều chứng tỏ nguồn vốn của doanh nghiệp cho hàng tồn kho đang bị ứ đọng nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ luân chuyển vốn của doanh nghiệp.
Thứ sáu, các chi phí của Vicem Hà Tiên tăng cao một phần do doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng và tăng chi phí cho các hoạt động nghiên cứu, cải tiến chất lượng sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên việc các chi phí tăng cao nguyên nhân phần nào cũng do công tác quản lý chi phí của doanh nghiệp chưa được tốt, dẫn đến việc lãng phí đồng vốn mà không thu lại được hiệu quả.
Thứ bảy, nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc các tỷ số khả năng sinh lời của Vicem Hà Tiên giảm trong năm 2020 như sau:
Với ROS, nguyên nhân gây giảm chủ yếu là trong năm 2020, do tác động của dịch Covid 19 khiến toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn dẫn đến sản lượng đầu ra tiêu thụ kém, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Đồng thời, công tác quản lý chi phí của doanh nghiệp tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự hiệu quả đã khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.
Đối với ROA, do chịu tác động trực tiếp từ hai yếu tố là ROS và vòng quay tổng tài sản nên trong năm 2020, khi doanh thu và lợi nhuận giảm cùng với hiệu quả khai thác tài sản của doanh nghiệp chưa cao khiến cho ROA giảm theo.
Trong khi đó, ROE chịu ảnh hưởng từ ba yếu tố là ROS, vòng quay tổng tài sản và hệ số nhân vốn chủ sở hữu EM. Trong năm 2020, cùng với sự giảm xuống của lợi nhuận và doanh thu cũng như hiệu quả khai thác tài sản, Vicem Hà Tiên có xu hướng điều chỉnh cơ cấu tài chính, giảm đòn bảy tài chính bằng cách tăng nguồn vốn chủ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số nhân vốn chủ sở hữu. Từ đó gián tiếp khiến tỷ số ROE giảm so với năm hoạt động trước đó.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP CẢI THIỆN TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY CỔ PHẦN XI MĂNG HÀ TIÊN 1