Khả năng thanh toán thể hiện năng lực trả nợ các khoản nợ đến hạn, là một tiêu chí quan trọng phản ánh tình hình tài chính và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, khả năng thanh toán cũng thể hiện những rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Thông qua chỉ tiêu này, các nhà đầu tư, nhà cho vay hay các cổ đông có thể đánh giá khả năng thanh toán hay những rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp.
Qua việc phân tích có thể thấy khả năng thanh toán hiện thời của doanh nghiệp trong cả giai đoạn luôn nhỏ hơn 1, khả năng thanh toán nhanh cả giai đoạn nhỏ hơn 0,5. Điều này thể hiện rõ doanh nghiệp ít nhất là trong giai đoạn 2018- 2020 không đáp ứng được yêu cầu thanh toán khi mà các chỉ số đều thấp hơn mức tiêu chuẩn. Các khoản nợ ngắn hạn tuy giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc luân chuyển vốn, sử dụng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại là khoản nợ mang tính rủi ro cao đối với tài chính doanh nghiệp, bởi nếu không thanh toán đúng hạn, doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm sát sao đến việc nâng cao hiệu quả khả năng thanh toán để tạo niềm tin với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khả năng thanh toán như sau:
Thứ nhất, luôn đảm bảo lượng tiền mặt nhất định để thanh toán các khoản vay
gần đến hạn. Kể cả các khoản vay chưa đến hạn, doanh nghiệp cũng cần có lượng tiền dự trữ để đề phòng rủi ro trong trường hợp chủ nợ cần thanh toán gấp. Bởi tiền mặt là phương tiện thanh toán có tính thanh khoản cao nhất, việc dự trữ tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tất cả các trường hợp, kể cả các trường hợp phát sinh đột ngột.
Thứ hai, dự trữ một số mã chứng khoán có khả năng thanh khoản cao để có thể chuyển đổi thành tiền nhanh chóng khi cần thanh toán các khoản nợ đến hạn. Hiện nay khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển rất mạnh thì việc các các nhân hay tổ chức dự trữ cho mình một số mã chứng khoán tốt để kịp thời chuyển đổi thành tiền khi cần là vô cùng quan trọng. Bởi ngoài tiền mặt thì đây là một phương án dự phòng có mức độ rủi ro nhỏ. Tuy nhiên với yêu cầu là nhà lãnh đạo hay người giữ tài khoản của doanh nghiệp phải là những người có kiến thức, đủ năng lực để phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định kịp thời, chính xác.
Thứ ba, trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng
nghiêm trọng bởi dịch bệnh như hiện nay, doanh nghiệp cần đưa ra các chính sách khuyến mãi phù hợp nhằm tiêu thụ lượng hàng hoá tồn kho, giảm ứ đọng vốn. Cụ thể, Vicem Hà Tiên cần xây dựng các chính sách tặng quà, giảm giá, chiết khấu đối với các hàng bị ứ đọng, nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Thứ tư, doanh nghiệp cần tích cực thu hồi các khoản phải thu – là các khoản
vốn đang bị chiếm dụng bởi khách hàng thông qua việc khuyến khích khách hàng thanh toán sớm với các chính sách chiết khấu thanh toán.