Phân tích và đánh giá rủi ro tại PVI Holdings

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Ứng dụng mô hình quản trị rủi ro ERM tại PVI Holdings (Trang 56 - 60)

Phân tích và đánh giá rủi ro ở khâu cấp đơn bảo hiểm

PVI Holdings chưa có quy trình nhận dạng, phương pháp đo lường và quản trị rủi ro. PVI Holdings mới chỉ có các quy định an toàn cho một số hoạt động chính trong chu trình kinh doanh của đơn vị. Nên hầu hết các hợp đồng bảo hiểm ở các nghiệp vụ bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới, tai nạn con người không được phân tích và đánh giá phân loại rủi ro trước khi cấp đơn. Bên cạnh đó vì áp lực chạy theo doanh thu khai thác và đội ngũ lao động trẻ chưa nhiều kinh nghiệm nên một số nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm chủ tàu việc phân tích đánh giá rủi ro chưa thật sự đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật.

Theo qui trình khai thác bảo hiểm của PVI Holdings qui định thì trước khi cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng thì cán bộ khai thác phải tiến hành thu thập thông tin về đối tượng bảo hiểm, khách hàng tham gia bảo hiểm, lịch sử tổn thất của đối tượng bảo hiểm và khả năng rủi ro có thể xẩy ra là cao hay thấp đối với khách hàng thông qua việc điều tra thông tin, kiểm tra hiện trường cũng như đối tượng bảo hiểm để từ đó quyết định mức phí bảo hiểm cho khách hàng trình lên các bộ phận chức năng phê duyệt theo phân cấp và thẩm quyền qui định.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại một số công ty trực thuộc thì còn có hợp đồng bảo hiểm chưa được tiến hành phân tích và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng trước khi

quyết định lựa chọn ký hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, tỷ lệ doanh số bảo hiểm cấp đơn cho khách hàng được đánh giá rủi ro là thấp trong tổng số doanh thu. Chủ yếu chỉ thực hiện phân tích và đánh giá rủi ro đối với nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ, tàu, tài sản kỹ thuật và bảo hiểm xe cơ giới có giá trị lớn, còn các nghiệp vụ liên quan tới bảo hiểm hàng hóa vận chuyển có mức độ rủi ro cao như bảo hiểm cho nhóm hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón, các nghiệp vụ bán lẻ như bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm con người thì công tác phân tích và đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn chưa được coi trọng. Điều đó làm cho nguy cơ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh của PVI Holdings còn khá cao do việc công ty nhận bảo hiểm cho các đối tượng có nguy cơ xẩy ra rủi ro cao mà không lường trước được sẽ có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh chung của PVI Holdings.

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, PVI Holdings quy định khi cấp đơn cho các xe có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên, phải báo cáo Ban quản lý nghiệp vụ để xin tỷ lệ phí bảo hiểm, các điều khoản, điều kiện bảo hiểm cho xe trước khi cấp đơn và báo tái bảo hiểm. Với qui định như trên thì thực tế tại Việt Nam số lượng người sở hữu các xe có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên chưa nhiều, do vậy PVI Holdings mới chỉ tiến hành phân tích và đánh giá rủi ro đối với nghiệp vụ xe cơ giới ở một tỷ lệ rất nhỏ. Phần lớn rủi ro bảo hiểm cho các xe có giá trị dưới 3 tỷ đồng chưa được công ty đánh giá rủi ro để báo cáo Ban chức năng trước khi cấp đơn mà chỉ phụ thuộc vào cảm tính của cán bộ khai thác bảo hiểm.

Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ và thiệt hại tài sản thì việc phân tích và đánh giá rủi ro ở khâu cấp đơn bảo hiểm được thực hiện như sau:

Bước 1: Sau khi cán bộ khai thác bảo hiểm tiếp nhận yêu cầu bảo hiểm của khách hàng thì có trách nhiệm tiến hành khảo sát hiện trạng, thu thập thêm các thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm và người được bảo hiểm để phân tích đánh giá mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm. Xác định loại rủi ro của đối tượng bảo hiểm: các loại rủi ro được chia thành 03 nhóm rủi ro.

Nhóm 1 là nhóm có rủi ro ít có thể xẩy ra tổn thất lớn, các rủi ro trong điều kiện thông thường khó cháy là loại phải đạt được những yêu cầu sau: Bộ phận chịu

lực gồm cột chịu lực, xà, dầm, tường chịu lực làm bằng vật liệu không cháy, mái nhà có khả năng chịu lửa ít nhất 30 phút, Bộ phận không chịu lực gồm tường ngăn cách bên trong và bên ngoài, trần không chịu lực... được xây dựng bằng vật liệu không cháy (gạch ngói, xi măng, bê tông, cốt thép...), ngành dịch vụ như trường học, bệnh viện, nhà ở, văn phòng cho thuê, công sở, nhà máy sản xuất xi măng, Công việc chế biến muối, Sản xuất và đóng chai bia, nước giải khát, Khách sạn mới, tốt, có hệ thống chữa cháy tự động và báo khói trong mỗi phòng, Bưu điện và văn phòng viễn thông.

Nhóm 2 là nhóm rủi ro có thể xẩy ra tổn thất lớn, các rủi ro có thể bị cháy. Các công trình này không đạt tiêu chuẩn như nhóm 1 nhưng các bộ phận chịu lực và cấu kiện khác cũng phải được làm bằng vật liệu khó cháy: Khách sạn cũ, không có hệ thống chữa cháy tự động và báo khói, cửa hàng bán hàng hóa (loại trừ nhà trưng bày và triển lãm hàng hóa), Công việc sản xuất kim loại, Xưởng cán kim loại, nhà máy luyện kim, Nhà máy điện, trạm điện, Nhà máy hóa chất (loại trừ hóa dầu), Chế biến thực phẩm, Cao su.

Nhóm 3 là nhóm rủi ro rất dễ cháy, dễ xẩy ra tổn thất lớn, đặc biệt nguy hiểm. Các công trình này không đạt được yêu cầu như nhóm 1 và nhóm 2: Sản xuất nhựa, chất dẻo, xốp, Chất dễ nổ, diêm, Giấy, da, Xử lý gỗ, sản xuất linh kiện vi mạch, Hầm ủ thóc, nhà máy xay, nhà máy sản xuất cỏ khô, kho, kho ngoài trời, phòng triển lãm, siêu thị, chợ, kho lạnh, dệt, may, nhựa.

Xác định tính chất và mức độ hoạt động của rủi ro, các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất của khách hàng, mức độ tổn thất lớn nhất nếu có nhằm giúp PVI Holdings quyết định nhận bảo hiểm hoặc từ chối bảo hiểm và cung cấp thông tin để thu xếp tái bảo hiểm cũng như xác lập mức giữ lại.

Bước 2: Cán bộ đánh giá rủi ro điền vào Bảng câu hỏi đánh giá rủi ro theo mẫu của PVI Holdings, nêu rõ kết luận của cán bộ đánh giá rủi ro. Đối với các tài sản lớn nếu cần thì bộ phận khai thác bảo hiểm có thể đề nghị lãnh đạo công ty thuê đơn vị có chức năng tiến hành đánh giá rủi ro.

Qua những thực tế nêu trên, có thể thấy việc phân tích và đánh giá rủi ro tại đơn vị trực thuộc chưa được quan tâm đúng mực, thực tế được thể hiện qua tỷ lệ chi phí cho công tác phân tích và đánh giá rủi ro trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp.

Khoản mục chi phí đã chi ra phục vụ cho hoạt động phân tích và đánh giá rủi bảo hiểm là quá nhỏ so với chi phí cho hoạt động kinh doanh của PVI Holdings. Điều đó chứng tỏ rằng công tác phân tích và đánh giá rủi ro chưa được quan tâm đúng mực mặc dù nó là hoạt động mà tác động của nó ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của toàn doanh nghiệp.

Phân tích và đánh giá rủi ro ở khâu giám định và bồi thường

Phân tích và đánh giá rủi ro xảy ra ở khâu giám định bồi thường được thực hiện tốt sẽ góp phần giảm thiểu số tiền bồi thường của công ty bảo hiểm phải gánh chịu. Vì rủi ro xẩy ra ở khâu giám định và bồi thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số tiền phải bồi thường cho khách hàng cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh chung của công ty.

Thực tế công tác phân tích và đánh giá rủi ro ở khâu giám định và bồi thường tại đơn vị mặc dù đã được hỗ trợ từ các ứng dụng công nghệ thông tin nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu quản lý và phát triển kinh doanh trong việc đánh giá tổn thất mỗi khi có sự kiện bảo hiểm xẩy ra. Việc phân tích và đánh giá rủi ro ở khâu giám định bồi thường chưa được thực hiện thường xuyên mà chỉ được thực hiện khi bộ phận kiểm toán nội bộ của Công ty thực hiện kiểm toán tuân thủ hàng năm. Việc phát hiện ra các rủi ro của kiểm toán nội bộ xẩy ra tại khâu giám định bồi thường nếu có, khi đó chỉ còn là vấn đề yêu cầu các bộ phận có liên quan khắc phục các bồi thường sai, bồi thường không đúng theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với khách hàng.

Phân tích và đánh giá rủi ro hoạt động tái bảo hiểm

Tái báo hiểm là công cụ mà doanh nghiệp đang sử dụng để kiểm soát rủi ro của các hợp đồng bảo hiểm doanh nghiệp đã ký kết, các rủi ro và điều kiện, điều khoản bảo hiểm doanh nghiệp dự định ký kết, đảm bảo rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ không vượt quá khả năng chấp nhận của doanh nghiệp.

Tái bảo hiểm là công cụ luôn đòi hỏi một chi phí lớn, chi phí tái bảo hiểm nằm trong nhóm các khoản chi phí kinh doanh lớn nhất của doanh nghiệp bảo hiểm. Tái bảo hiểm chuyển giao một phần rủi ro và cũng chia sẻ cả một phần phí bảo hiểm tương ứng mà doanh nghiệp nhận được từ người được bảo hiểm.

Rủi ro có nguồn gốc từ tái bảo hiểm có tác động rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài Ban Tái bảo hiểm với nhiệm vụ thực hiện tái bảo hiểm các nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc phải thu xếp tái báo hiểm theo qui định của Nhà nước. PVI Holdings còn thành lập Tổng công ty Cổ phần tái bảo hiểm PVI thực hiện các hoạt động nhận tái và nhượng tái bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm trong và ngoài nước.

Công ty qui định: các đơn vị trực thuộc hệ thống Công ty khi cấp đơn đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm tàu, bảo hiểm trách nhiệm... có số tiền bảo hiểm vượt trên mức trách nhiệm được chủ động quyết định/mức giữ lại của các đơn vị thì phải báo cáo Ban Tái bảo hiểm để xác nhận với các nhà tái bảo hiểm về tỷ lệ phí, điều khoản, điều kiện của hợp đồng bảo hiểm trước khi cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng. Các hợp đồng có số tiền bảo hiểm nhỏ hơn mức qui định thì các đơn vị đàm phán tỷ lệ phí với khách hàng, điều khoản, điều kiện hợp đồng theo hướng dẫn khai thác của Công ty và báo cáo tái bảo hiểm định kỳ về Công ty vào ngày 10 hàng tháng.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Ứng dụng mô hình quản trị rủi ro ERM tại PVI Holdings (Trang 56 - 60)