6. Bố cục luận văn
1.2.2.2. Có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại
Người bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện người phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, nếu bị thiệt hại bởi tội phạm gây ra thì không khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường mà phải làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Theo khoản 1 Điều 52 BLTTHS năm 2003 thì đây là điều kiện bắt buộc để được xác định là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính hình thức. Bởi lẽ, không phải trường hợp nào yêu cầu của nguyên đơn dân sự đều được thể hiện bằng hình thức đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại mà có thể thể hiện yêu cầu bồi thường của mình trong đơn trình báo hoặc cơ quan điều tra sẽ ghi nhận yêu cầu của họ qua lời trình bày về thiệt hại do tội phạm gây ra và có thể hiện yêu cầu bồi thường13
.
BLTTHS năm 2003 không quy định hình thức, trình tự, cách thức gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào và phải gửi cho cơ quan nào để yêu cầu bồi thường. Trong khi đó nguyên đơn trong vụ án dân sự thì có quyền khởi kiện
12 Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình luật dân sự 2, Nxb. Đại học Cần Thơ, tr. 55.
13 Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.52.
tại Tòa án để yêu cầu bồi thường. BLTTDS năm 2004 đã dành riêng một chương từ Điều 161 đến Điều 171 để quy định cụ thể về hình thức đơn khởi kiện, cách thức, trình tự và thời hiệu để khởi kiện vụ án dân sự. Thực tiễn cho thấy, người bị thiệt hại bởi hành vi có dấu hiệu tội phạm thường đến cơ quan điều tra để trình bày yêu cầu của mình.
Người bị thiệt hại bởi tội phạm sẽ được giải quyết yêu cầu bồi thường trong vụ án hình sự, thông qua yêu cầu bồi thường của họ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người bị thiệt hại cũng bắt buộc phải làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bởi vì, có trường hợp nguyên đơn dân sự là cá nhân và họ đồng thời là người bị hại “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do
tội phạm gây ra” (Điều 51 BLTTHS năm 2003). Nếu nguyên đơn dân sự đồng
thời là người bị hại thì thì họ sẽ có cả quyền của người bị hại và quyền của nguyên đơn dân sự khi tham gia tố tụng, nhưng họ chỉ cần sử dụng quyền của người bị hại là đủ14. Ví dụ: Một người bị người khác cố ý gây thương tích có tỷ lệ thương tật là 61% họ tham gia tố tụng vừa với tư cách là người bị hại, vừa với tư cách là nguyên đơn dân sự vì họ bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra (tiền thuốc chữa bệnh, các khoản tiền chi phí sau khi vết thương đã được điều trị, v.v…). Thực tiễn xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định họ là người bị hại mà không cần xác định họ là nguyên đơn dân sự vì không cần thiết. Người bị hại không cần phải làm đơn yêu cầu bồi thường thì họ vẫn được bảo vệ và được bồi thường thiệt hại. Vì vậy, nếu nguyên đơn dân sự đồng thời là người bị hại thì họ không cần phải làm đơn yêu cầu bồi thường. Người bị hại dù có đơn yêu cầu bồi thường hay không thì họ vẫn được xác định là người bị hại, còn nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thì cơ quan tiến hành tố tụng không được xác định họ là nguyên đơn dân sự. Đây là một trong những tiêu chí để phân biệt cá nhân là nguyên đơn dân sự và người bị hại.
Nói tóm lại, đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là điều kiện bắt buộc để trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cơ quan tiến hành tố tụng cũng áp dụng cứng nhắc quy định này mà phải tùy vào từng trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự và đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn dân sự khi tham gia tố tụng.
14 Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 96.