6. Bố cục luận văn
3.2.5. Bất cập về quyền có người đại diện hợp pháp và quyền có người bảo
quyền lợi.
3.2.5.1. Bất cập
Việc tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tố tụng nói chung, tố tụng hình sự nói riêng, trong nhiều trường hợp nếu không có sự tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết vụ án, thậm chí có trường hợp phải hoãn phiên tòa. Từ đó, có thể thấy vai trò của người đại diện hợp pháp là rất lớn đối với người tham gia tố tụng nói chung, nguyên đơn dân sự nói riêng. Tuy nhiên, việc quy định về người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự trong BLTTHS như hiện nay lại chưa cụ thể và rõ ràng, dẫn đến tình trạng thiếu chính xác và không thống nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về người đại diện hợp pháp khi giải quyết các vụ án cụ thể, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của nguyên đơn dân sự. Do BLTTHS chưa quy định rõ về người đại diện hợp pháp (tức là chưa quy định rõ ai sẽ là người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn dân sự) nên dẫn đến tình trạng có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định người đại diện hợp pháp. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Pháp luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể cách xác định người đại diện hợp pháp nên nguyên đơn dân sự có thể có từ hai người trở lên là người đại diện hợp pháp cho mình vì luật không quy định rõ. Đó là tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bố, mẹ, vợ (chồng), con chưa thành niên của nguyên đơn dân sự. Vì vậy, khi xét xử, Tòa án phải triệu tập tất cả họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự. Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù luật
không quy định rõ nhưng cần phải hiểu rằng trong mọi trường hợp người đại diện hợp pháp chỉ có thể có một người tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp như quy định của Bộ luật tố tụng dân sự47. Cụ thể, đối với người chưa thành niên, người bị nhược điểm về thể chất, tinh thần hoặc người thành niên chưa xây dựng gia đình thì bố (hoặc mẹ) là người đại diện hợp pháp. Nếu bố, mẹ không còn hoặc không có khả năng đại diện thì anh cả hoặc chị cả là người đại diện hợp pháp. Đối với người đã thành niên nếu có gia đình thì vợ hoặc chồng là người đại diện. Nếu vợ (chồng) không có khả năng làm người đại diên hợp pháp thì con đã thành niên sẽ là người đại diện hợp pháp, v.v… Chính vì những quan điểm trái ngược nhau như trên nên trên thực tế có nhiều vụ án nguyên đơn dân sự
47 Nguyễn Đức Dũng, Người đại diện hợp pháp trong Bộ luật tố tụng hình sự, tạp chí TAND, số 1/ 2008, tr. 55.
còn đủ cả bố, mẹ, vợ, con, nhưng ở vụ án này thì nguyên đơn dân sự có nhiều người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng. Còn ở vụ án kia chỉ có một người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp vì không xác định đầy đủ người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự nên đã làm cho việc giải quyết vụ án trở nên phức tạp, thậm chí có trường hợp phải hủy bản án, quyết định để xét xử sơ thẩm lại.
Trong thực tiễn còn xảy ra một trường hợp đó là những trường hợp nào thì người đại diện hợp pháp có đầy đủ các quyền của người được đại diện theo quy định của pháp luật. Vấn đề này hiện nay còn những nhận thức không thống nhất. Có nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết các vụ án cụ thể trong thực tế. Có quan điểm cho rằng, luật không quy định phạm vi quyền của người đại diện hợp
pháp nên người đại diện hợp pháp không thể có đầy đủ những quyền của người đại diện hợp pháp. Quan điểm khác lại cho rằng, trong một số trường hợp nhất
định thì người đại diện hợp pháp sẽ có đầy đủ những quyền của người đại diện (Ví dụ như trong trường hợp nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên, v.v...)48. Về vấn đề này, người viết nhận thấy qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự thì trong trường hợp nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên, người bị nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp được đảm bảo các quyền quy định tại khoản 2 Điều 52. Người viết đồng tình với cách giải quyết này. Bởi vì, nếu nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên, người bị nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần thì họ bị hạn chế về khả năng nhận thức và không làm chủ được hành vi của mình. Họ cần phải có một người đại diện hợp pháp có đầy đủ quyền của nguyên đơn dân sự đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ. Tuy nhiên, do không có một quy định cụ thể nên trên thực tế có rất nhiều trường hợp người đại diện hợp pháp không được đảm bảo tất cả các quyền của nguyên đơn dân sự, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nguyên đơn dân sự. Trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền không vi phạm bất cứ quy định nào. Bởi lẽ, không có bất kỳ Điều luật nào quy định về người đại diện hợp pháp.
3.2.5.2. Nguyên nhân
Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 cũng như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, mặc dù đều có đề cập đến người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự, nhưng lại chưa quy định cụ thể về người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân
48 Nguyễn Đức Dũng, Về quy định người đại diện hợp pháp trong Bộ luật tố tụng hình sự, tạp chí TAND, số 1/2008, tr.29.
sự nên đã dẫn đến vướng mắc về mặt nhận thức trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Thật vậy, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định rõ ai là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp sẽ có đầy đủ quyền của nguyên đơn dân sự trong trường hợp nào. Vì vậy, đã dẫn đến nhận thức và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn.
Người đại diện hợp pháp có vai trò rất lớn đối với hoạt động tố tụng hình sự, trong nhiều trường hợp sự vắng mặt của họ còn dẫn đến việc hoãn phiên tòa. Mặc dù, pháp luật quy định cho Hội đồng xét xử quyền được quyết định hoãn phiên tòa khi người đại diện hợp pháp vắng mặt hoặc tiếp tục tiến hành xét xử (Điều 191) nhưng Điều luật lại không quy định trường hợp nào thì được hoãn còn trường hợp nào thì vẫn tiến hành xét xử. Chính vì quy định chung chung này đã dẫn đến sự tùy tiện quyết định tiến hành xét xử mà không cần người đại diện hợp pháp tham gia, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của nguyên đơn dân sự.
Hiện nay, trong Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ có một quy định duy nhất tại khoản 5 Điều 51 có quy định “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền tại Điều này” (Nghĩa là khi người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của người bị hại sẽ có đầy đủ những quyền của người bị hại đã được quy định tại khoản 2 Điều 51 BLTTHS năm 2003. Còn đối với nguyên đơn dân sự và người tham gia tố tụng khác thì chưa được quy định, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nguyên đơn dân sự.
3.2.5.3. Giải pháp
Từ những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án cụ thể liên quan đến người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự thì người viết đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, về giải pháp trước mắt: Với thực trạng nhận thức và áp dụng không thống nhất như hiện nay thì người viết cho rằng có thể tạm thời vận dụng hướng dẫn tại mục 1.1, tiểu mục 1.4 phần I của nghị quyết số 05/2005/NQ- HĐTP ngày 8 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư của Bộ luật tố tụng hình sự để xác định những trường hợp nào thì người đại diện hợp pháp có đầy đủ những quyền của người được đại diện. Cụ thể là khi xét đối với các trường hợp nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tâm
thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp của họ có đầy đủ những quyền như quy định tại khoản 2 Điều 52.
Để đảm bảo việc nhận thức một cách chính xác và việc áp dụng được thống nhất thì cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời có văn bản hướng dẫn về người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự trong tố tụng hình sự.
Thứ hai, về giải pháp lâu dài: Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng nói chung, nguyên đơn dân sự nói riêng thì người viết kiến nghị bổ sung thêm vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 một Điều luật về người đại diện hợp pháp cho những người tham gia tố tụng nói chung và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự nói riêng, như sau: “Người đại diện hợp pháp của nguyên
đơn dân sự là người được nguyên đơn dân sự ủy nhiệm bằng văn bản đại diện cho mình tham gia tố tụng. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự nhân danh và vì lợi ích của người mà mình làm đại diện, thực hiện các quyền và nghĩa vụ do Bộ luật này quy định. Nếu nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên thì cha mẹ hoặc người giảm hộ là người đại diện hợp pháp đương nhiên của họ”.
Một khi đã có một Điều luật riêng về người đại diện hợp pháp thì sẽ làm cho việc nhận thức và áp dụng một cách thống nhất quy định về người đại diện hợp pháp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nguyên đơn dân sự cũng như thể hiện tính nhất quán của pháp luật.
Ngoài những đề xuất về những quyền cụ thể như trên thì người viết còn một số kiến nghị để bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn dân sự như sau:
Thứ nhất, Điều 135, Điều 137, Điều 201 BLTTHS năm 2003 đều quy định trách nhiệm của Điều tra viên, Chủ toạ phiên toà phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng và việc này phải được ghi vào biên bản ghi lời khai, biên bản phiên toà. Tuy nhiên, Chương IV (Người tham gia tố tụng) của BLTTHS chỉ quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được giải thích về quyền và nghĩa vụ còn trong các điều luật về những người tham gia tố tụng khác như người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đều không xác định đây là một trong những quyền của người tham gia tố tụng. Điều này có nghĩa là pháp luật không quy định quyền cho người tham gia tố tụng nhưng lại ràng buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền. Để thống nhất giữa các quy định pháp luật, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của
người tham gia tố tụng nói chung, nguyên đơn dân sự nói riêng thì người viết kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật theo hướng bổ sung quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng nói chung, nguyên đơn dân sự
nói riêng vào các điều luật tại Chương IV BLTTHS. Cụ thể là bổ sung vào khoản 2 Điều 52 BLTTHS năm 2003 nguyên đơn dân sự có quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ.
Thứ hai, BLTTHS năm 2003 cần có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm bồi thường cũng như là trình tự, thủ tục để yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm bồi thường để kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nguyên đơn dân sự.
Tóm lại, pháp luật ghi nhận cho nguyên đơn dân sự rất nhiều quyền khi tham gia pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, có nhiều quy định còn “bỏ ngỏ” dẫn đến nhiều quyền chưa có tính khả thi và nhiều bất cập trên thực tế. Trong sự phát triển không ngừng của xã hội, vấn đề dân chủ bình đẳng, bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự luôn là động lực và thước đo của tiến bộ xã hội. Việc tiếp tục hoàn thiện chế định nguyên đơn dân sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền của nguyên đơn dân sự cũng là một sự thể hiện quyết tâm thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp do Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra.
KẾT LUẬN
Trong sự phát triển không ngừng của xã hội, vấn đề dân chủ bình đẳng, bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự luôn là động lực và thước đo của tiến bộ xã hội. Vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Mục tiêu cải cách tư pháp suy cho cùng cũng phải đáp ứng yêu cầu kiểm soát tội phạm và bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Con người trong tố tụng hình sự bao gồm chủ thể tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Trong những chủ thể tham gia tố tụng có nguyên đơn dân sự. Việc hoàn thiện các quy định liên quan đến nguyên đơn dân sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền của chủ thể này cũng là một sự thể hiện quyết tâm thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp do Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra.
Vì vậy mục tiêu của người viết là nghiên cứu quy định của pháp luật để làm sáng tỏ về mặt lý luận, chỉ ra những khiếm khuyết về mặt lập pháp cũng như những bất cập trong thực tế về quyền của nguyên đơn dân sự. Thông qua việc nghiên cứu người viết đã chỉ ra được những hạn chế của pháp luật thực định, những khoảng trống và những quy định còn bỏ ngỏ trong từng quyền cụ thể của nguyên đơn dân sự. Đồng thời, người viết đã làm rõ được thực trạng bảo vệ nguyên đơn dân sự trong tình hình hiện nay.
Một trong những điểm mới hết sức quan trọng trong BLTTHS năm 2003 là chế định nguyên đơn dân sự được hoàn thiện một bước thông qua việc bổ sung một số quy định như: nguyên đơn dân sự có thể bị thiệt hại bất kỳ, nguyên đơn dân sự được trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa. Tuy nhiên, do một số bất cập của luật thực định dẫn đến không phát huy được những quy định tiến bộ này đạt hiệu quả trên thực tế. Do đó, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền của nguyên đơn dân sự để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.
Thứ nhất, cần thừa nhận cho nguyên đơn dân sự có quyền thu thập và đưa ra chứng cứ để họ chủ động hơn khi tham gia tố tụng cũng như đảm bảo quyền tranh luận sau này của nguyên đơn dân sự.
Thứ hai, cần có cơ chế đảm bảo nguyên đơn dân sự được quyền tiếp cận với tiến trình điều tra vụ án, đảm bảo họ được thông báo về kết quả điều tra vụ
án. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo thông báo kết quả điều tra mà không thuộc bí mật điều tra cho nguyên đơn dân sự.
Thứ ba, để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan thì cần phải đảm bảo quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch được khả thi hơn trên thực tế.
Thư tư, cần phải sửa đổi trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa.