Tình hình văn hóa xã hội

Một phần của tài liệu chuyển biến kinh tế xã hội huyện phong điền ( thành phố cần thơ) trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 1986 – 2010 (Trang 34 - 39)

♦ Giáo dục

Sau giải phóng, do chiến tranh tàn phá nên phần lớn cơ sở giáo dục của huyện thiếu thốn, trên địa bàn 6 xã hầu như chỉ có xã Nhơn Ái là có trường cấp II, Cấp III , xã Tân Thới, xã Mỹ Khánh thì chỉ có trường cấp I ở ven chợ, các vùng ven xã Nhơn Ái và các xã còn lại hầu như không có trường học. Để khắc phục tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, không để con em trên địa bàn phải dốt, chính quyền địa phương đã nổ lực phấn đấu xây dựng nền giáo dục, bằng nhiều hình thức như: nhà nước cấp một phần kinh phí để xây dựng, vận động nhân dân đóng góp để xây dựng thêm một số trường học, tổ chức phong trào xóa mù chữ cho nhân dân trong huyện, với sự phấn đấu nỗ lực của chính quyền địa phương trong một thời gian ngắn các xã có trường cấp I, các lớp xóa mù chữ, diệt dốt diễn ra khắp nơi, tuy nhiên vẫn còn có một số hạn chế như thiếu giáo viên, lớp học bằng tre lá

còn nhiều, các lớp học còn phải học ca ba. Với cơ sở vật chất thiếu thốn thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng và học của học sinh và giáo viên trên địa bàn.

Truyền thông

Sau giải phóng, để đưa các chủ trương của Đảng và nhà nước tới quần chúng nhân dân. Ở 6 xã thuộc huyện Phong Điền những sinh hoạt văn hóa được khuyến khích và hỗ trợ. Ngành văn hóa thông tin tổ chức các cuộc hội thi văn nghệ, phát động phong trào“người tốt việc tốt”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V Đảng ta nhận thấy lĩnh vực truyền thông đại chúng là một bộ phận quan trọng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đóng vai trò phổ biến các chính sách, đường lối, chủ trương tiến bộ của Đảng, tuy nhiên trong thời qua hoạt động của lĩnh vực này nội dung còn nghèo nàn, chương trình chưa phong phú, hình thức kém hấp dẫn nên chưa đi sâu vào quần chúng. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra nhiệm vụ thời gian tới là nâng cao kỷ thuật và nghệ thuật biểu hiện và diễn đạt, chú ý phát triển hệ thống truyền thông ở vùng nông thôn, biên giới, miền núi…

Xuất phát nhiệm vụ và yêu cầu trên, Đảng bộ tỉnh và chính quyền địa phương đưa ra nhiệm vụ tập trung đầu tư xây dựng nhà truyền thống, thư viện, nhà hát, xây dựng và sửa chữa rạp hát ở một số xã trong đó có Phong Điền, mở rộng hệ thống truyền thông đấu tranh chống tàn dư văn hóa phẩm đồi trụy, các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh.

♦ y tế

Sau giải phóng nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành lạc hậu, trên địa bàn huyện chỉ có một trạm xá, một nhà bảo sanh do chính quyền cũ để lại, số giường bệnh hạn chế không phục vụ được cho nhu cầu chữa bệnh, bác sĩ, y sĩ hầu như không có, thuốc men thì khan hiếm. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Hậu Giang đã phải cử y sĩ bên quân đội chuyển qua dân y, các y bác sĩ của chế độ cũ được thu dụng, gởi người địa phương tham gia các lớp y tế cấp tốc về phục vụ địa phương. Đến những năm 80 tình hình có khá hơn, các phong trào y tế dự phòng như phong trào ăn sạch ở sạch, phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết… được ngành phát động

Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình được Đảng, nhà nước quan tâm , đã có một số chương trình hành động cấp quốc gia được thực hiện nhằm ổn định tỷ lệ gia tăng dân số trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Chế độ chính sách xã hội

Thể hiện tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Sau ngày miền Nam giải phóng, những chiến sĩ, cán bộ và người dân có công trong cuộc kháng chiến được chính quyền lập danh sách đề nghị xem xét thưởng giấy khen, bằng khen, huân chương, huy chương, bằng công nhận có công với cách mạng. Các gia đình liệt sĩ được hưởng trợ cấp, cán bộ chiến sĩ phục viên, thương binh có chế độ trợ cấp tiền và nhu yếu phẩm hàng tháng. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, những chế độ chính sách có tác dụng khích lệ, động viên tinh thần rất lớn.

Tiểu kết chương 1

Nhìn chung trong suốt quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Phong Điền gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, trải qua nhiều thế hệ từ thuở khai hoang, lập ấp cho đến chống giặc ngoại xâm, vùng đất này đã thấm máu, mồ hôi, nước mắt của người nông dân một nắng hai sương tạo dựng nên vùng đất trù phú màu mỡ vì thế việc nghiên cứu vùng đất này là điều cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà nền kinh tế đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập với thế giới.

Qua khái quát tình hình kinh tế- xã hội huyện trước năm 1986, cho thấy đây là vùng đầy tiềm năng để xây dựng một nền kinh tế phát triển hài hòa giữa các ngành công nghiệp - thương nghiệp- dịch vụ nhưng do hoàn cảnh lịch sử của đất nước nói chung và của huyện nói riêng lúc bấy giờ nên vùng đất này chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của nó, tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian từ 1976 đến 1985 công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, huyện Phong Điền cũng có những chuyển biến tích cực trên các mặt trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, nông nghiệp tiến hành thâm canh tăng vụ mở rộng diện tích trồng trọt, nhờ đó không xảy ra nạn đói, đời sống nhân dân địa phương có phần ổn định nhất là trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, các ngành nghề công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện được khôi phục và tạo điều kiện cho phát triển.

Về văn hóa giáo dục, sau 10 năm giải phóng, tình hình văn hóa giáo dục trên địa bàn huyện cũng có những nét chuyển biến tích cực như : thanh toán nạn mù chữ, phổ cập giáo dục cấp I, từng bước xây dựng và khắc phục những khó khăn của ngành, xây dựng thêm trường lớp, đáp ứng nhu cầu học hành cho con em nhân dân địa phương, quan tâm tới các gia đình thuộc diện chính sách nhà nước, từng bước xây dựng hệ thống giao thông ở huyện. Nhìn chung bộ mặt của huyện có sự thay đổi so với thời kỳ trước giải phóng, tuy nhiên sự chuyển biến diễn ra chậm chạp và còn nhiều hạn chế mà chính quyền địa phương lúc bấy giờ chưa tháo gỡ được do chính sách đường lối quản lý tập trung bao cấp lúc bấy giờ trói buộc. Những khó

khăn vướng mắc đó phải đợi đến năm 1986 khi Đảng và nhà nước ta bắt tay vào công cuộc đổi mới, với những chính sách kinh tế - xã hội cởi mở hơn, năng động hơn mới xóa bỏ được rào cản mở đường cho kinh tế - xã hội huyện thay đổi, khi đó tiềm lực kinh tế của huyện được phát huy nhiều hơn, đây sẽ là phần mà chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn ở chương II.

CHƯƠNG 2: CHUYỂN BIẾN KINH TẾ HUYỆN PHONG ĐIỀN TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2010

Một phần của tài liệu chuyển biến kinh tế xã hội huyện phong điền ( thành phố cần thơ) trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 1986 – 2010 (Trang 34 - 39)