Theo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế từ năm từ năm 1991-1995, chính quyền địa phương có chủ trương: đối với thương nghiệp quốc doanh phải cải tiến phương thức hoạt động, phải hạch toán kinh tế trong kinh doanh, hoạt động kinh doanh phải có hiệu quả, phải giải quyết dứt điểm những đơn vị kinh doanh thua lỗ, khuyến khích các thành phần kinh tế cá thể hoạt động theo đúng luật phát nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho họ đăng ký kinh doanh. Với chủ trương đúng đắn đó, ngành thương nghiệp- dịch vụ trên địa bàn huyện có điều kiện thuận lợi phát triển, tạo tiền đề cho bước phát triển những năm tiếp theo.
Từ năm 1996-2000 chính quyền cấp huyện chủ trương: “lấy chợ nuôi chợ”, các điểm chợ trên địa bàn huyện được sắp xếp lại và được đầu tư xây dựng như chợ Phong Điền ở xã Nhơn Ái. Năm 2001, với sự ra đời của luật doanh nghiệp, ngành thương nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển nhanh chóng, nhiều cơ sở kinh doanh ra đời, nhiều chợ ở vùng nông thôn thành lập, các chợ cũ được nâng cấp. Chợ Phong Điền trở thành nơi trao đổi buôn bán trung tâm của huyện, các dịch vụ như vận tải, cửa hàng ăn uống, cơ sở sữa chữa máy nổ, uốn tóc, dịch vụ khám bệnh tư nhân ra đời, các dịch vụ này hoạt động phổ biến ở xã Nhơn Ái, chợ Cầu Nhiếm (Tân Thới), chợ Trường Tiền ở xã Mỹ Khánh…
Về du lịch, đây là tiềm năng vốn có của huyện nhưng ở thời kỳ quản lý kinh tế tập trung, ngành du lịch chưa có điều kiện để phát triển, các di tích lịch sử chưa được khai thác như: khu di tích mộ cụ Phan Văn Trị ở xã Nhơn Ái, di tích Lung Cột Cầu thuộc nền văn hóa Óc Eo ở xã Nhơn Nghĩa, chợ nổi Phong Điền, làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh, di tích lịch sử rạch Ông Hào. Năm 1996, trên cơ sở đường lối phát triển kinh tế do Đảng và nhà nước đề ra, chính quyền địa phương bắt đầu có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, các di tích lịch sử mới được chính quyền mạnh dạn đầu tư tôn tạo lại các di tích lịch sử nhằm phục vụ cho phát triển du lịch.
Từ năm 2001-2003, ngành thương nghiệp- dịch vụ- du lịch trên địa bàn huyện thực sự bước vào giai đoạn khởi sắc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ- du lịch ra đời ngày càng nhiều, tạo nên diện mạo mới cho huyện trên đường phát triển kinh tế. Năm 2001, nhiều cơ sở kinh doanh thương nghiệp- dịch vụ- du lịch ra đời, trên địa bàn toàn huyện có 722 cơ sở hoạt động kinh doanh, đến năm 2003, con số các cơ sở kinh doanh tăng lên 822 cơ sở, số lượng người tham gia kinh doanh cũng theo đó gia tăng cụ thể: năm 2001 có 2343 người tham gia kinh doanh, đến năm 2003 có 2917 người tham gia, trong đó thành phần kinh tế cá thể chiếm 97%.[35, tr85,86]
Như vậy từ năm 1996 -2003 ngành thương nghiệp - dịch vụ - du lịch từng bước chuyển mình tạo ra thị trường tiêu thụ trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa, khích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển,
giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, điều này được minh chứng qua tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu của dịch vụ mang lại cụ thể: năm 2001 tổng mức doanh thu và dịch vụ đạt được là 139.354 triệu đồng, đến năm 2003 doanh thu đạt 221.922 triệu đồng. Những thành tựu đạt được ở giai đoạn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển ở giai đoạn sau.