Quản lý nhà trường
Nhà trường là đơn vị cơ sở của ngành giáo dục đào tạo. Quản lý nhà trường là một phần quan trọng trong quản lý giáo dục. Trong phạm vi nhà trường, hoạt động quản lý bao gồm nhiều hoạt động như: quản lý các hoạt động giáo dục: hoạt động dạy học, hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động lao động, hoạt động giáo dục hướng nghiệp…; quản lý nhiều đối tượng như quản lý giáo viên, quản lý học sinh, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất; có nhiều hoạt động phối hợp như: phối hợp với địa phương, phối hợp với cha mẹ học sinh, phối hợp với các cơ sở giáo dục khác…
Có nhiều định nghĩa khác nhau về quản lý nhà trường:
Theo M.I.Kônđacôp quản lý nhà trường là hệ thống xã hội – sư phạm chuyên biệt. Hệ thống này đòi hỏi những tác động có ý thức, có kế hoạch và hướng đích của chủ thể quản lý đến tất cả các mặt của đời sống nhà trường, nhằm đảm bảo sự vận hành tối ưu về các mặt xã hội – kinh tế, tổ chức – sư phạm của quá trình dạy học và giáo dục thế hệ đang lớn lên [3].
Quản lý nhà trường là quản lý giáo dục cấp cơ sở, là loại quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường bao gồm hệ thống những tác động có mục đích của hiệu trưởng đến các hoạt động giáo dục, đến con người (cán bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh), đến các nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, thông tin…), đến các ảnh hưởng ngoài nhà trường một cách hợp quy luật (quy
luật quản lý, quy luật giáo dục, quy luật tâm lý, quy luật kinh tế, quy luật xã hội)… nhằm đạt mục tiêu giáo dục.
Mặt khác, trường học là tổ chức giáo dục, là một đơn vị cấu trúc cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân. Xét về bản chất, trường học là tổ chức mang tính nhà nước – xã hội – sư phạm, thể hiện bản chất giai cấp, xã hội, bản chất sư phạm. Nói cách khác, quản lý trường học là thực hiện đường lối giáo dục trong phạm vi trách nhiệm của mình, đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh.
Quản lý nhà trường là hệ thống xã hội sư phạm chuyên biệt, hệ thống này đòi hỏi những tác động có ý thức, hợp quy luật, có kế hoạch và mục đích của chủ thể quản lý lên tất cả các mặt của đời sống nhà trường để đảm bảo sự vận hành tối ưu xã hội – kinh tế và tổ chức sư phạm của quá trình dạy học và giáo dục thế hệ trẻ.
Quản lý nhà trường trung học phổ thông
Luật Giáo dục 2005 quy định, giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục của cấp học này gọi là “Trường trung học phổ thông”. Ngày 02/04/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ trường trung học phổ thông, trong đó quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng là: Xây dựng tổ chức bộ máy nhà trường; Thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng trường; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học; Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định Nhà nước; quản lý hồ sơ tuyển dụng giáo viên, nhân viên; Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả, đánh giá xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường; Thực hiện các chế độ chính
sách nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường; Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm trước cấp trên về toàn bộ các nhiệm vụ được quy định.