Hệ thống XHTD dù có hoàn thiện đến đâu cũng đều do con người thực hiện. Nếu kết quả XHTD không được sử dụng để quản lý rủi ro tín dụng một cách triệt để và kiên quyết thì ý nghĩa và tác dụng của hệ thống XHTD sẽ không được phát huy đầy đủ. Hiện nay, một số chi nhánh hoặc trung tâm thẩm định vì một số lý do không
thực hiện XHTD định kỳ đối với một số khách hàng làm ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro và trích lập dự phòng. Ngoài ra, do lãi suất được xác định dựa trên kết quả XHTD nên nhân viên XHTD tại chi nhánh thường điều chỉnh kết quả sao cho đạt được mức điểm có lãi suất phù hợp để lôi kéo khách hàng. Vì vậy, MB cần tăng số lượt kiểm soát tuân thủ đối với XHTD nhiều hơn, đồng thời có kế hoạch mời kiểm toán độc lập hàng năm kiểm tra lại kết quả XHTD đối với những Khách hàng có dư nợ lớn hoặc nhận được nhiều ưu đãi… Dựa trên những đợt kiểm soát này, MB có thể đưa ra những hình thức xử lý kỷ luật nhằm nâng cao ý thức tuân thủ hệ thống XHTD cho nhân viên trên toàn hệ thống.
3.2.1.4. Chú trọng công tác thẩm định
Trong hoạt động XHTD tại MB, báo cáo thẩm định giữ vai trò là nền tảng cơ bản cung cấp thông tin để các nhân viên thực hiện đánh giá các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Hiện nay, báo cáo thẩm định này do các chuyên viên thẩm định lập nên việc không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ này sẽ quyết định đến chất lượng đánh giá các chỉ số XHTD. MB hiện đang có đội ngũ thẩm định khá đồng đều về chuyên môn nhưng có sự chênh lệch lớn về kinh nghiệm khiến cho việc đánh giá các chỉ tiêu liên quan đến XHTD không đạt được độ chính xác cao. Do đó, MB cần phân cấp chuyên viên thẩm định theo từng nhóm khách hàng như khách hàng doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng lớn nhằm tạo ra sự phù hợp giữa trình độ chuyên môn, kinh nghiệm với độ phức tạp của từng nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, việc thiết kế mẫu biểu thẩm định khoa học, sắp xếp các thông tin phục vụ việc XHTD hợp lý là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm hỗ trợ công tác XHTD trên toàn hệ thống MB.
3.2.2. Nhóm giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài
3.2.2.1. Hoàn thiện hệ thống kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế
Hệ thống kế toán của doanh nghiệp cần được thay đổi để đạt được các chuẩn mực kế toán quốc tế, các quy định về thống kê trong kế toán cần phải thống nhất và ổn định trong một khoảng thời gian dài nhằm giúp việc xử lý thông tin của ngân hàng được nhanh chóng và hiệu quả. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ
hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về kế toán kiểm toán đã gây ảnh hưởng khá nhiều đến việc xử lý thông tin XHTD của ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên và nguyên tắc.
Chế độ kế toán hiện hành chỉ khuyến khích các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhưng không bắt buộc, điều này đã được thể hiện trong Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/09/2006 của Bộ Tài Chính với nội dung cụ thể “Báo cáo tài chính quy định cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không bắt buộc mà khuyến khích lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ”. Với quy định như vậy, khách hàng có thể lựa chọn khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong khi đó, báo cáo này rất cần thiết đối với hoạt động quản trị của doanh nghiệp và nguồn thông tin của ngân hàng. Trường hợp khách hàng không lập báo cáo này thì khi XHTD, để đảm bảo đầy đủ và hợp lý, nhân viên xếp hạng phải tự lập báo cáo này nên mất nhiều thời gian và độ chính xác không cao khi tiến hành chấm điểm, đánh giá.
Từ nhận định nếu trên, luận văn kiến nghị hệ thống kế toán cần phải được các cơ quan quản lý ban hành quy định chế độ kế toán phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Các quy định về kế toán thống kê cần phải có tính thống nhất, công bằng và ổn định trong khoảng thời gian nhất định để làm căn cứ phân tích, đánh giá các chỉ tiêu tài chính. Khi đó, mức độ tin cậy đối với kết quả XHTD của ngân hàng sẽ tốt hơn.
3.2.2.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cục Thống kê trong việc cung cấp các chỉ tiêu trung bình ngành
Trong quá trình đánh giá xếp hạng, đặc biệt là đánh giá về các chỉ tiêu tài chính, ngân hàng rất cần các chỉ số trung bình ngành để so sánh. Hiện nay, cục Thống kê vẫn chưa thực hiện tốt việc cung cấp thông tin về các chỉ số ngành, các ngân hàng thường phải dựa vào số liệu từ các công ty chứng khoán nên đọ tin cậy và tính pháp lý không đảm bảo. Vì vậy, trong thời gian tới, cục Thống kê cần xây dựng đầy đủ các chỉ tiêu chính về trung bình ngành, để từ đó, không chỉ riêng các
ngân hàng mà nhiều cơ quan ban ngành khác có thể sử dụng các chỉ số này trong việc phân tích đánh giá các vấn đề có liên quan.