Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty CP Thiết Kế Kiến Trúc Kỹ Thuật Cao (Trang 26 - 28)

Bản chất của giá thành là nội dung kinh tế chứa đựng bên trong của giá thành. Giá thành được cấu tạo bởi những gì? Và với cấu tạo đó giá thành phản ánh gì về hoạt động sản xuất kinh doanh. Có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của giá thành: - Quan điểm cho rằng giá thành là hao phí về lao động sống, lao động vật hóa được dùng để sản xuất và tiêu thụ một đơn vị hoặc một khối lượng sản phẩm nhất định.

Đây là quan điểm có tính chất cơ bản, phổ biến và mang tính chất quan trọng trong lý luận giá thành ở nước ta. Quan điểm này đã nêu rõ những yếu tố vật chất bên trong cấu thành nên sản phẩm và thực hiện giá trị sản phẩm. Nó chỉ rõ chi phí sản xuất là nội dung cơ bản của giá thành và tiết kiệm chi phí sản xuất theo hướng tuyệt đối hoặc tương đối đều là biện pháp cơ bản để hạ thấp giá thành sản phẩm, tăng cường doanh lợi. Quan điểm này đặt ra yêu cầu trong tổ chức sử dụng các yếu tố cấu thành quá trình sản xuất phải chú trọng nâng cao năng suất lao động, tăng cường khối lượng công việc, sản phẩm, qua đó để hạ giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên quan điểm này chỉ bao gồm hao phí lao động sống, lao động vật hóa mà doanh nghiệp phải thực hiện sự bù đắp. Trong khi đó hao phí cần bù đắp là toàn bộ đầu vào có liên quan đến việc tạo nên và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác nó đặt ra những ràng buộc trong việc xác định nội dung cấu thành giá thành làm cho giá thành trở thành yếu tố cứng nhắc phụ thuộc vào các quy định. Điều này không phù hợp với sự biến động của các yếu tố đầu vào trong nền kinh tế thị trường.

- Quan điểm cho rằng giá thành là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bất kể nó nằm ở bộ phận nào trong các bộ phận cấu thành giá trị sản phẩm.

Quan điểm này dựa trên cơ sở xem xét và giải quyết sự hình thành và phát sinh của các loại chi phí: Tổng định phí và tổng biến phí.

Quan điểm này biểu hiện được đầy đủ các yếu tố chi phí đầu vào mà doanh nghiệp phải bù đắp để thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh. Nó đặt ra cho người quản lý phải tính toán mọi khoản chi phí thuộc phạm vi các yếu tố đầu vào để với mức chi phí thấp nhất có thể tạo ra được những kết quả ở mức tối đa. Tuy nhiên quan điểm

này chỉ quan tâm vấn đề bù đắp chi phí, đến mặt định lượng của giá thành nên vấn đề định tính của giá thành chưa được quan tâm đúng mức. Quan điểm này có thể dẫn đến tình trạng lấy giá thành để chứa đựng các khoản chi phí cho dù nó có thực là yếu tố tạo ra và thực hiện giá trị của sản phẩm hay không. Điều đó gây khó khăn cho việc kiểm soát chi phí, ngăn ngừa những chi phí bất hợp lý.

- Quan điểm cho rằng giá thành là biểu hiện của mối quan hệ giữa hai mặt chi phí và kết quả thu được của quá trình sản xuất kinh doanh trong từng giai đoạn nhất định. Quan điểm này gắn liền với yêu cầu đánh giá chất lượng sản xuất kinh doanh của từng giai đoạn hoặc bộ phận. Tuy nhiên quan điểm này không thể hiện được mặt định tính lẫn mặt định lượng của giá thành sản phẩm, hậu quả là có thể chưa gắn các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh khi xác định nội dung cấu thành của giá thành. Vì vậy, giá thành được xác định mang tính chủ quan và việc xác định nhu cầu và mức tiêu hao các nguồn lực một cách tùy tiện, phụ thuộc vào ý đồ chủ quan của người quản lý và không thể thực hiện được chức năng bù đắp của giá thành.

Từ sự phân tích các quan điểm trên, theo tác giả, để thấy rõ bản chất của giá thành sản phẩm cần phải phân biệt giá thành sản phẩm với chi phí sản xuất.

Giá thành sản xuất và chi phí sản xuất giống nhau về bản chất là hao phí về lao động sống cần thiết và hao phí lao động vật hóa. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và giá thành sản xuất lại khác nhau về phạm vi giới hạn. Chi phí sản xuất chỉ tính những chi phí doanh nghiệp đã chi ra cho quá trình sản xuất trong một thời kỳ nhất định không phân biệt chi phí đó có liên quan tới sản phẩm đã hoàn thành hay chưa hoàn thành, còn giá thành sản phẩm là số chi phí sản xuất liên quan đến khối lượng sản phẩm, lao vụ, dịch vụ đã hoàn thành trong kỳ. Mặt khác, chi phí sản xuất chỉ tính cho một thời kỳ nhất định, còn giá thành sản phẩm xác định trên cơ sở chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ và bao gồm cả chi phí sản xuất phát sinh kỳ trước chuyển sang kỳ sau.

Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có mối quan hệ rất mật thiết, chi phí sản xuất là căn cứ để tính giá thành sản xuất.

Theo quan điểm truyền thống thì giá thành sản phẩm được xác định bằng công thức:

Giá thành sản xuất = Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang + Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ - Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ

(Nguồn: Giáo trình kế toán tài chính (2009), NXB Thống Kê)

Theo đó, muốn tính được giá thành sản xuất cần phải xác định được phần chi phí sản xuất của sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty CP Thiết Kế Kiến Trúc Kỹ Thuật Cao (Trang 26 - 28)