- Theo quan niệm của UNESCO, bồi dưỡng có ý nghĩa là nâng cao nghề
nghiệp, quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kĩ năng chuyên môn - nghiệp vụ cho bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp.
- Theo tác giả Nguyễn Minh Đường, bồi dưỡng là quá trình cập nhật; bổ sung những kiến thức và kỹ năng đã lạc hậu hoặc còn thiếu ở một cấp học, bậc học; thường được xác nhận bằng một chứng chỉ.
- Theo tác giả Nguyễn Đức Trí, bồi dưỡng là nâng cao trình độ hiện có về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm tốt hơn việc đang làm.
- Như vậy, mục đích của bồi dưỡng là nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn để người lao động có cơ hội củng cố, mở rộng và nâng cao hệ thống tri thức, kỹ năng chuyên môn - nghiệp vụ đã có, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc đang làm. Trong hoạt động bồi dưỡng thì yếu tố quyết định đến chất lượng các hoạt động vẫn là vai trò chủ thể của người được bồi dưỡng thông qua con đường tự học, tự bồi dưỡng nhằm phát huy nội lực cá nhân.
- Có nhiều nội dung bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho ĐNGV THPT, trong đó có các nội dung cơ bản như sau:
+ Bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá và nâng chuẩn; nâng cao kiến thức liên quan như ngoại ngữ, tin học...