Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải, từ tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải trong những thời gian trước, từ thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, ngày 25 tháng 12 năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 8 tháng 01 năm 1999). Ngày 18 tháng 10 năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 1999). Đây là hai văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ và đồng bộ các vấn đề về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở như hình thức, nguyên tắc, phạm vi hòa giải; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong công tác hòa giải; quản lý nhà nước về công tác hòa giải; các quy định về cơ cấu Tổ hòa giải cũng như tiêu chuẩn, thủ tục bầu, miễn nhiệm tổ trưởng, tổ viên Tổ hòa giải; hoạt động hòa giải, khen thưởng và xử lý vi phạm. Sự ra đời của hai văn bản này thể hiện tính kế thừa, tính liên tục của truyền thống hòa giải ở nước ta, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ tổ viên Tổ hòa giải và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội khác, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang và công dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh này, Nhà nước ta cũng đã ban hành các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hòa giải ở cơ sở như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12 tháng 6 năm 1999 quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách pháp luật, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải; Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (thay thế Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp), Nghị định số 79/2003/NĐ-CP về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, Luật Đất đai năm 2003 cũng đã có quy định về hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp đất đai ở cấp xã (Điều 135). Tiếp đó là sự ra đời của Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương (thay thế Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26 tháng 7 năm 1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ).
Để thúc đẩy việc triển khai Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị và Hội thi "Hòa giải viên giỏi" toàn quốc năm 2000 (lần thứ nhất) và Hội thi "Hòa giải viên giỏi" toàn quốc năm 2005 (lần thứ 2) nhằm đánh giá công tác hòa giải thời gian qua, rút kinh nghiệm những mặt tồn tại, khó khăn trong công tác hòa giải đồng thời phát huy những mặt tích cực, từng bước đẩy mạnh có hiệu quả công tác hòa giải thời gian tới. Ngày 7 tháng 5 năm 2002, Bộ Tư pháp có Công văn số 451/TP-PBGDPL gửi các địa phương trong cả nước về việc tiếp tục đẩy
mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; Công văn số 172/TP-PBGDPL ngày 07 tháng 5 năm 2003 về việc báo cáo kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn ban hành một số văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải cho cán bộ tư pháp cơ sở, tổ viên Tổ hòa giải trong cả nước; Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 05 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo quy định của pháp luật về hòa giải, ở Trung ương, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (Điều 2, Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ). Ở địa phương, các cơ quan tư pháp (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp) được giao nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã trải qua những biến cố, có lúc tưởng chừng như tan rã. Chính bản chất và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc vì con người là cội nguồn, mảnh đất cho hòa giải ở cơ sở hình thành và phát triển trường tồn, vượt qua thử thách của thời gian, vượt qua những biến cố khó khăn ấy. Một hệ thống khá đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội ngày nay.
* Quản lý nhà nước về công tác hòa giải cơ sở
Quản lý nhà nước bằng pháp luật về hòa giải ở cơ sở là hoạt động xây dựng pháp luật về hòa giải, tổ chức thực thi pháp luật về hòa giải, kiểm tra và xử lý vi phạm các qui định về hòa giải ở cơ sở.
Với cấp huyện, quản lý nhà nước về hòa giải là việc chính quyền huyện tổ chức các hoạt động thực hiện pháp luật về hòa giải, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hòa giải. Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh về tổ
chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nội dung quản lý nhà nước về công tác hòa giải bao gồm:
- Hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động hòa giải;
- Tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho người làm công tác hòa giải;
- Sơ kết, tổng kết công tác hòa giải.
- Tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động hòa giải ở địa phương. Các cơ quan tư pháp địa phương giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác hòa giải, cụ thể:
* Sở Tư pháp có trách nhiệm
- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
- Theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hướng dẫn việc thực hiện quy định của cấp trên về tổ chức và hoạt động hòa giải trong phạm vi địa phương;
- Tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn Phòng Tư pháp tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho người làm công tác hòa giải;
- Sơ kết, tổng kết và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác hòa giải của Tổ hòa giải ở địa phương; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương.
* Phòng Tư pháp có trách nhiệm
- Theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên và Ủy ban nhân dân cấp huyện, hướng dẫn các Ban Tư pháp triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải ở địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương;
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên;
- Sơ kết, tổng kết công tác hòa giải của Tổ hòa giải ở địa phương và báo cáo về công tác hòa giải với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan tư pháp cấp trên; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải của Tổ hòa giải ở địa phương.
* Ban Tư pháp cấp xã (cụ thể là công chức Tư pháp - Hộ tịch) có trách nhiệm
- Hướng dẫn hoạt động của các tổ hòa giải;
- Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho Tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên;
- Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải;
- Sơ kết, tổng kết công tác hòa giải của Tổ hòa giải ở địa phương, báo cáo công tác hòa giải với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan tư pháp cấp trên; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương.
Tổ chức hòa giải là tổ chức quần chúng tự quản, hoạt động của tổ chức này mang tính xã hội rộng lớn, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội. Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động hòa giải ở cơ sở không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan tư pháp mà còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương với sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.
Một trong những nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách pháp luật, đó là "tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật
về hòa giải" [44, Điều 7]. Theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong công tác hòa giải được quy định như sau:
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước hữu quan, động viên nhân dân trong việc xây dựng, củng cố Tổ hòa giải và các tổ chức hòa giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; tham gia hòa giải theo quy định của pháp luật [65].
Công tác hòa giải ở cơ sở là công tác thuyết phục, vận động quần chúng đòi hỏi sự tham gia đông đảo, tích cực của các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở và phải gắn với các phong trào quần chúng ở địa phương như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội; phong trào ông, bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong công tác hòa giải mà còn trong việc gắn kết công tác hòa giải với các phong trào quần chúng nêu trên. Việc xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội là yếu tố quan trọng bảo đảm cho việc kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở với ý nghĩa là một hình thức dân chủ ở cơ sở, góp phần dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.