- Giải quyết thông qua trọng tài: Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được các bên lựa chọn để giải quyết
2.3.1. Về tổ chức thực hiện hòa giải cơ sở trên địabàn huyện
Theo quy định pháp luật, hòa giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp. Pháp lệnh về hòa giải ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Tổ hòa giải, xây dựng đội ngũ hòa giải viên. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm thường xuyên chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện rà soát, thống kê số liệu về tổ chức và hoạt động hòa giải trên địa bàn, kịp thời hướng dẫn, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc có biện pháp củng cố, kiện toàn, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện. Tính đến tháng 12/2011, trên địa bàn huyện có 183 tổ hòa giải /176 thôn, tổ dân phố với 1.164 hòa giải viên. So với trước khi có Pháp lệnh về hòa giải, số lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên đã tăng khoảng 1,5 lần. Đây thực sự là một lực lượng hùng hậu, đó là chưa kể các cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, cán bộ nghỉ hưu, trưởng họ, trưởng tộc, những người có uy tín trong cộng đồng… không phải là Tổ viên Tổ hòa giải những vẫn đã và đang tham gia tích cực vào việc hòa giải một cách tự nguyện.
Số lượng thành viên của các Tổ hòa giải trong huyện tương đối giống nhau, trung bình có từ 5 đến 9 người với cơ cấu hợp lý bao gồm cả nam, nữ, già, trẻ, đảng viên, đoàn viên, người đang công tác, cán bộ nghỉ hưu… Thành viên tổ hòa giải là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, gương mẫu,
am hiểu pháp luật, do Ban Công tác mặt trận các thôn, phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và được Ủy ban nhân dân xã, thị trấn quyết định công nhận. Thành phần tham gia Tổ hòa giải thường có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, cán bộ Ban công tác Mặt trận, cán bộ các tổ chức đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Người cao tuổi,… Hầu hết các thành viên Tổ hòa giải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng. Theo thống kê trên địa bàn huyện, hai phần ba số hòa giải viên có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên - độ tuổi mà con người đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Cơ cấu về độ tuổi như trên phù hợp với tính chất, đặc điểm của công tác hòa giải ở cơ sở.
Chất lượng của đội ngũ hòa giải viên trong huyện cơ bản đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và ngày càng được nâng cao. Trong số 1.164 hòa giải viên có trên 700 người có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, trên 500 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Hàng năm, các hòa giải viên đều được bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải.
Về cơ cấu: Trong tổng số 1.164 hòa giải viên có: - 54 người là bí thư Chi bộ, chiếm 4,64%;
- Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố có 132 người, chiếm 11,34%; - Thành viên Mặt trận tổ quốc có 148 người, chiếm 12,71%; - Hội viên Hội phụ nữ có 144 người, chiếm 12,37%;
- Hội viên hội Nông dân có 104 người, chiếm 8,93%;
- Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có 86 người, chiếm 7,39%; - Hội viên Hội Người cao tuổi có 97 người, chiếm 8,33%;…
Thực hiện Pháp lệnh về hòa giải, đồng thời xuất phát từ thực tiễn và để đáp ứng nhu cầu của người dân ở cơ sở, mô hình Tổ hòa giải đã có sự phát triển hết sức phong phú, đa dạng. Mô hình phổ biến nhất ở các địa phương là mô hình Tổ hòa giải được thành lập ở thôn, xóm, tổ dân phố; tùy theo quy mô dân số và đặc điểm địa lý mà mỗi thôn, xóm, tổ dân phố thành lập một hoặc nhiều Tổ hòa giải. Theo đánh giá của người dân ở cơ sở thì những mô hình trên phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, các hòa giải viên là những người sống cùng thôn xóm, có uy tín, được chính nhân dân bầu chọn, am hiểu về đời sống người dân ở địa bàn, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở, có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh và tổ chức hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn đó.
Tổ hòa giải được thành lập trên cơ sở quy mô thôn và tổ dân phố. Tổ hòa giải chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của ban Tư pháp xã, thị trấn. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế về phong tục, tập quán, địa giới, dân số của từng địa phương, ở một số xã tổ chức 02 tổ hòa giải một thôn (như xã Dương Quang, Dương Hà và xã Cổ Bi), có xã tổ chức mô hình tổ hòa giải ở chợ (như chợ Nành xã Ninh Hiệp). Hiện tại, trên địa bàn huyện có 183 tổ hòa giải/176 thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội về việc thành lập "Tổ hòa giải 5 tốt", hiện nay trong tổng số 186 tổ hòa giải của huyện đã có 106 tổ hòa giải đăng ký "Tổ hòa giải 5 tốt" với 05 tiêu chí đặt ra là: Phát hiện vụ việc kịp thời tốt; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tốt; tổ chức hòa giải tốt (hòa giải thành từ 80% vụ việc trở lên); bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; định kỳ giao ban, báo cáo, sơ kết, tổng kết tốt đã tiến hành hoạt động ổn định và có kết quả tốt, khẳng định đây là một mô hình cần được nhân rộng Những kết quả hoạt động tích cực của các tổ hòa giải 5 tốt trên địa bàn huyện đã đóng góp không nhỏ vào kết quả hòa giải thành hằng năm của huyện.
Ngoài ra, ở một số xã (09 xã) tổ chức hòa giải được thành lập theo 2 cấp: Tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố và Ban hòa giải ở xã. Ban hòa giải cấp xã do
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban, các thành viên gồm có cán bộ tư pháp, địa chính, công an, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Ban hòa giải cấp xã có nhiệm vụ hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp mà Tổ hòa giải không hòa giải được chuyển lên hoặc trực tiếp phối hợp cùng Tổ hòa giải hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, có liên quan nhiều đến chính sách, pháp luật. Đặc biệt, từ khi Luật đất đai năm 2003 được ban hành, trong đó quy định việc hòa giải tranh chấp đất đai ở Ủy ban nhân dân cấp xã là một thủ tục bắt buộc trong giải quyết tranh chấp đất đai càng khẳng định tính ưu việt của mô hình này và cũng tạo cơ sở pháp lý để mô hình này phát triển ở nhiều địa phương. Trên thực tế, Ban hòa giải cấp xã đã phát huy tác dụng tốt trong hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn. Bởi lẽ các thành viên của Ban hòa giải cấp xã là những cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, có trình độ pháp luật nhất định, nên việc giải thích, thuyết phục các bên tuân thủ, chấp hành pháp luật rất hiệu quả và hầu như kết quả hòa giải đều được các bên tự nguyện thi hành trong thực tế
* Hoạt động của tổ hòa giải
Theo quy định của pháp luật thì hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Những năm qua, cùng với sự vận động phát triển của xã hội, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh, mạnh, kinh tế thị trường đã tạo ra sự phát triển đáng kể về kinh tế, xã hội, tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân cũng tăng lên, tính chất mâu thuẫn, tranh chấp cũng đa dạng và phức tạp hơn. Nhưng, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của cơ quan tư pháp từ thành phố, huyện và các xã, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên đa số Tổ hòa giải trong huyện hoạt động hiệu quả. Hoạt động hòa giải trên địa bàn huyện Gia Lâm đã dần đi vào nề nếp và ngày một chất lượng. Các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được phát hiện sớm và kịp thời tiến hành hòa giải ngay tại cơ sở. Hàng trăm các mâu
thuẫn, tranh chấp, xích mích trong nhân dân được các hòa giải viên kịp thời, kiên trì hòa giải một cách khách quan, công minh, thấu tình, đạt lý. Kết quả hòa giải thành tại cơ sở và các xã thị trấn đạt ngày một cao, trong đó nhiều xã kết quả hòa giải thành đạt 90% trở lên như các xã Đông Dư, Phú Thị, Ninh Hiệp...
* Kết quả hòa giải trên địa bàn huyện Gia Lâm
+ Từ năm 1999 - 2008:
Tổng số vụ việc mâu thuẫn phát sinh: 8.320 vụ, đã hòa giải thành: 7.028 vụ đạt tỷ lệ 84,5%. Trong đó:
- Mâu thuẫn về dân sự: 1.757 vụ, đã hòa giải thành 1.476 vụ, đạt 84%; - Mâu thuẫn về Hôn nhân, gia đình: 1.142 vụ, đã hòa giải thành 870 vụ, đạt 76%;
- Mâu thuẫn về đất đai: 3.374 vụ, đã hòa giải thành 2.781 vụ, đạt 82,4%; - Các lĩnh vực khác: 2.047 vụ, đã hòa giải thành 1.901 vụ đạt 92,8%. + Từ năm 2009 - 2011:
Tổng số vụ việc mâu thuẫn phát sinh: 7.896 vụ, đã hòa giải thành: 6.742 vụ đạt tỷ lệ 85,38%. Trong đó:
- Mâu thuẫn về dân sự: 2.228 vụ, đã hòa giải thành 1.916 vụ, đạt 86%; - Mâu thuẫn về Hôn nhân, gia đình: 1.853 vụ, đã hòa giải thành 1.548 vụ, đạt 83.5%;
- Mâu thuẫn về đất đai: 2.819 vụ, đã hòa giải thành 2.351 vụ, đạt 83,4%; - Các lĩnh vực khác: 996 vụ, đã hòa giải thành 927 vụ đạt 93,1%. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên. Họ đã không quản ngại vất vả, khó khăn, không suy tính thiệt hơn, tận tâm, nhiệt tình, luôn tìm mọi cách hàn gắn những rạn nứt về tình cảm; vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm. Công tác hòa giải góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm,
giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, số lượng lớn vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước, tiết kiệm công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh giá trị vật chất thì giá trị tinh thần mà công tác hòa giải mang lại quả là vô giá, đó chính là những niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà trong tình cảm gia đình, xóm giềng hết sức gần gũi và thiêng liêng.