Hoàn thiện thể chế pháp lý về hòa giải ở cơ sở

Một phần của tài liệu Hòa giải cơ sở - qua thực tiễn ở huyện Gia Lâm (Trang 92 - 97)

- Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, huy động nguồn kinh phí của các tổ chức,

3.2.1. Hoàn thiện thể chế pháp lý về hòa giải ở cơ sở

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, từ tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này cho thấy việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ hòa giải ở cơ sở hiện nay là một vấn đề cần thiết. Trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần kịp thời xây dựng các thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải, phát huy tính năng động của cơ quan tư pháp địa phương; tạo lập cơ chế để nhân dân chủ động tham gia hoạt động hòa giải, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hòa giải, đồng thời định hướng phát triển công tác hòa giải trước yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Như vấn đề đã đề cập ở trên, mặc dù trong thời gian qua công tác hòa giải trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả, nhưng thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế đó là do hệ thống các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này chưa thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, toàn diện và trong điều kiện mới của sự phát triển kinh tế-xã hội, đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Hòa giải chưa quy tụ, điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong

thực tiễn hòa giải. Vì vậy, cần ban hành một văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn điều chỉnh lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, việc sớm ban hành Luật Hòa giải - một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở là hết sức cần thiết.

Ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm:

Thứ nhất, làm chuyển biến và nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Từng bước kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Thứ hai, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải và các tổ chức hòa giải thích hợp khác trong cộng đồng dân cư, qua đó bảo đảm tốt hơn hiệu lực thi hành pháp luật trong hoạt động hòa giải cơ sở; tăng cường, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với cơ quan tư pháp các cấp trong công tác hòa giải cơ sở.

Thứ ba, tăng tỷ lệ hòa giải thành thông qua việc phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ thuộc phạm vi hòa giải; góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân.

Thứ tư, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải cơ sở; nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng hòa giải cơ sở cho Hòa giải viên.

Quá trình xây dựng Luật Hòa giải ở cơ sở, các nhà làm luật phải quán triệt những quan điểm chỉ đạo cơ bản sau:

Một là, thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến

lược cải cách tư pháp đến năm 2020; bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam;

Hai là, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải cơ sở. Nhà nước tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ hoạt động hòa giải; không hành chính hóa hoạt động này. Huy động các tổ chức thích hợp khác của nhân dân tham gia hoạt động hòa giải cơ sở; khuyến khích việc đa dạng hóa các hình thức hòa giải của nhân dân ở cơ sở;

Ba là, bảo đảm kế thừa, tiếp tục phát triển các chế định về hòa giải cơ sở còn phù hợp của Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở năm 1998, Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh và các quy định pháp luật khác có liên quan đã qua thực tế kiểm nghiệm, đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm hòa giải của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở mục đích và quan điểm ở trên, việc xây dựng Luật hòa giải cần được tập trung nghiên cứu để điều chỉnh một cách tổng thể về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cấp, pháp điển hóa các quy định của Pháp lệnh hòa giải và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về hòa giải ở cơ sở, quy định về: những vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; các mô hình tổ chức hòa giải và hòa giải viên; phương thức hòa giải; quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập các ý kiến cũng như việc đánh giá, tổng kết tình hình thực tiễn, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề đặt ra đòi hỏi phải được xem xét, nghiên cứu khi nghiên cứu xây dựng Luật này.

Theo quan điểm của tác giả luận văn, Luật Hòa giải ở cơ sở cần phải thể hiện rõ những vấn đề sau: Luật Hòa giải điều chỉnh một cách tổng thể, toàn diện và thống nhất các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

- Về nguyên tắc hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải; khách quan, công minh, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hòa giải.

- Về phạm vi hòa giải

Quy định rõ những vụ việc được tiến hành hòa giải ở cơ sở và những vụ việc không được tiến hành hòa giải.

- Về tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở

Quy định thống nhất mô hình tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở gồm: Tổ hòa giải ở thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố... và Ban hòa giải ở xã, phường, thị trấn, để đảm bảo tính tự quản của tổ chức hòa giải, Ban hòa giải cũng phải do nhân dân trong xã bầu ra như Tổ hòa giải chứ không phải do Ủy ban nhân dân xã chỉ định. Hiện nay, nhất là từ sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thì ở nhiều địa phương trong cả nước có mô hình Ban hòa giải (Hội đồng hòa giải) được thành lập ở xã, phường, thị trấn. Ban hòa giải (Hội đồng hòa giải) cấp xã có trách nhiệm giải quyết những vụ việc mà Tổ hòa giải hòa giải không thành hoặc đối với những vụ việc phức tạp thì Ban hòa giải phối hợp cùng Tổ hòa giải để giải quyết. Và thực tế cho thấy, mô hình Ban hòa giải cấp xã thực tế đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến pháp luật, đặc biệt là các tranh chấp trong lĩnh vực đất đai hoặc tranh chấp trong sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của Ban hòa giải (Hội đồng hòa giải) cấp xã chưa được pháp luật điều chỉnh một cách cụ thể, thống nhất.

- Về chủ thể thực hiện hòa giải ở cơ sở

Quy định rõ tiêu chuẩn tổ viên Tổ hòa giải, quyền và nghĩa vụ của tổ viên Tổ hòa giải, tổ trưởng Tổ hòa giải, những hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ viên Tổ hòa giải, bầu, miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải, người được mời tham gia hòa giải, các trường hợp tổ viên Tổ hòa giải không được tham gia hòa giải, chế độ đối với người thực hiện hòa giải ở cơ sở.

- Về hoạt động hòa giải

Quy định cụ thể căn cứ tiến hành hòa giải, phương thức hòa giải, kết thúc hòa giải, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán trong hòa giải, biên bản hòa giải, hồ sơ hòa giải, chế độ báo cáo, thống kê hoạt động hòa giải.

- Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở

Quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội khác, cơ quan, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, tham gia hòa giải theo quy định của pháp luật. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp các cấp trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Việc phân công rõ trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên theo hướng quy định cụ thể như sau:

+ Phối hợp trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở;

+ Cử cán bộ phối hợp thực hiện công tác rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, theo dõi, kiểm tra tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

+ Giới thiệu những người có thành tích trong công tác hòa giải để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp khen thưởng;

+ Phối hợp tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở; + Tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở;

+ Động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

+ Gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương như phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa...

- Về quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở

Quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở địa phương. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cán bộ tư pháp (Ban Tư pháp cấp xã) có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở địa phương.

- Về xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp

Luật Hòa giải cần quy định các nội dung như: hành vi vi phạm, thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm, các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp về hòa giải ở cơ sở.

Một phần của tài liệu Hòa giải cơ sở - qua thực tiễn ở huyện Gia Lâm (Trang 92 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)