- Giải quyết thông qua trọng tài: Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được các bên lựa chọn để giải quyết
2.3.3.2. Tồn tại và nguyên nhân
+ Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức
Theo quy định của pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Nhưng thực tiễn áp dụng cho thấy, chưa có quy định xác định thế nào là "vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ". Trên thực tế, hoạt động hòa giải cơ sở chưa thực sự trở thành một cơ chế giải quyết tranh chấp, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hạn chế những tranh chấp phải đưa ra giải quyết tại tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ở một số xã, thị trấn, Tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, chiếu lệ, hoặc bị hành chính hóa, coi đó như cách giải quyết bắt buộc các bên phải tuân theo, làm mất đi ý nghĩa, bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tổ chức hòa giải, hòa giải viên không nắm vững quy định của pháp luật, tiến hành thực hiện hòa giải những vụ việc mà pháp luật quy định không được hòa giải như hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý về mặt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác hòa giải thấp, chưa đáp ứng nguyện vọng hòa giải viên
Hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp tốt nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân. Tuy hoạt động này là tự nguyện và cơ bản là dựa trên nhiệt tình cá nhân của các hòa giải viên thì sự nhiệt tình đó cũng cần được hỗ trợ và động viên về vật chất ở mức độ nhất định để duy trì.
Về cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động hòa giải: Pháp lệnh hiện hành không quy định cụ thể về vấn đề này làm cho việc triển khai, hướng dẫn cụ thể ở từng cấp còn gặp nhiều vướng mắc. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định hỗ trợ mỗi tổ hòa giải 70.000đ/tháng (theo quyết định 172/QĐ-UB ngày 13 tháng 12 năm 2002) nhưng trên thực tế nhiều xã, thị trấn chưa nghiêm túc thực hiện. Mặt khác, số tiền hỗ trợ ở thời điểm này là quá thấp, chưa khắc phục được khó khăn về kinh phí cho các Tổ hòa giải. Hai là Thông tư số 63/TT-BTC ngày 05 tháng 08 năm 2005 của Bộ Tài chính (nay là Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP, ngày 14 tháng 05 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật) quy định tiền thù lao cho Hòa giải viên nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể về mục chi, khoản chi, hồ sơ phục vụ việc thanh toán… nên rất khó thực hiện trong thực tế.
Bên cạnh đó, việc cung cấp văn bản, tài liệu pháp luật liên quan cho tổ hòa giải cơ sở còn nhiều hạn chế, hoặc là chưa có kinh phí để cấp một cách đồng đều và đầy đủ, hoặc là cấp phát tài liệu chậm do đó ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của các hòa giải viên. Chế độ báo chí hàng ngày không có.
+ Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh còn nhiều vấn đề chưa hợp lý
Sự chưa hoàn chỉnh đồng bộ của khung pháp luật điều chỉnh tổ chức hoạt động của hòa giải cơ sở cũng gây hạn chế cho hoạt động hòa giải. Bên cạnh Pháp lệnh hòa giải, hiện một số văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có quy định về hòa giải ở cơ sở với cách thức, tổ chức, hoạt động có điểm khác Pháp lệnh.
Vấn đề pháp lý liên quan đến quy trình thủ tục và hiệu lực của quyết định hay thỏa thuận đạt được trong quá trình hòa giải cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thí dụ, trong trường hợp hòa giải thành nhưng các bên tranh chấp sau đó không thực hiện cam kết của mình, đồng thời khiếu nại hay khiếu kiện tiếp đến cơ quan, tổ chức khác để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp như vậy một khi đơn khiếu nại hay khiếu kiện được chấp nhận thì liệu một bên tranh chấp có quyền công khai các nội dung đã được trao đổi và các thỏa thuận đã đạt được trong quá trình hòa giải hay không? Và các nội dung đó có được coi là chứng cứ pháp lý hợp lệ cho các quy trình và thủ tục pháp lý tiếp theo hay không?
+ Sự vào cuộc của các ngành, các cấp còn hạn chế
Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xã, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, chưa thực sự quan tâm về công tác tổ chức, thành lập, kiện toàn ban tư pháp xã, tổ hòa giải ở cơ sở, việc quản lý điều hành hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa được thường xuyên.
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác hòa giải ở cơ sở. Cán bộ tư pháp các cấp chưa làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn trong công tác quản lý hoạt động hòa giải. Chưa thường xuyên thực hiện hướng dẫn liên tịch số 01/HD-LT ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Sở Tư pháp và thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội về xây dựng "Tổ hòa giải 5 tốt". Các khâu tổ chức, kiện toàn tổ hòa giải chất lượng chưa cao.Trình độ năng lực của đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở không đồng đều, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm.
Ban Tư pháp xã, thị trấn là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân trong việc quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, chưa chủ động tham mưu trong việc thành lập các tổ hòa giải, theo dõi quản lý hoạt động hòa giải; các thành viên ban tư pháp xã hầu hết là kiêm nhiệm, mỗi xã, thị trấn chỉ
có 01 cán bộ chuyên trách biên chế làm công tác tư pháp - hộ tịch. Biên chế cán bộ ít nhưng lại phụ trách nhiều lĩnh vực công việc (đăng ký quản lý hộ tịch, công tác chứng thực, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác văn bản, công tác thi hành án dân sự...), với khối lượng công việc lớn, quá tải, làm ảnh hưởng đến chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong việc quản lý, theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở.
Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở các ban tư pháp xã, thị trấn chưa được thường xuyên, thậm chí có cơ sở chưa mở được các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, mà chủ yếu do Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tổ chức.
Tóm lại, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Gia Lâm trong những năm qua đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách toàn diện và đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Những giá trị to lớn mà hòa giải ở cơ sở mang lại đã củng cố thêm nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của hòa giải cơ sở từ đó tạo sức mạnh tổng hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, nhất là các hòa giải viên của huyện đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, quá trình thực hiện pháp luật hòa giải trên địa bàn huyện cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan. Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Gia Lâm là một yêu cầu cấp thiết trong công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XX nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN GIA LÂM