NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ, VĂN HÓA CHI PHỐI VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI CỦA HUYỆN GIA LÂM

Một phần của tài liệu Hòa giải cơ sở - qua thực tiễn ở huyện Gia Lâm (Trang 54 - 60)

- Giải quyết thông qua trọng tài: Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được các bên lựa chọn để giải quyết

2.1.NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ, VĂN HÓA CHI PHỐI VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI CỦA HUYỆN GIA LÂM

ĐẾN HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI CỦA HUYỆN GIA LÂM

Gia Lâm là một huyện ở ngoại thành nằm ở phía Đông bắc thủ đô Hà Nội: phía Bắc giáp quận Long Biên, huyện Đông Anh, Tây nam có địa giới là dòng sông Hồng, nơi bên kia bờ là nội thành và huyện Thanh Trì - Hà Nội, Đông bắc và Đông tiếp giáp với 3 huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), Nam giáp huyện Văn Lâm và Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Xa xưa Gia Lâm thuộc vùng đất Long Biên. Thời Lý huyện Gia Lâm thuộc phủ Thiên Đức, thời Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời hậu Lê thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, sang thời Nguyễn, huyện Gia Lâm nằm trong trấn Bắc Ninh (sau đổi thành tỉnh Bắc Ninh).

Trước năm 2004, huyện có 35 xã, thị trấn với dân số trên 36 vạn người, diện tích đất tự nhiên trên 175 km2. Năm 2004, thực hiện Nghị định 132/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận mới Long Biên, huyện Gia Lâm còn 20 xã và 02 thị trấn. Đến nay dân số của Gia Lâm có gần 24 vạn người, 53.700 hộ gia đình, diện tích đất tự nhiên 114 km2 (bình quân 1800 người/km2), trong đó diện đất nông nghiệp là 67,21 km2 chiếm 58,99%, người lao động chiếm gần 65% lao động của huyện.

Gia Lâm là nơi giao tiếp nhiều đường giao thông lớn, đường quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn - Lào Cai, có sông Hồng, sông Đuống, các nhà ga, bến xe, bến bãi, kho tàng, hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến... tạo mối giao lưu kinh tế với phía Đông

và phía Bắc đồng bằng Bắc Bộ; nằm trong vùng tam giác kinh tế động lực: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây chính là động lực và là tiềm năng to lớn của Gia Lâm để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hóa cả trong hiện tại và tương lai.

Là huyện thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng châu thổ sông Hồng và sông Đuống, với 6.400 ha đất trong đê và 2.100 ha đất bãi, huyện Gia Lâm được chia làm ba khu vực chính là: Bắc Đuống, Nam Đuống và sông Hồng. Nhìn chung, địa bàn huyện Gia Lâm nằm trong địa hình của miền đồng bằng, tiếp giáp miền trung du độ cao thấp chênh lệch nhau không nhiều. Nhìn tổng quát, sông Đuống được coi là mạch máu của huyện. Địa hình thoải dần từ hai bờ phía Bắc Đuống và phía Quốc lộ 5. Đất đai Gia Lâm màu mỡ, cây cối quanh năm tươi tốt, là điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng trọt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày một phát triển.

Gia Lâm sớm phát triển sản xuất nông sản thực phẩm và nhiều sản phẩm đã trở thành đặc sản quê hương nổi tiếng khắp vùng: đậu Dương, tương Sủi, cà Hàn, cải Vân, dưa bẹ Đông Dư, hành tỏi Cổ Bi, Dương Xá, chuối Kim Quan,...

Nghề thủ công phát triển sớm: người thợ thủ công từ lâu nhóm lập phường, họ, dần phát triển thành làng, trại chuyên nghiệp... Hàng gốm sứ Bát Tràng có từ thời Trần, với các loại men quý, hiếm đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Gạch Bát Tràng đã đi vào ca dao đằm thắm:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông…

Ước gì anh lấy được nàng Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…

Bên cạnh đó, Gia Lâm còn được biết đến với nghề giát quỳ vàng nổi tiếng ở Kiêu Kỵ, đúc diệp cầy, nồi gang ở Nhân Lễ, nghề làm hàng tre, nan ở làng Táo, làng Dương, sơ chế thuốc nam ở tổng Nành, chăn tằm, ươm tơ ở

Phù Đổng, Hạ Dương… tay nghề bậc thợ trong vùng nổi tiếng với thợ mộc Giang Cao, thợ ngõa (nề) làng Lở,… sản phẩm chế biến đậu Dương, tương Sủi, bún dẻo làng Vân,…

Gia Lâm là vùng đất có lịch sử từ lâu đời. Qua khai quật đã phát hiện rất nhiều ngôi mộ cổ từ thời Hán vào thế kỷ đầu của Công nguyên, phát hiện nhiều rìu, búa,... ở Trung Màu, Phù Đổng... và nhiều di chỉ văn hóa ở Trâu Quỳ, Dương Xá, Kim Sơn, Ninh Hiệp, Yên Thường,... những dấu vết tồn tại của con người lao động, sinh sống và phát triển. Bên cạnh đó, nhiều đình, chùa, đền thờ trong huyện thờ các vị thần thời vua Hùng đã chứng tỏ cùng đất Gia Lâm có lịch sử rất lâu đời, tồn tại hàng ngàn năm và có một nền văn minh sớm.

Trải qua hàng ngàn năm lao động giữ gìn và xây dựng đất nước, nhân dân Gia Lâm cần cù, sáng tạo đã tạo dựng nên những công trình lớn về văn hóa. Gia Lâm tự hào về những công trình lịch sử vĩ đại được cả nước biết đến, đó là chùa Kiến Sơ (Phù Đổng) thờ Đức Thánh Gióng, đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, đền thờ Chử Đồng Tử, chùa Báo Ân, những đồi gò đắp nổi Hành cung Cổ Bi, Trâu Quỳ... Huyện có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều di tích, danh thắng làm hài lòng du khách thập phương. Trải dài theo tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, lớp lớp các thế hệ người con của Gia Lâm đã đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần tô đẹp thêm truyền thống anh hùng bất khuất của một thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình đầy ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế. Gia Lâm có Phù Đổng Thiên Vương - người anh hùng làng Gióng có công đánh tan giặc Ân cứu nước; có vị tướng tiếng tăm lừng lẫy quân thù nghe tên đã khiếp vía, kinh hồn - đó là người anh hùng phường Cơ Xá: Lý Thường Kiệt; có Nguyên Phi Ỷ Lan - người phụ nữ tài ba, thay chồng trông coi việc nước,... Tham gia các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn người con của Gia Lâm đã anh dũng lên đường chiến đấu chống quân thù, đem hết sức lực và tuổi thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc, và nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường hoặc để lại một phần

xương máu để tô hồng thêm những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước. Cho đến nay, huyện có 19.517 người có công với cách mạng, trong đó có trên 2.862 liệt sĩ, 1.547 thương, bệnh binh...

Gia Lâm còn là quê hương của nhiều danh nhân lỗi lạc, những con người sáng ngời cốt cách Việt Nam. Điển hình như người con của xã Phú Thị nổi tiếng về văn thơ hay chữ Cao Bá Quát với sự suy tôn của người đời "văn như Thần Siêu, chữ như Thánh Quát",... Đất Gia Lâm có nhiều người ham học, thi đỗ giành khoa bảng cao (huyện Gia Lâm là huyện đứng đầu các huyện thuộc phủ Thuận An về các người có bằng cấp).

Gia Lâm là mảnh đất giao lưu của hai nền văn hóa đặc sắc, nền văn hóa lâu đời của vùng Kinh Bắc kết hợp với nền văn hóa ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy khi nói về Gia Lâm là nói về một cội nguồn văn hóa, về những nét tinh tú từ huyền thoại, huyền tích xa xưa đến những giá trị tinh thần của thời đại công nghiệp hôm nay.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm không ngừng phấn đấu, tranh thủ điều kiện và thời cơ thuận lợi, phát huy nguồn lực, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái lao động, sản xuất kinh doanh giành nhiều thành tựu to lớn: kinh tế liên tục phát triển và có mức tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ rõ rệt, an ninh quốc phòng được giữ vững, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, lòng tin của nhân dân với Đảng, Chính quyền được củng cố, tăng cường.

Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo: Phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền là nhiệm vụ then chốt, quản lý nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm xác định:

Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy tối đa nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp - Tiểu thủ

công nghiệp; Dịch vụ - Thương mại - Du lịch; nông nghiệp... Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và thực hiện công bằng xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh [77].

Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện liên tục phát triển và có mức tăng trưởng cao, giá trị sản xuất tăng bình quân từ 13 - 14,1%/năm, trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng bình quân 17,5%/năm, thương mại, dịch vụ tăng bình quân 15,1%/năm, nông nghiệp tăng 4%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 54,3 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 53,5%, thương mại - dịch vụ chiếm 23,4%, nông nghiệp còn 23,1%. Cùng với phát triển kinh tế, Gia Lâm đặc biệt chăm lo tới lĩnh vực văn hóa, xã hội: Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", 55/127 thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa trong đó có 12 thôn đạt tiêu chuẩn cấp thành phố, 86% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu các huyện ngoại thành, đến nay đã xây dựng được nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, không để dịch bệnh xảy ra, luôn chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, đã xây dựng 19/22 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 15,9%, tỷ lệ sinh 16,1%0. Ngoài ra, huyện cũng là đơn vị dẫn đầu thành phố trong việc thực hiện tốt chính sách người có công và chính sách xã hội.

Với bề dày về truyền thống lịch sử và đặc sắc về văn hóa như vậy, mảnh đất, con người Gia Lâm có những dấu ấn rất riêng. Trong qua trình thực

hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm đã và đang xác định cho mình một tầm nhìn xa, tạo nên hành trang lớn trên con đường phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tuy nhiên, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường tác động, tốc độ đô thị hóa nhanh, lao động thiếu việc làm, các loại hình dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự ngày càng gia tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, quản lý xây dựng ngày càng phức tạp nên trong những năm qua trên địa bàn huyện vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân về thừa kế tài sản, việc thuê, mượn đất, sử dụng đất, mâu thuẫn giữa những thành viên trong gia đình về lối sống, ý thức, trách nhiệm và cách nuôi dạy con, giáo dục con em, chăm sóc cha mẹ… có nhiều trường hợp bức xúc. Đã có nơi, mâu thuẫn nhỏ phát sinh thành tranh chấp dân sự, "điểm nóng", thậm chí dẫn đến thành vụ án hình sự phức tạp, gây mất trật tự ổn định ở địa phương. Có nơi, kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, chia rẽ mất đoàn kết, trong nhân dân. Trong khi đó nhận thức hiểu biết pháp luật của cán bộ cơ sở, của nhân dân trên địa bàn huyện chưa đồng đều.

Để giải quyết triệt để những vấn đề trên, từ trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn huyện đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nói chung. Huyện đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực công tác. Trong công tác tư pháp, nhiều lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính của huyện. Đặc biệt công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được coi trọng đã góp phần làm giảm đáng kể mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của huyện.

Một phần của tài liệu Hòa giải cơ sở - qua thực tiễn ở huyện Gia Lâm (Trang 54 - 60)