Bối cảnh xây dựng quan hệ Hàn Quốc và Việt Nam

Một phần của tài liệu Hợp tác phát triển Hàn - Việt qua ODA giai đoạn 2001-2010 (Trang 45 - 47)

Năm 1956, Hàn Quốc xây dựng quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn và hai nước đã từng giao lưu kinh tế thông qua việc ký kết hiệp định thương mại vào năm 1962. Năm 1975 ngay trước khi Việt Nam được thống nhất, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Sài Gòn rút về, quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam bị cắt đứt hơn 17 năm.

Sự chấm dứt chiến tranh lạnh cùng với sự sụp đổ ở các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như những diễn biến mới trong quan hệ quốc tế cuối những năm 1980, sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã dẫn đến việc các nước phải tìm ra một hướng mới cho công cuộc phát triển nền kinh tế [20, tr.10]. Các nước lớn chuyển hướng chiến lược, chú trọng phát triển nội lực, tăng cường cạnh tranh và chạy đua kinh tế. Sự kết thúc của cục diện thế giới hai cực đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp từng quốc gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế [4, tr.320-321].

Trong hai thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã đạt tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Bước sang thập niên 80, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp mới (NICs: Newly Industrialized Countries), một trong những “Con rồng kinh tế Châu Á”. Hàn Quốc đã tổ chức thành công Á vận hội năm 1986 và Thế vận hội năm 1988 tại Seoul. Hàn Quốc tận dụng được những mặt tích cực của xu thế mới trên thế giới và khu vực để giới thiệu sự phát triển kinh tế thành công của mình, được cả thế giới gọi là “Kỳ tích sông Hàn”, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Nhiều nước đang phát triển mong muốn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm thành công. Chính thời điểm này yêu cầu xin viện trợ và chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các nước đang phát triển tăng rất nhanh.

45

Vào thời điểm này Hàn Quốc không nhận được nhiều ưu đãi cho các nước đang phát triển như trước đây nữa, nền kinh tế Hàn Quốc vốn dựa nhiều vào thương mại cần đa phương hóa thị trường xuất khẩu với các nước có chế độ chính trị khác nhau. Chính sách ngoại giao phương Bắc (The Northern Diplomacy Policy) (2- 1988) của Hàn Quốc đã thúc đẩy, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Hàn Quốc phát triển mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm các nước ASEAN.

Song song với tình hình của Hàn Quốc, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Việt Nam khởi xướng công cuộc “Đổi Mới”, mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc “cùng tồn tại hòa bình, bình đẳng cùng có lợi”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Phải đến cuối năm 1990, về căn bản, Mỹ mới thay đổi chính sách đối với các nước Đông Dương. Theo đó, từ nửa cuối năm 1990 Chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu chính thức cho phép các doanh nghiệp Hàn Quốc được đặt chi nhánh tại Việt Nam. Thực ra, từ năm 1983, Hàn Quốc và Việt Nam bắt đầu giao dịch thương mại gián tiếp với quy mô nhỏ. Đến năm 1988 hai nước bắt đầu mở thương mại trực tiếp. Năm 1990, quy mô xuất khẩu Hàn Quốc sang Việt Nam đạt được hơn 100 triệu USD và nhu cầu đầu tư tại Việt Nam ngày càng tăng, giao lưu kinh tế bộ phận tư nhân theo hướng phát triển [57, tr.115].

Sau các cuộc gặp gỡ không chính thức được tiến hành thông qua sứ quán của hai nước tại Thái Lan, Nhật Bản, tháng 12-1991, đoàn đại biểu Chính phủ Hàn Quốc đã tới Hà Nội để bàn về vấn đề thiết lập quan hệ bình thường giữa hai nước. Ngày 22- 12-1992, với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang Ock, hai nước Hàn Quốc và Việt Nam tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ và bình thường hóa quan hệ giữa hai bên [20, tr.18-19]. Hàn Quốc và Việt Nam thống nhất hàn gắn vết thương quá khứ để mở ra một giai đoạn mới tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước.

46

Một phần của tài liệu Hợp tác phát triển Hàn - Việt qua ODA giai đoạn 2001-2010 (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)