II. Những bài học kinh nghiệm từ chính sách phát triển SME của Nhật
5. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành
Có thể thấy, các chính sách chính phủ Nhật đưa ra đều đã được thực hiện một cách hiệu quả. Mỗi chính sách đưa ra đều được theo dõi, kiểm tra sát sao tình hình thực hiện. Hàng năm, Nhật Bản đều tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát về môi trường hoạt động, về hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ. Từ đó, chính phủ sẽ có những điều chỉnh về biện pháp, những chương trình phù hợp với tình hình thực tế hơn. Do vậy, những chính sách, biện pháp mà Nhật đã thực hiện có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của các SME. Những chính sách đó, một mặt phát huy hết tiềm lực
của các SME. Mặt khác, loại bỏ những hạn chế, bất lợi đối với sự phát triển của các SME.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác theo dõi kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư còn yếu. Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ SME hầu như không được tiến hành thường xuyên, nên không đánh giá được tác động thực sự của các chính sách này. Việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi chính sách còn chưa đồng đều ở các ngành và địa phương. Việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ SME ở một số ngành và địa phương vẫn chưa tốt.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là đúng đắn, song một số Bộ, ngành hướng dẫn triển khai chậm, có khi các quy định dưới Luật lại chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật; cơ quan cấp dưới không tuân thủ đúng quyết định, chỉ thị của cấp trên; có nhiều cơ quan Nhà nước cùng quản lý một lĩnh vực…Do vậy, có tình trạng chính sách ưu đãi của Chính phủ không đến được với các doanh nghiệp.
Do vậy, để các chính sách hỗ trợ SME thật sự phát huy tác dụng, trước hết cần tập trung tổ chức thực hiện tốt các quy định hiện hành. Đồng thời, cần sớm phát hiện các quy định bất cập để có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời và ban hành những cơ chế chính sách mới để tạo sự đồng bộ, hỗ trợ SME hiệu quả hơn.