III. Một số biện pháp hoàn thiện chính sách phát triển SME ở Việt Nam
3. Nâng cao khả năng cạnh tranh của các SME trong điều kiện hội nhập
kinh tế quốc tế
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một mặt tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi; mặt khác cũng tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các SME. Càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các SME phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Muốn tồn tại và phát triển các SME buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân. Do vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao khả năng cạnh tranh của các SME là rất cần thiết.
3.1. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn
Do yếu thế về quy mô nên các SME rất khó tiếp cận vốn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, cần chú ý một số biện pháp như: đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho các doanh nghiệp để họ có những giấy tờ cần thiết thế chấp vay vốn. Sớm thành lập quỹ đầu tư vốn hoặc đầu tư mạo hiểm của địa phương từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ quốc tế, đóng góp của các doanh nghiệp. Mục đích chủ yếu là cho vay đối với những dự án theo các ý tưởng mới, có triển vọng, có độ rủi ro cao nhưng cũng có thể thu được lợi nhuận lớn. Ngoài ra, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với ngân hàng, cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là trung gian kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp; các cơ quan chức năng có thể cung cấp thông tin cần thiết để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nước ngoài.
3.2. Hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp
Để hỗ trợ các SME trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự nối kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, thông qua đó để nắm bắt nhu cầu của doanh
nghiệp, xây dựng nội dung, chương trình phù hợp. Ngoài ra, các SME cần hợp tác chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu khoa học; Nhà nước cần có cơ chế tài chính hỗ trợ các SME trong hoạt động đào tạo, có chính sách khuyến khích mở rộng các hình thức đào tạo lại doanh nghiệp. Tạo điều kiện và khuyến khích hình thành các trung tâm đào tạo, thu hút người tài từ nhiều nguồn để bổ sung cho đội ngũ cán bộ đào tạo nghề. Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, liên kết trong đào tạo , thông qua các hội nghề nghiệp để trao đổi kinh nghiệm; có chính sách thu hút kiều bào ở nước ngoài góp vốn, kiến thức về tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Cần khuyến khích các công ty tư vấn cung ứng các dịch vụ đào tạo.
3.3. Hỗ trợ về công nghệ
Cần có chủ trương chính sách về công nghệ đối với khu vực SME. Một mặt, khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển tại các SME. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các SME có thể tiếp cận được với công nghệ cao. Việt Nam có thể học tập những kinh nghiệm mà Nhật đã áp dụng thành công trong việc nhập khẩu các phát minh khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các tổ chức làm công tác nghiên cứu phát triển như các cơ quan, tổ chức khoa học công nghệ, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong việc chuyển giao công nghệ, cung cấp công nghệ thích hợp. Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, Nhật đã tìm cách gắn kết các trường đại học với các doanh nghiệp, buộc các nhà nghiên cứu, giảng dạy phải gắn với thực tế nên đã có rất nhiều sáng kiến, giải pháp tốt giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong việc cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới.
3.4. Hỗ trợ về cung cấp thông tin cho doanh nghiệp
Để hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần rất nhiều thông tin trong và ngoài nước như: thông tin về thị trường, thông tin về pháp luật, chính sách, thông tin về công nghệ, về nguồn nguyên liệu…Hiện nay, các doanh nghiệp thiếu thông tin rất nghiêm trọng và do vậy làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để giúp các SME có thông tin, cần có sự hỗ trợ từ phía các
cơ quan nhà nước, các tổ chức. Hình thức hỗ trợ có thể là hình thành các cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, phát triển “ chính phủ điện tử”. Ngoài ra, cần tổ chức cho doanh nghiệp tiếp xúc với các cơ quan chức năng, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài… Khuyến khích hình thành và hỗ trợ các tổ chức cung cấp thông tin, các hiệp hội, câu lạc bộ...Các hiệp hội và tổ chức này có thể tổ chức sinh hoạt, giao lưu, giới thiệu, và cập nhật thông tin, kinh nghiệm hoạt động trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho sự phát triển của từng SME thành viên.
3.5. Phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh đối với các SME
Một trong những giải pháp mà Nhà nước cần thực hiện trong thời gian tới là xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh chuyên nghiệp, có chất lượng cao. Để làm được điều đó, cần thành lập các cơ sở đào tạo chuyên gia cung cấp dịch vụ về kế toán, kiểm toán, tư vấn chiến lược phát triển kinh doanh…Đồng thời phải thu hút cả các giảng viên có kinh nghiệm trên thế giới tham gia vào việc đào tạo đội ngũ này.
Nhà nước cũng cần tăng cường hỗ trợ để phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh. Chính phủ cần hỗ trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh nhằm tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, đặc biệt trong các lĩnh vực: nguồn nhân lực, máy móc, công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng tiếp thị…để họ có thể đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Hàng năm, thông qua các tổ chức và bằng các cơ chế thích hợp cần đánh giá khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên các tiêu chuẩn và điều kiện đã đặt ra. Dựa trên đánh giá này, chính phủ lập ra một danh sách các nhà cung cấp đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng sử dụng dịch vụ. Danh sách này cần được thông tin rộng rãi cho các SME biết và cần hỗ trợ cho các nhà cung cấp để họ có thể tăng khả năng cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SME là rất cần thiết. Tuy nhiên, để hỗ trợ một cách hiệu quả, trước hết cần ưu tiên hỗ trợ những SME trong những ngành hàng có tiềm năng phát triển, có sức cạnh tranh nhất.
4. Khuyến khích hình thành và tăng cƣờng các mối liên kết giữa doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tƣ vấn …
Để liên kết tốt cần phải tập hợp các doanh nghiệp vào trong một tổ chức kinh doanh mạnh, chẳng hạn như các tập đoàn kinh tế hoặc trong một hiệp hội ngành hàng hay một hiệp hội theo vùng lãnh thổ để phối hợp hoạt động. Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 200 hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hội nghề nghiệp còn mang tính hình thức, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Do vậy, cần khuyến khích thành lập hội nghề nghiệp và nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin, tìm kiếm hợp đồng…
Ngoài ra, chính phủ cũng cần có những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để các SME có thể làm thầu phụ công nghiệp cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các SME có nhiều cơ hội liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, thầu phụ trên nhiều mặt: cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, hợp tác cung cấp đầu vào, tham gia một số công đoạn hay sản xuất một số bán thành phẩm, tham gia vào khâu phân phối sản phẩm…thì việc hỗ trợ, khuyến khích các SME làm thầu phụ càng trở nên cần thiết. Mặc dù, hiện nay những hoạt động thương mại này đã được quy định song mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra khái niêm, chưa nói đến việc phát triển sâu hơn hoặc giải thích kỹ hơn. Do vậy, cần phải có những quy định hoặc khung pháp lý cụ thể hơn cho những hoạt động thương mại có tính đặc thù nói trên. Đó là những quy định đảm bảo cho việc thực hiện các hợp đồng thầu phụ trên thị trường công nghiệp như: giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng.
Sự thành công của các SME Nhật Bản cũng phần lớn do sự gắn bó, phối hợp hoạt động với các doanh nghiệp lớn. Sự phát triển của các doanh nghiệp lớn không chỉ còn là tấm gương cho các doanh nghiệp nhỏ mà còn là chỗ dựa cho họ trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đó không chỉ đơn thuần là việc kết hợp các lợi
thế qui mô để làm năng động nền kinh tế, mà còn là con đường tất yếu để định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
5. Đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện
Các chính sách được ban hành mà không được thực hiện tốt và triệt để thì coi như việc xây dựng các chính sách là vô ích, có khi còn phản tác dụng. Vì vậy, cần phải xem công tác thực hiện là yếu tố có quan hệ gắn bó hữu cơ đối với công tác ban hành. Khi ban hành các chính sách cần có các quy định cụ thể, rõ ràng về việc thực hiện các chính sách đó. Cụ thể là, cần xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan ở cả Trung ương và địa phương, tránh tình trạng chồng chéo về thẩm quyền dẫn đến vô hiệu hóa lẫn nhau. Đối với từng vấn đề cụ thể, phải xác định rõ thẩm quyền của từng cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan này với nhau và giữa các cơ quan này với các SME. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần theo dõi một cách sát sao quá trình thực hiện. Từ đó các chính sách hỗ trợ SME mới có thể phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.
Như vậy, trong chương III chúng ta có thể thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trên cơ sở đó, từ những bài học kinh nghiệm phát triển SME của chính phủ Nhật, nội dung trong chương III đã trình bày các biện pháp nhằm hoàn thiện hơn chính sách phát triển SME tại Việt Nam.
KẾT LUẬN
Qua đề tài “Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật và bài
học kinh nghiệm với Việt Nam”, chúng ta đã có một cái nhìn tổng quát về các chính sách phát triển SME của Nhật qua các giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Có thể nói, chính phủ Nhật trong từng giai đoạn đã và đang đưa ra được nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả nhằm phát triển và nâng cao vai trò của các SME.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách phát triển SME. Mặc dù các chính sách đã và đang không ngừng thay đổi và nâng cao hiệu lực nhưng thực tế chưa thật sự khuyến khích phát triển các doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện các chính sách này còn bộc lộ nhiều nhược điểm cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện.
Trong thời gian tới Việt Nam cần có chiến lược phát triển SME một cách đầy đủ; tiếp tục giải quyết những khó khăn vướng mắc đối với các SME, nhất là chính sách thuế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách huy động vốn, chính sách thị trường…; phát huy sức mạnh tổng hợp của chính quyền trung ương, địa phương, các tổ chức, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ, các doanh nghiệp lớn…trong việc hỗ trợ SME. Như vậy, sự hỗ trợ thực sự có hiệu quả khi có sự nỗ lực từ ba phía: Nhà nước, cộng đồng và bản thân các doanh nghiệp.
Hi vọng từ những bài học kinh nghiệm từ chính sách phát triển SME của Nhật, Việt Nam có thể có những chính sách hỗ trợ SME phù hợp và hiệu quả. Từ đó các SME có thể khắc phục khó khăn, phát huy được mọi thế mạnh để ngày càng vững mạnh, ngày càng có những đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân, đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu tạo ra những tiền đề về kinh tế đưa Việt Nam tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I.Sách chuyên khảo
1. PGS. TS Nguyễn Cúc( 2000), Đổi mới cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đến năm 2005, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. PTS. Đỗ Đức Định(1999), Kinh nghiệm và cẩm nang phát triển xí nghiệp vừa và nhỏ ở một số nước trên thế giới, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội. 3. TS. Vũ Văn Hà( 2003), Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản trong bối
cảnh toàn cầu hoá, Nhà xuất bản khoa học và xã hội, Hà Nội.
4. TS. Trần Kim Hào( 2006), Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. TS. Phạm Thúy Hồng(2004), Chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội. 6. GS.TS Nguyễn Đình Hương(2002), Giải pháp phát triển doanh nghiệp
vừa và nhỏ ở Việt Nam, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Lê Văn Sang(1988), Kinh tế Nhật Bản giai đoạn thần kỳ, Uỷ ban khoa học và xã hội Việt Nam, Hà Nội.
8. PGS. PTS. Lê Văn Sang( 1997), Vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế Nhật Bản, khả năng hợp tác Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội.
9. Lưu Ngọc Trịnh( 1998), Kinh tế Nhật Bản những bước thăng trầm trong lịch sử, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội.
10. PTS. Nguyễn Minh Tú( 2000), Các chính sách huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế Nhật Bản, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Vũ Quốc Tuấn, Hoàng Thu Hoà(2001), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: kinh nghiệm nước ngoài và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội.
12. TS. Vũ Thị Bạch Tuyết(2004), Giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà xuất bản tài chính, Hà Nội.
13. D.H WHITTAKER, Small firms in the Japanese economy, Cambridge university press.
14. G.C. Allen(1988), Chính sách kinh tế Nhật Bản, Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
15. Shinichi Ichimura(1999), Kinh tế chính trị của sự phát triển của Nhật Bản và Châu Á, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội.
16. Takafusa Nakamura(1988), Kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh: sự phát triển và cơ cấu, Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
17. GS. Takafuasa Nakamura(1998), Những bài giảng về lịch sử kinh tế Nhật Bản hiện đại, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
18. Hội thông tin giáo dục quốc tế(2003), Tìm hiểu Nhật Bản, Nhà xuất bản văn hóa- thông tin, Hà Nội.
19. Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ pháp lý Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn( 2000), Kỷ yếu hội thảo chính sách, pháp luật và một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
20. Viện Konrad Adenauer (2005), Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội.
II. Báo, tạp chí
21.TS. Ngô Xuân Bình, Các xí nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế Nhật Bản, Tạp chí thị trường giá cả số 4 năm 1994, trang 17-18.