Các yếu tố bên trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Phát triển văn hoá doanh nghiệp của Tập đoàn Bảo Việt trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu (Trang 25 - 30)

3 Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển văn hoá doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu

3.2 Các yếu tố bên trong doanh nghiệp

Quan điểm của nhà lãnh đạo doanh nghiệp về phát triển văn hóa doanh nghiệp

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp là người có ảnh hưởng quyết định tới việc hình thành văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bao giờ cũng in đậm dấu ấn cá nhân của nhà lãnh đạo, từ nhân cách, lối suy nghĩ, cách thức quản lý hoạt động kinh doanh, phong cách làm việc, ứng xử, hệ thống giá trị mà họ đã đúc kết được từ thực tiễn vốn sống cá nhân. Có thể nói tính cách, quan điểm, những triết lý riêng của bản thân nhà lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là nguồn gốc của tính đặc thù trong quá trình phát triển văn hóa doanh nghiệp để phân biệt với các doanh nghiệp khác.

Nếu ví doanh nghiệp như con tàu thì vai trò của người lãnh đạo như thuyền trưởng. Phong cách của người lãnh đạo sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hướng đi của một doanh nghiệp. Mỗi người lãnh đạo khác nhau sẽ tạo cho doanh nghiệp một phong cách riêng và cũng từ đó hình thành nên văn hóa riêng của từng doanh nghiệp. Những quan điểm của nhà lãnh đạo về phát triển văn hóa doanh nghiệp phải dựa vào một số những điểm cơ bản như sau:

- Nhà lãnh đạo phải có quan điểm tạo dựng nền tảng phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp với doanh nghiệp trong từng thời kỳ:

Nhà lãnh đạo là người tạo ra những đặc trưng riêng cho nền tảng văn hóa doanh nghiệp của mình, thông qua quá trình truyền đạt tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu chiến lược, hay triết lý kinh doanh, nhà lãnh đạo đã truyền bá những tư tưởng tốt đẹp, lôi cuốn mọi người để thực hiện công việc hướng tới giá trị, mục tiêu đó. Những tham vọng, khát khao và niềm tin của nhà lãnh đạo dần dần được chia sẻ, thấm nhuần trong tổ chức, trở thành những giá trị chung của doanh nghiệp và hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ phát triển.

- Nhà lãnh đạo phải có quan điểm rõ ràng trong việc duy trì, bảo tồn môi trường và những chuẩn mực văn hóa:

Khi triển khai ý tưởng kinh doanh, nhà lãnh đạo đã xác định và lựa chọn đường lối hoạt động, con đường phát triển, các nguyên tắc và những quy định cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Sự lựa chọn ấy cùng với sự chấp nhận, đóng góp của các thành viên trong tổ chức sẽ dần tạo nên các chuẩn mực hoạt động trong tổ chức. Cùng với sự tương tác trong nội bộ doanh nghiệp là sự tham gia của các chính sách quản trị, nhất là chính sách quản trị nhân lực, qua đó, tạo nên một môi trường hoạt động mang phong cách riêng của doanh nghiệp. Đồng thời, những chuẩn mực được hình thành đó sẽ trở thành những tiêu chuẩn đánh giá và lựa chọn hành vi phù hợp trong doanh nghiệp. Qua đó, góp phần củng cố và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

- Nhà lãnh đạo phải có quan điểm mạnh mẽ và chuẩn mực trong việc tuyển chọn những người phù hợp với hệ giá trị văn hóa mà doanh nghiệp hướng tới:

Quá trình quản trị thường được xem như nghệ thuật đạt được mục tiêu thông qua nỗ lực của những người đi theo. Chọn lựa nhân sự và tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong quản lý tổ chức. Bởi vậy, nhà lãnh đạo thường lựa chọn những người có khát vọng, động cơ, giá trị và niềm tin tương đối giống với hệ giá trị của mình vào đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. Ở những vị trí quan trọng như quản lý hay lãnh đạo cấp cao, nhà lãnh đạo càng phải chú trọng hơn tới việc lựa chọn những người đồng sự tin cậy với mình. Quá trình này sẽ giúp cho tổ chức lớn lớn trong quá trình nhân bản hệ giá trị của tổ chức. Nếu thiếu sự lựa chọn nhân sự kỹ lưỡng, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp mạnh.

- Nhà lãnh đạo phải luôn ý thức được bản thân là tấm gương và động lực cho nhân viên:

Con người chủ yếu nhận và hấp thụ tri thức qua mắt. Vì vậy hình ảnh, hành vi, và thái độ của lãnh đạo có sức ảnh hưởng to lớn đối với hành vi của nhân viên. Nhân viên thường bị ảnh hưởng, học theo và làm theo các hành vi của lãnh đạo. Họ luôn lấy đó làm chuẩn mực để noi theo. Vì vậy, nhà lãnh đạo cần phải xây dựng cho mình một hình ảnh chuẩn mực và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của mình,

không ngừng bồi dưỡng, nâng cao khả năng lãnh đạo của mình. Với những mục tiêu, mong muốn mà nhà lãnh đạo đặt ra thì một nhà lãnh đạo thành công luôn là đầu tầu, luôn biết cách lôi kéo mọi người tin tưởng và đi theo đường lối của mình. Trong quá trình làm việc, họ gặp gỡ, trao đổi cởi mở và lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhân viên, họ quan tâm tới nhu cầu, nguyện vọng của từng cá nhân. Từ đó, nhân viên tin tưởng và đi theo con đường nhà lãnh đạo đã lựa chọn một cách tự nguyện.

- Nhà lãnh đạo phải là người biết thay đổi, duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế và những thay đổi mang tính toàn cầu

Nhà lãnh đạo là người xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp, nhưng cũng là người đầu tiên thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động và phát triển, do môi trường tác động và nhiều yếu tố thay đổi sẽ làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp và nhà lãnh đạo là người có vai trò rất lớn trong việc khởi xưởng và thực hiện những thay đổi văn hóa trong doanh nghiệp. Thay đổi văn hóa trong doanh nghiệp là một thách thức lớn do tâm lý ngại thay đổi và có ý chống đối với những thay đổi của con người, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có những hoạt động rất tích cực, cẩn trọng và bền bỉ. Vì vậy, khi cần phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp, nhà lãnh đạo không chỉ là người đề ra các chiến lược thay đổi, mà chính họ cũng tấm gương thay đổi đầu tiên để tác động và tạo nên sự thay đổi đối với các thành viên khác trong doanh nghiệp.

Đội ngũ nhân viên

Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của cộng đồng người trong doanh nghiệp, ngoài vai trò chủ chốt của người lãnh đạo doanh nghiệp thì đội ngũ nhân viên là những người cấu thành, tạo dựng nên nền văn hóa doanh nghiệp của chính họ. Những giá trị, chuẩn mực, quan niệm, quan niệm, truyền thống, tập tục, thói quen, lối sống, phong cách làm việc, ứng xử, giao tiếp của họ được đem đến doanh nghiệp và góp phần tạo dựng nên văn hóa doanh nghiệp. Khi người lãnh đạo doanh nghiệp muốn đưa một giá trị mới nào đó vào trong doanh nghiệp, nếu không được các thành viên thừa nhận một cách tự giác hoặc bị tẩy chay thì sẽ không trở thành giá trị của văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tập hợp các cá nhân cùng hoạt động vì mục đích chung là lợi nhuận. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp không phải là tổng hợp văn hóa của các cá nhân mà là tập hợp những giá trị cơ bản mà tất cả các thành viên trong doanh nghiệp cho là đúng và thống nhất thực hiện. Văn hóa cá nhân bao gồm các chuẩn mực, quy tắc mà mỗi cá nhân cho là đúng và tự quy ước thực hiện hành vi theo những chuẩn mực đó. Mỗi cá nhân khi tham gia vào tổ chức đều mang những đặc điểm riêng về giới tính, độ tuổi, tính cách, lối sống, trình độ,…Các đặc điểm này không mất đi trong quá trình doanh nghiệp đi vào hoạt động mà sẽ dần biến đổi để thích nghi dần với môi trường của doanh nghiệp. Những cá nhân mà có cái tôi quá lớn sẽ dễ bị tẩy chay. Một doanh nghiệp có nhiều cá nhân tốt sẽ có tác động tích cực tới văn hóa doanh nghiệp và ngược lại. Một doanh nghiệp có văn hóa chỉ khi các thành viên của doanh nghiệp là những người có văn hóa.

Lịch sử hình thành và truyền thống của doanh nghiệp

Đây là một yếu tố cốt lõi có vai trò quyết định tới sự phát triển văn hoá doanh nghiệp. Như chúng ta đã biết văn hoá được hình thành theo thời gian nên thời gian tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nên văn hoá của doanh nghiệp đó. Mặt khác, quá trình phát triển của doanh nghiệp càng dài thì những giá trị văn hoá tạo dựng được càng lớn và càng phong phú vì nó là nền văn hoá của những thế hệ khác nhau, vừa có tính kế thừa, vừa có tính mới. Thực tế cho thấy, những tổ chức có lịch sử phát triển lâu đời và bề dày truyền thống thường khó thay đổi về tổ chức hơn những tổ chức mới, non trẻ, chưa định hình rõ phong cách hay đặc trưng văn hoá. Những truyền thống, tập quán, nhân tố văn hoá đã định hình và xuất hiện trong lịch sử vừa là chỗ dựa, nhưng cũng có thể trở thành những “rào cản tâm lý” không dễ vượt qua trong việc xây dựng và phát triển những đặc trưng văn hoá mới.

Nếu doanh nghiệp có lịch sử hình thành và truyền thống văn hoá tốt đẹp, bền vững thì việc phát triển các yếu tố văn hoá sẽ có điểm tựa, cơ sở vững chắc hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển. Phát triển văn hoá doanh nghiệp còn phải dựa trên tinh thần kế thừa những tinh hoá văn hoá truyền thống của doanh nghiệp.

Mô hình tổ chức của doanh nghiệp

Mô hình tổ chức doanh nghiệp, phong cách nhân viên trong công ty, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh… có ảnh hưởng đến phát triển văn hoá doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có nét văn hoá riêng. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải phát triển bản sắc văn hoá phù hợp với ngành nghề kinh doanh và đảm bảo được bản sắc riêng của doanh nghiệp.

Cơ cấu tổ chức được coi là phần cứng của tổ chức còn văn hóa doanh nghiệp được coi là phần mềm và nó hoạt động được dựa trên nền tảng là phần cứng đó. Tổ chức cần phải thích nghi với môi trường để tồn tại và phát triển vì thế nó cần xây dựng cho mình một cơ cấu tổ chức phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Để xây dựng được một cơ cấu phù hợp cần phải xem xét đến hai khía cạnh cơ bản sau:

- Cơ cấu tổ chức phải thích nghi với môi trường bên ngoài và phải phù hợp với môi trường bên trong của doanh nghiệp: đặc điểm nguồn nhân lực, công nghệ cũng như các nguồn lực khác của tổ chức.

- Cơ cấu tổ chức phải phối hợp hoạt động của các bộ phận của từng cá nhân trong tổ chức bằng cách hướng các cá nhân theo mục tiêu chung của tổ chức đó chính là nền tảng của tổ chức.

Để làm được điều đó cần phải có hệ thống phân quyền và quản lý của tổ chức nhằm trả lời được câu hỏi: ai là người lãnh đạo điều hành tổ chức? cơ cấu sẽ bao gồm bao nhiêu cấp quản lý? Làm thế nào để phối hợp các nhiệm vụ với công việc, giữa các cá nhân khác nhau với nhau để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tổ chức. Việc trả lời các câu hỏi đó chính là đã định hình được văn hóa của tổ chức,

các giá trị, chuẩn mực, niềm tin… phụ thuộc vào ai là người điều hành tổ chức và cách mà cơ cấu tổ chức đó vận hành?

Tình hình tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có khả năng tài chính mạnh thì không những đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra liên tục và ổn định mà còn giúp cho doanh nghiệp có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và cải thiện cơ sở vật chất kiến trúc hạ tầng giúp tạo môi trường làm việc thoải mái, hiện đại, đánh đúng nhu cầu vật chất của thành viên trong doanh nghiệp. Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển văn hóa doanh nghiệp theo hướng đặt ra. Ngược lại, nếu như khả năng về tài chính của doanh nghiệp yếu kém thì doanh nghiệp không những không đảm bảo được các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra bình thường mà còn không có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, không có khả năng phát triển cơ sở vật chất, làm hạn chế hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của doanh nghiệp trong mắt khách hàng cũng như là tinh thần của thành viên trong doanh nghiệp.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Phát triển văn hoá doanh nghiệp của Tập đoàn Bảo Việt trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w