Trong những năm gần đây, môi trường hoạt động ngân hàng, nhất là mội trường pháp lý đã trở nên thông thoáng hơn, giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong hoạt động. Tuy nhiên, để hỗ trợ các ngân hàng hơn nữa, tạo đủ sức cạnh tranh và để chuẩn bị tốt cho hội nhập với khu vực và thế giới, môi trường hoạt động ngân hàng cần được “cởi mở” hơn nữa. Một yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng hệ thống các yêu cầu hoặc hệ thống tiêu chí có tính định hướng đối với một “Ngân hàng thương mại hiện đại” phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị ở Việt Nam có tính đến điều kiện hội nhập, chẳng hạn như các quy định, tiêu chí về: vốn điều lệ, tổng tài sản, hệ thống các chi nhánh, mô hình tổ chức, số lượng lao động và trình độ cán bộ nhân viên, mức độ tự động hóa nghiệp vụ... Về nguyên tắc, các chỉ tiêu đó cần được xác định dưới dạng định lượng.
Hiện nay, theo quy định pháp luật thì một NHTMCP muốn niêm yết trên thị thường chứng khoán cần thiết phải qua hai bước thủ tục, đó là thủ tục xin phép cơ quan quản lý ngành là NHNN và thủ tục xin phép UBCKNN. Hai thủ tục này không tiến hành đồng thời mà phải theo trình tự từ xin chấp thuận niêm yết của NHNN rồi đến các thủ tục đăng ký niêm yết với UBCKNN tương ứng với hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Quy định về trình tự thủ tục như vậy làm kéo dài thời gian xin niêm yết
của NHTMCP có thể làm mất đi cơ hội kinh doanh, đầu tư của NHTMCP vì việc niêm yết và chào bán cổ phiếu phải chọn thời điểm thích hợp. Trong một môi trường kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như tài chính ngân hàng thì việc tận dụng cơ hội, tận dụng thị trường để tái cơ cấu cổ đông, thu hút vốn cổ phần thông qua niêm yết cổ phiếu là hết sức quan trọng. Thực tế, từ khi thông qua chủ trương niêm yết tới khi thực hiện hoàn tất niêm yết là cả một giai đoạn dài. Điều này không những làm mất tính thời điểm mà còn gặp rủi ro về chính sách, rủi ro về thị trường, rủi ro về giá cổ phiếu... Bên cạnh đó, đôi khi sẽ phát sinh tiêu cực do cơ chế xin cho.
Ngoài ra, một số điều kiện để NHTMCP được NHNN chấp thuận niêm yết chưa thực sự hợp lý như quy định về “không bị xử phạt hành chính không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng dưới hình thức phạt tiền với tổng mức phạt từ 30 (ba mươi) triệu đồng trở lên” (Theo Điều 5 Thông tư số 26/2012/TT-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2012 hướng dẫn thủ tục chấp thuận của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK trong nước và nước ngoài của tổ chức tín dụng cổ phần). Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì phạm vi xử phạt hành chính là rất rộng, như vậy phần nào làm các NHTMCP hạn chế số lượng các NHTMCP xin niêm yết. Sau khi nhận hồ sơ niêm yết của NHTMCP, NHNN thường thanh tra, kiểm tra toàn diện NHTMCP. Đây là hoạt động cần thiết nhằm thẩm định điều kiện niêm yết của các NHTMCP đề nghị chấp thuận niêm yết; tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết các ngân hàng rất ngại thanh tra vì hoạt động ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm. Do vậy, việc thanh tra trong toàn hệ thống trước khi niêm yết cũng có thể sẽ phát sinh tiêu cực.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh niêm yết của các NHTMCP trên TTCK, cần phải sửa đổi quy định về niêm yết của các NHTMCP hiện nay, theo
hướng tạo thuận lợi cho các NHTMCP sắp sửa xin niêm yết. Đơn giản hoá các thủ tục xin niêm yết của NHTMCP, cải tổ lại hệ thống thanh tra, giám sát của NHNN theo hướng hỗ trợ các ngân hàng quản lý rủi ro và nâng cao năng lực hoạt động chứ không nhằm mục đích phát hiện vi phạm và xử phạt để việc thanh tra của NHNN trước khi niêm yết. Bên cạnh đó, NHNN và UBCKNN nên có một quy định thống nhất, áp dụng riêng cho hoạt động niêm yết của NHTMCP trên TTCK nhằm rút ngắn thủ tục hành chính và thời gian xử lý hồ sơ niêm yết của NHTMCP, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, hạn chế các quy định về thủ tục hình thức, ngăn ngừa phát sinh tiêu cực trong quá trình đăng ký niêm yết cổ phiếu của NHTMCP.
Bên cạnh các biện pháp ngắn hạn, Nhà nước cần có chiến lược dài hạn về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính, tiền tệ ở Việt Nam. Trước hết, cần nghiên cứu quy định về vốn điều lệ, lộ trình đảm bảo vốn điều lệ của các NHTMCP, đặc biệt là các NHTMCP đã thực hiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán nhằm nâng cao yêu cầu và mục tiêu quản lý, điều tiết hoạt động của các NHTM trên thị trường niêm yết. Song song với yêu cầu về vốn pháp định, cần phải có chế tài thưởng phạt đối với các ngân hàng đảm bảo hoặc không đảm bảo vốn pháp định. Đối với các ngân hàng không đảm bảo lộ trình tăng vốn pháp định cũng như sử dụng hiệu quả vốn pháp định theo cam kết thì có thể tăng yêu cầu về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoặc có biện pháp hợp nhất, sáp nhập. Xu hướng tái cơ cấu các NHTMCP yếu kém hiện nay của NHNN chính là nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch cho các NHTMCP và niêm yết trên TTCK của các NHTMCP được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu để tự tăng cường năng lực cạnh tranh trong nội tại của chính NHTMCP.