- Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: nâng cao năng lực điều hành của cán bộ quản lý các cấp, bổ sung kịp thời nguồn lực cho sự phát triển; hoàn thiện đề án quản trị nhân sự; nâng cao tính chuyên nghiệp cho nhân viên Ngân hàng; hoàn thiện hệ thống chính sách đảm bảo khuyến khích lao động sáng tạo, thu hút được nguồn lực có chất lượng cao; triển khai các chương trình đào tạo theo hướng khuyến khích đào tạo, đào tạo lại để chuẩn bị đội ngũ cho một giai đoạn hội nhập sâu hơn.
- Tập trung nguồn lực phát triển thị trường mục tiêu: tập trung nguồn lực Vốn, Kỹ thuật, Công nghệ và Con người để phát triển các thị trường mục tiêu theo quan điểm: Tập trung vào cơ sở khách hàng mục tiêu và các sản
phẩm chủ lực mà MB có ưu thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và đem lại lợi nhuận cao; Duy trì rủi ro hợp lý các sản phẩm có khối lượng giao dịch và lợi nhuận thấp; Rút lui khỏi các lĩnh vực kém hiệu quả, rủi ro cao.
- Phát triển công nghệ thông tin: tối đa hóa lợi ích thu được từ việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các nghiệp vụ, tiếp tục đưa ra các sản phẩm và dịch vụ mới đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Hệ thống phần mềm của ngân hàng cần phát triển để tạo tiền đề cho việc đầu tư hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán đảm bảo hỗ trợ hữu hiệu cho quản trị ngân hàng hiện đại, quản lý rủi ro, phát triển dịch vụ ngân hàng mới.
- Mở rộng mạng lưới hoạt động: Cần chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động, mạng lưới theo tính chất là các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hướng về khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng. Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu tập trung dân cư có tiềm năng phát triển kinh tế.
- Giảm chi phí sản phẩm, phí dịch vụ: Tiếp tục giảm chi phí hoạt động của các bộ phận kinh doanh, cắt giảm các chi phí hành chính, gián tiếp, hậu cần để quản lý hiệu quả chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài ra, cần cải tiến các quy trình nghiệp vụ và giao dịch, tăng năng suất lao động. Tăng cường công tác quản lý rủi ro đặc biệt là rủi ro tín dụng nhằm giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro, bù đắp rủi ro trong giá thành sản phẩm dịch vụ để hướng tới việc trở thành nhà cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng hàng đầu cho mọi đối tượng khách hàng với chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt ở mức giá cạnh tranh, đồng thời, đưa ra các sản phẩm dịch vụ khác nhau cho từng đối tượng khách hàng.
- Giải quyết dứt điểm nợ xấu, nợ đọng: Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Việc cơ cấu lại nợ nhằm làm trong sạch Bảng cân đối kế toán của ngân hàng là rất cần thiết. Tuy nhiên, MB cần tập
trung đánh giá, phân loại nợ xấu để có chính sách giải quyết nợ xấu phù hợp và hiệu qua. Trong thời gian tới ngoài nhiệm vụ giải quyết số nợ xấu đã phát sinh, MB cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh trong tương lai bằng việc thực hiện các giải pháp như: Đánh giá tín dụng tốt hơn, nâng cao trình độ thẩm định dự án, giám sát tình trạng của bên đi vay sử dụng vốn vay; Thông qua việc bổ sung, vận hành có hiệu quả quy trình thẩm định tập trung, nghiên cứu, xét duyệt cho vay một cách chặt chẽ, thận trọng hơn; Quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi vật chất trong việc cấp tín dụng; Thiết lập hệ thống quản lý rủi ro sau cho vay; Giám sát tình hình tài chính đối với bên vay có số dư nợ lớn…
Năm 2014 là năm MB đánh dấu sự kiện MB trải qua 20 năm thành lập và hoạt động. Cho tới hiện tại MB đã trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, phát triển an toàn bền vững hướng tới mục tiêu TOP 5 NHTM lớn nhất Việt Nam, hoạt động theo mô hình Tập đoàn Tài chính đa năng. Với những kết quả đạt được, MB được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, như: nhiều năm liền nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, TP. Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước; “Giải thưởng Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam” trao năm 2013 và 2014 do Asia Money bình chọn, Giải thưởng “Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam” trao năm 2014 do Asian Banker thực hiện, được cả tạp chí Forbes Việt Nam và tạp chí Nhịp cầu đầu tư đưa vào danh sách 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam trong hai năm liên tục (2013, 2014). Đặc biệt, năm 2013, vượt qua rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, MB vinh dự là ngân hàng duy nhất nhận giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2013. Giải thưởng là tiền đề quan trọng để MB trở thành doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam nhận danh hiệu “World Class” trao năm 2014 – Giải thưởng cao nhất trong Hệ thống Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương (APQO) tổ chức hàng năm. Sự ghi nhận của Nhà nước, các đơn
vị chức năng, cùng các tổ chức trong và ngoài nước đã chứng tỏ sự nỗ lực vượt bậc của tập thể MB trong việc phát triển kinh doanh hướng tới khách hàng trong suốt thời gian qua [ ](MB, “MB đón nhận Huân chương lao động
hạng nhất” https://www.mbbank.com.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx? CategoryId=1&ItemID=5871&PublishedDate=2014, truy cập ngày 4/11/2014).
Như vậy, NHTMCP Quân đội là tổ chức hoạt động trong khuôn khổ pháp lý chung của các NHTMCP trên TTCK. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt đọng trên TTCK, trong đó có hoạt động niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP cần hoàn thiện các thể chế có liên quan.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, để nâng cao hiệu quả hoạt động cần áp dụng đồng bộ các giải pháp khác từ nhiều chủ thể: Nhà nước, Cơ quan tổ chức thị trường và từ chính các NHTMCP.
KẾT LUẬN
Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển theo cơ chế thị trường, chế độ đa sở hữu, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tê. Sự tồn tại của hệ thống NHTMCP và việc ra đời TTCK là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, TTCK chỉ có thể tồn tại và phát triển trong những điều kiện nhất định, khi mà các chủ thể của nó, đặc biệt là các NHTM tích cực tham gia, trong đó có các NHTMCP. Các NHTMCP cũng chỉ tồn tại và lớn mạnh khi phát triển theo hướng ngân hàng đa năng với việc nâng cao năng lực hoạt động, năng lực tài chính và quản lý nguồn vốn, tăng cường kiểm soát rủi ro, ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành.
Hoạt động của NHTM nói chung, của NHTMCP nói riêng và TTCK có quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau, dựa vào nhau để cùng phát triển. Các NHTMCP được niêm yết trên TTCK là một thuận lợi của thị thường tài chính tiền tệ, TTCK nhưng cũng là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả cho chính hệ thống NHTMCP tham gia niêm yết. Theo yêu cầu của NHNN và UBCK, các ngân hàng cổ phần đại chúng phải đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung trong năm 2015, nhằm giao dịch công khai minh bạch, giải quyết tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng cần phải củng cố nội lực tốt trước khi đưa cổ phiếu lên sàn mới thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo được thanh khoản tốt. Nếu không, tên tuổi cũng như cổ phiếu sẽ đi xuống, kể cả khi đã niêm yết chính thức.
Với sự vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài, luận văn đã đi sâu phân tích thực trạng và
các giải pháp nhằm thúc đẩy niêm yết cổ phiếu các NHTMCP ở Việt Nam trên TTCK nói chung và thực tiễn quá trình niêm yết cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Quân đội; qua đó làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về niêm yết cổ phiếu của NHTMCP trên TTCK, các nhân tố ảnh hưởng đến việc niêm yết cổ phiếu của NHTMCP và đề xuất và phân tích các giải pháp nhằm thúc đẩy niêm yết cổ phiếu các NHTMCP trên TTCK ở Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam và việc niêm yết cổ phiếu các NHTMCP trên thị trường này hiện vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển cả về lý luận cũng như thực tế. Vì nội dung nghiên cứu còn mang nhận định chủ quan của người thực hiện, nên mặc dù dành khá nhiều thời gian và tâm huyết, luận văn chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các thầy cô và bạn đọc để luận văn được bổ sung và hoàn thiện hơn.