Ngày 28/8/1989, Pháp lệnh THADS, một hình thức văn bản pháp lý có hiệu lực cao lần đầu tiên đã được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động THADS. Trên cơ sở đó, quy chế Chấp hành viên đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT này 6/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo quy định của Pháp lệnh THADS năm 1989 và quy chế Chấp hành viên, thì chỉ có Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án (trước đây việc THA, ngoài Chấp hành viên còn có thể do cán bộ THA thực
hiện). Bộ trưởng Bộ tư pháp quy định số lượng biên chế Chấp hành viên, cán bộ THA cho từng Tòa án địa phương. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân địa phương. Chấp hành viên được bổ nhiệm ở các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Với pháp lệnh THADS năm 1989, lần đầu tiên những quy định về THADS đã được pháp điển hóa, việc tập trung thống nhất những quy định về THADS vào một hình thức văn pháp lý có hiệu lực cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong việc THADS, góp phần đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, bảo vệ quyền và lợi ich hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Với việc ban hành Pháp lệnh THA năm 1989, cơ chế THA đã bước đầu thay đổi căn bản. Theo pháp lệnh này, cơ chế kết hợp quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của cơ quan THADS và Chấp hành viên đã tạo ra sự phát triển mới trong công tác THADS.
Sau khi pháp lệnh được ban hành, hàng loạt các văn bản pháp luật được ban hành, nhằm cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp lệnh, đảm bảo cho Pháp lệnh được thi hành nghiêm chỉnh, như Thông tư liên ngành số 06-89/TTLN ngày 7/12/1989 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp; Thông tư liên ngành số 07-89/TTLN ngày 10/12/1989 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ nội vụ hướng dẫn việc bảo vệ cưỡng chế THA…Đây là một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực THADS nói riêng, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động THA. Cùng với sự đổi mới của cơ chế THA, đội ngũ cán bộ làm công tác THA đã được chuyên môn hóa, có chức danh, tiêu chuẩn riêng và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thực hiện phán quyết của Tòa án.[24, tr.27].
Mặc dù cơ chế THA đã từng bước được thực hiện, đội ngũ cán bộ làm công tác này được củng cố và tăng cường một bước nhưng sự chỉ đạo điều hành công tác vẫn chưa
được thay đổi phù hợp. Cơ quan THA, Chấp hành viên thuộc Tòa án, do Tòa án trực tiếp chỉ đạo về nghiệp vụ và chịu trách nhiệm báo cáo cấp trên về kết quả của hoạt động THA. Mọi quyết định quan trọng trong thủ tục THA đều thuộc thẩm quyền của Chánh án. Chấp hành viên với trách nhiệm là “người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án” thực ra chỉ là người thừa hành sự chỉ đạo của Chánh án, không có quyền năng thực sự để đảm bảo thực thi nhiệm vụ của mình. Mặt khác, Chánh án với tư cách là người chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động xét xử, phải đồng thời là người được chỉ đạo việc thi hành các phán quyết của Tòa án, dẫn đến tình trạng quá tải về công việc, có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu THA đặt ra. Hơn nữa, Tòa án vừa là cơ quan xét xử duy nhất, vừa là cơ quan làm nhiệm vụ THA dẫn đến tình trạng chưa thực sự đảm bảo sự khách quan, công bằng trong hoạt động THADS, khó lòng tránh ra khỏi sự băn khoăn, lo lắng trong nhân dân về hiệu quả công tác này.
Do trọng tâm của Tòa án là xét xử, nên trong một thời gian dài tổ chức và hoạt động THA chưa được quan tâm đầy đủ. Số cán bộ giỏi thường được bổ sung làm Thẩm phán, đội ngũ cán bộ luôn luôn bị xáo trộn không được quy hoạch,đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, chế độ chính sách không được chú ý đúng mức; lực lượng Chấp hành viên, cán bộ THA vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động THA hầu như không được trang bị; quản lý Nhà nước về công tác bị buông lỏng, nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được tôn trọng, không được thi hành nghiêm chỉnh, ảnh hưởng xấu đến việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội; các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức và công dân tiếp tục bị xâm phạm, pháp luật kỷ cương Nhà nước bị coi thường, gây nên sự phản ứng của dư luận và sự bất bình trong nhân dân [24,tr.31].
Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ II(tháng 12/1992) cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 1992 tổng số bản án, quyết định phải thi hành 154.398 việc, thi hành xong 42,744 việc, đạt tỉ lệ 27,28%, số tiền THA
thu được đạt 26,55% trên tổng số tiền phải thu[ 39, tr.21].
Như vậy, số việc tồn đọng, chưa được thi hành chiếm tỉ lệ lớn điều này đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.