1.1. Không gian trong Đại Việt sử ký toàn thƣ
Không gian là độ dài rộng trong sự tồn tại của vật chất Ăng ghen nói: “Hình thức cơ bản của mọi tồn tại là thời gian và không gian, những tồn tại ở ngoài thời gian, tồn tại ở ngoài không gian đều là hoang đường”(33, tr19)
Đối với nghệ thuật “ Không gian là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật thể hiện quảng tính của nó. Cái bên này cái bên kia, liên tục cách quãng, nối tiếp, cao thấp, xa gần, rộng dài tạo thành viễn cảnh nghệ thuật…không gian nghệ thuật cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm”.(15, T98)
Đặc trưng về không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học trung đại đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến rất nhiều; đó là không gian vũ trụ cao rộng mênh mông theo hai xu hướng đi xa và lên cao, không gian của thế giới tâm linh trong tâm tưởng của con người (thiên đường, địa ngục, thuỷ cung) trong các tác phẩm truyền kỳ hay trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Không gian bến đò, làng quê, núi non trong thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không gian thế tục trong thơ của Nguyễn Khuyến, Tú Xương…Nhìn chung không gian trong tác phẩm văn học trung đại là không gian có tính chất vĩ mô, còn không gian vi mô như con
đường, gian phòng hay góc vườn gắn liền với cuộc sống riêng tư của con người thì hiếm hoi.
Nằm trong phạm trù văn học trung đại với ảnh hưởng của quỹ đạo vùng -ảnh hưởng của văn hoá phương Đông một bộ sử ký giàu giá trị văn học như Đại Việt sử ký toàn thư cũng mang những đặc trưng mô tả về không gian không nằm ngoài đặc trưng chung của văn học trung đại .
Một bộ sử hiện đại không thể mô tả không gian chi tiết tỉ mỉ, có tính hình tượng. Nhưng điều đó đã xẩy ra với bộ sử thời trung đại. Không gian chủ yếu trong
Đại Việt sử ký toàn thư là không gian nơi triều đình –không gian có màu sắc chính trị, quan phương và không gian nơi trận mạc. Sở dĩ như vậy bởi Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ quốc sử lớn của nước ta thời trung đại. Lịch sử được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư là lịch sử của các triều đại phong kiến với những năm tháng hưng vong. Hơn nữa các nhà sử học chủ yếu chép sự tích các triều đại, những việc vua làm, những lời vua nói rồi những phép tắc trong triều…cho nên không gian trong tác phẩm chủ yếu là không gian cung đình .
Không gian nơi cửa cấm thành diễn ra những cảnh “nồi da nấu thịt” anh em cốt nhục chém giết lẫn nhau để tranh giành ngôi báu như cuộc chiến của ba anh em: Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức ở kỷ nhà Trần (bản kỷ, quyển II) nhưng cuối cùng đã bị Phụng Hiểu –một bề tôi trung thành dẹp loạn. Hay không gian nơi sân cung – nơi tên nghịch thần Đỗ Thích ngầm giết vua để đoạt ngôi báu. Đỗ Thích vốn là một tên chi hậu nội nhân “làm chức ở lại Đồng Quan, đêm nằm trên cầu bỗng thấy sao xa rơi vào miệng. Thích bèn cho là điềm tốt bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây nhân vua đang ăn yến ban đêm say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải nén lấp ở máng nước trong cung qua ba ngày khát lắm gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém”(1,Tr 214).
Không gian cung vua về đêm –nơi vua Uy Mục hoàng đế ăn chơi trác táng vui đùa uống rượu vô độ cho đến khi say liền giết chết cả cung nhân. Không gian cung đình (thâm cung bí sử) nơi gói gọn cuộc đời Trâu Canh – một thần y có công chữa khỏi bệnh liệt dương cho vua Trần Dụ Tông…Nhìn chung không gian nơi triều đình xuất hiện với mật độ dày đặc. Đây là không gian có màu sắc chính trị, quan phương không gian này tạo nên bối cảnh cho sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử. Những tên nghịch thần, những tên “ quỷ vương”, những đấng minh quân, hay những bậc thần y tài giỏi…Không gian triều đình chính là “hoàn cảnh điển hình” cho các nhân vật lịch sử bộc lộ tính cách trung thành hay phản nghịch, một đấng minh quân chân chính hay những vị vua ăn chơi vùi đầu vào rượu chè và nữ sắc. Tất cả đều được các sử gia ghi chép để nêu gương răn dạy cho đời sau.
Ngoài không gian nơi triều đình, không gian mang dấu ấn của tác phẩm tự sự trong Đại Việt sử ký toàn thư là không gian nơi trận mạc. Lịch sử dân tộc ta gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nuớc. Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc nhân dân ta không biết bao nhiêu lần phải đương đầu với đế chế phong kiến phương Bắc. Với lòng tự hào dân tộc sâu sắc các sử gia đã khắc hoạ thành công bối cảnh của những cuộc chiến trong đó không gian là yếu tố tạo nền. Bút pháp khắc hoạ không gian chủ yếu là bút pháp miêu tả. Như cuộc chiến giữa Triệu Quang Phục và Bá Tiên (phần ngoại kỷ, kỷ nhà Tiền Lý) “ Đầm này thuộc huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy người ngựa khó đi chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ mới có thể đi được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết”(1,tr181). Nhờ việc sử dụng nhiều từ ngữ có tính tạo hình, không gian chiến trường hiện lên khá hoang vu rộng lớn và rậm rạp. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, không gian mà giặc phải đương đầu là núi rừng đêm vắng. Chúng rơi vào tình trạng khốn đốn mất hết liên lạc “Tụ ngỡ là thành Xương Giang chưa bị phá dẫn quân định đến đó, khi đến nơi thì thành Xương Giang đã mất. Chúng hết
cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi, gặp lúc trời báo tai biến, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét, người ngựa nhìn nhau không nhích được chút nào. Giặc chỉ còn đợi đến đêm vắng bắn súng làm tín hiệu báo cho hai thành Đông Quan và Chí Linh để họ nghe thấy tếng súng thì ra cứu viện.” (2,Tr 276,277). Như vậy chúng ta có thể thấy ở đoạn trích dẫn trên tác giả đã dùng nhiều từ ngữ giàu tính tạo hình, giàu sắc thái biểu cảm, mang đậm màu sắc chủ quan (kinh hoàng sợ hãi, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét gặp lúc trời báo tai biến) để phác hoạ bối cảnh cuộc chiến. Cách hành văn như vậy chúng ta không thể thấy ở một bộ sử hiện đại mà chỉ có trong
Đại Việt sử ký toàn thư. Việc mượn văn để chép sử các nhà sử học đã vô tình tạo ra những bối cảnh không gian có màu sắc nghệ thuật cho bộ quốc sử cổ nhất nước ta.