II.CẤM ĐOÁN BẢN NĂNG TÍNH DỤC TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

Một phần của tài liệu Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hóa (khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Trang 43 - 47)

I. CƠ SỞ VĂN HOÁ CỦA CẤM KỴ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG BẢN NĂNG

II.CẤM ĐOÁN BẢN NĂNG TÍNH DỤC TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

Như trên chúng tôi đã trình bầy, đạo đức, lễ giáo của Nho giáo nhằm xây dựng mẫu người thánh nhân quân tử. Mẫu người này xa lạ với con người tự nhiên, trần tục. Nếu nói văn hóa là sự vượt thoát cái bản năng thì điều đó rất đúng với văn hóa Nho giáo. Thực ra, bất cứ văn hóa nào cũng khắc phục cái bản năng. Nhưng với sự phát triển của lịch sử, sự cực đoan trong thái độ của Nho giáo đối với bản năng tính dục dần dần lộ rõ. Các cấm kỵ đối với đời sống bản

năng trước hết phản ánh sự lựa chọn Nho giáo của xã hội Việt Nam thời trung đại.

Trong văn hoá Nho giáo truyền thống, các cấm kỵ bản năng đa dạng, phong phú vô cùng. Cấm đoán dễ thấy trước hết là cấm đoán nhằm vào tiếp xúc trực tiếp, tự nhiên nam nữ. Đối với quan hệ nam nữ, các nghi lễ được đặt ra mang tính chất “cách ly”, nam nữ thụ thụ bất thân, kiểm soát khả năng gần gũi về thân thể giữa hai giới. Kinh Lễ qui định: “Là đàn ông không nên bàn việc trong phòng khuê (tức việc của đàn bà), là phụ nữ không được bàn việc bên ngoài (tức việc của đàn ông). Nếu không phải là ngày tế lễ hoặc ngày tang tế, trai gái không được đưa cho nhau vật gì (vì tránh đụng vào tay nhau). Nếu có trao, người nữ phải cầm một cái thúng (để nhận vật ấy); không có thúng thì hai bên (trai gái) phải quỳ xuống đặt vật (định trao) xuống đất rồi người nữ nhận lấy. Ngoài và trong không được chung đụng (trai gái), không được tắm chung, không được ngồi chung chiếu ngủ trong phòng, không được ăn chung. Trai gái không được mặc chung quần áo. Những việc trong phòng khuê không được nói ra ngoài, những việc bên ngoài không được cho lọt vào (phòng khuê). Trai vào phòng khuê không được nói cười chỉ chỏ, đang đêm đi đâu phải cầm đuốc, nếu không có đuốc thì không đi. Đi trên đường cái, trai đi bên phải, gái đi bên trái”

[70, 135]. Mục đích cấm đoán ở đây không phải là “diệt dục” mà nhằm đưa quan hệ tính dục vào vòng kiểm soát của đạo đức, lễ giáo, ngăn chặn khả năng quan hệ nam nữ bất chính, tình dục ngoài hôn nhân. Lê Thánh Tông, ông vua đã có công đưa Nho giáo lên địa vị chính thống trong xã hội Việt Nam, đã thiết lập những điều cấm kỵ về phương diện thân xác đúng với khuôn mẫu như Kinh lễ

đã nói, trong 24 điều giáo huấn để răn dạy dân chúng, đáng chú ý 3 điều sau:

Điều 7) Người đàn bà goá chồng không được tìm kiếm người trai trẻ, nói thác là nuôi con nuôi, làm việc gian dâm vụng trộm; Điều 16) Khi chèo hát, lúc hội hè, trai gái đến chơi xem, không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô; Điều 18) Các viên phủ, huyện đều chiểu theo địa phận sở tại cắm thẻ bài răn cấm trai gái không được tắm cùng bến, để tỏ rõ sự phân biệt về lễ phép. [140,

64]. Nội dung này khá ăn khớp với thông tin ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn

thƣ về việc nhà vua đã cấm điệu múa “lí liên” ở quê hương mình, một điệu múa

có nét tục tĩu xét theo quan điểm Nho giáo. Và chúng là sự tiếp nối quá trình Nho giáo hóa phong tục xã thôn Việt Nam, thấy từ hồi Trần Nhân Tông đi các địa phương vận động bỏ các “dâm từ”.

Cuốn Việt Nam văn minh sử dẫn ra những điều khoản cấm đoán về tính dục. Nếu có quan hệ nam nữ đặt trong tương quan với chữ hiếu (có tang cha mẹ) sẽ bị trừng phạt, đại loại như : 1) Đương có tang cha mẹ mà chơi bời, rượu chè, trai gái, không chút buồn rầu sẽ bị tội trượng chín chục, lưu đi châu xa. 2) Các con có tang cha mẹ, vợ, nàng hầu có thai, phải tội trượng một trăm, lưu đi châu xa. 3) Đương có tang cha mẹ mà vợ con hay nàng hầu có thai đến ngày đẻ con là ba ngày trước ngày hết tang, sẽ bị lưu đi châu xa. 4) Đương có đại tang mà giá thú ngầm, sẽ bị tội 80 trượng, biếm một tư. 5) Đương có đại tang mà phạm tội thông gian, sẽ bị tội lưu đi châu xa. 6) Đương có đại tang mà phạm tội cưỡng gian, sẽ bị tội chết [84, 748]. Cấm kỵ về tính dục trước hết để bảo vệ đạo

hiếu. Và sự ngăn chặn quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân không chỉ dừng lại ở lời khuyên, thuyết giáo mà được bảo đảm hiệu lực bằng những hình phạt rất tàn bạo.

Quan hệ nam nữ cần được kiểm soát theo nghĩa là không được phép có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nếu đôi nam nữ có quan hệ “gian dâm” trước hôn nhân bị phát hiện thì người trong cuộc sẽ bị trừng phạt gắt gao: 1) Trước thông dâm mà sau lấy nhau (tiền dâm hậu thú) thì bị tội đồ đánh trượng tám chục, sung vào lính bản phủ. Người đàn bà bị đánh năm mươi roi. 2) Đã làm hôn lễ nhưng chưa đón dâu về mà hai bên thông gian cũng bị coi là con cháu mất giáo dục, mỗi người bị trượng một trăm roi” [84, 758].

Định nghĩa về “gian thông” (thông gian nam nữ) rất rõ ràng. Quan hệ tình dục với vợ người khác, chủ nhà gian thông với đầy tớ, có tang mà gian thông, đã đính hôn chưa làm lễ thành hôn có quan hệ cũng là gian thông…Theo Lê triều hình luật, Gian thông cƣơng, quyển 3, tờ 22a - 23a, hình phạt đối với tội thông

gian rất khắc nghiệt: 1) Phàm kẻ nào gian dâm với vợ lẽ (thiếp) người ta thì bị giảm xuống một đẳng. Chính người thê thiếp thông gian ấy cũng bị tội lưu; nếu có điền sản, thì điền sản giao về cho người chồng. Đám nào chưa thành hôn thì giảm xuống một đẳng; 2) Phàm chủ nhà hoặc con gái hay nàng dâu chủ nhà để tớ trai (nô) gian thông thì phạm tội lưu; 3) Phàm đang có tang cha mẹ hoặc tang chồng mà gian thông thì phạt tội chém; 4) Phàm những đám mới đính hôn, nhưng chưa làm lễ thành hôn, mà đã “hợp cẩn” với nhau thì về phần người con gái thì phải phạt đánh đòn năm mươi roi (6a). Đến triều Nguyễn làm bộ Hoàng

Việt luật lệ, ghi: “Nam nữ đã đính hôn với nhau, nhưng chưa cưới mà đã thông gian phạt trăm trượng” (quyển 22, tờ 1b); “Người đàn bà mà phạm tội gian dâm thì là hết cả liêm sỉ, nên bắt cởi áo, cho mặc váy mà gia hình. Còn tội khác khi phạt tội, cũng được mặc cả áo” (quyển 2, tờ 34a, 34b); “Đàn bà phạm tội gian dâm, hễ là người chồng không có vật lực thì cứ theo luật mà xử phạt; còn những người có vật lực cùng hạng mệnh phụ và hạng vợ cả quan viên, nếu phạm tội đáng phạt vào hạng một trăm trượng thì được phép cho chuộc bằng tiền bạc” (quyển 2, tờ 35b).

Các qui định về hình phạt nghiêm khắc dành cho các tội gian dâm khác nhau nói trên đều nhằm bảo vệ đạo lý Nho giáo, nhằm đề cao hiếu, gián tiếp dẫn đến đề cao chữ trung. Thực ra chúng cũng có tác dụng tích cực và hợp lý theo một nghĩa nào đó. Chẳng hạn, hạn chế tội xâm hại tính dục, bảo vệ người phụ nữ, gắn liền quan hệ nam nữ với trách nhiệm gia đình, hạn chế nạn ngoại tình… Nhưng các diễn ngôn về cấm đoán và chủ trương trừng phạt nghiệt ngã đã gieo rắc mặc cảm tội lỗi, xấu xa, thấp hèn về đời sống tính dục; định hướng dùng lý trí đạo đức chống lại tình cảm tự nhiên có thể dẫn đến tính hình thức, sự giả dối về đạo đức; sự cấm đoán vô lý, nhất là đối với những trường hợp tình yêu nam nữ không được cha mẹ đồng ý vì các lý do khác nhau, hay sự ép gả bất chấp sự phản đối của con cái.

Một phần của tài liệu Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hóa (khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Trang 43 - 47)