DỤC TÍNH LÀ MỘT ĐIỀU HOÀN TOÀN TỰ NHIÊN

Một phần của tài liệu Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hóa (khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Trang 54 - 57)

Tính dục thuộc về bản năng, trong cuộc sống con người, sự tồn tại của nó là hiện thực: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên” (Việc ăn uống và quan hệ nam nữ là dục vọng lớn của con người ta, vốn vẫn tồn tại). Mạnh Tử minh xác tính dục là bản năng sinh lý tự nhiên của loài người trong mệnh đề:

“Thực sắc, tính dã” (Ham ăn uống và sắc đẹp là bản tính của con người). Đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần, quan hệ ân ái… là cơ sở để con người sinh tồn phát triển. Hành vi giao hoan của con người có nhiều ý nghĩa: con người được hưởng những giây phút thăng hoa, cực lạc giúp cho hài hoà đời sống gia đình; duy trì nòi giống; giảm thiểu bệnh tật; khả năng kéo dài tuổi thọ; tăng cường sức mạnh xã hội.

Cuốn Kinh Dịch (Trung Quốc) đề cao sự hài hoà âm dương, sinh thực khí nam nữ. Chu Dịch viết: “Thiên địa bất giao nhi vạn vật bất hưng” (Trời đất không giao hoà, vạn vật không hưng thịnh). Chu Dịch còn cho rằng: “Nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh”, tức nam nữ kết hợp là sự sinh sôi, phát triển của loài người. Câu này khẳng định sự kết hợp hai nhân tố đối lập nhau trời - đất, âm - dương, nam - nữ sẽ mang lại hoạt động sáng tạo, hình thành cái mới. Trong một thời kỳ kịch sử lâu dài con người sùng bái hai biểu tượng nữ âm - nam căn và chúng thường tồn tại bên nhau. Điều này minh chứng ở các văn vật khai quật của ngành khảo cổ học. Người Trung Quốc tìm thấy nhiều hình vẽ “điểu hàm ngư” (chim ngậm cá - nhà nghiên cứu giải thích “chim” mô phỏng cơ quan sinh dục nam, “cá” chỉ cơ quan sinh dục nữ) trên vô số văn vật khai quật từ đời Thương và các thời kỳ sau. Trần Phò đưa ra vài dẫn chứng: “Trên chiếc bình khai quật ở Bắc Thủ Lĩnh, văn hoa chim mổ cá rất rõ nét. Hoa văn điểu ngư trên vật dụng bằng đồng thời Tây Chu, “điểu hàm ngư” trên đồ gốm thời Tây Hán, hoa văn chim ngậm cá trên đồ trang sức bằng vàng đời Tấn, trên gấm lụa đời Minh…đều xuất phát từ ý nghĩa sùng bái sự giao hoà tính giao” [78, 150]. Mông Cổ, ngành khảo cổ học cũng khai quật được “thanh kiếm đồng có cán gồm hai mặt, một mặt có hình đàn ông, hai tay để ngang bụng, một mặt là phụ

nữ hai tay ôm ngực. Cả hai đều khoả thân với cơ quan sinh dục nổi bật” [78, 151].

Freud từng nói bản năng con người không thể mất, không thể bị tiêu diệt dù bị áp lực của môi trường văn hoá, lễ giáo đạo đức… Chúng chỉ bị dồn nén vào tiềm thức, đến khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát. Nghĩa là chúng không thể bị triệt tiêu, chỉ ẩn náu dưới một hình thức khác. Chính ông kết luận: Trẻ em đã có đời sống tình dục. Điều này không phải là xúc phạm đến một cái gì thiêng liêng nhất, trong trắng nhất. Vì: “Em nhỏ cũng chỉ là người hưởng cái trời cho, cái tự nhiên tặng, cái mà người ta gọi là bẩm sinh di truyền từ đời nọ sang đời kia mà không một ai có thể loại trừ nó ra khỏi đời sống con người. Cái mà nhờ nó loài người tồn tại từ đời này sang đời khác. Nhờ nó mà mỗi chúng ta đang tồn tại như một con người mà chúng ta đang rất tự hào về con người của chính mình với sự hiện diện của đời sống tình dục người” [24, 137-138]. Ông cho biết thêm, tình dục nơi trẻ em vào thời kỳ đầu còn nặng về mặt bẩm sinh nhưng cũng không phải chỉ có thế mà còn tạo ra một hoạt động tinh thần dù còn ở trình độ thấp và có thể nói chưa phải là đời sống tình dục hoàn chỉnh nhưng trong nó đã hội đủ yếu tố cơ bản để trở thành tình dục thực sự khi có đủ điều kiện cần thiết. Một số ý kiến cho rằng, trẻ em dưới 13 - 14 tuổi không có đời sống tính giao. Đây là quan điểm sai lầm. Freud lí giải dưới hai góc độ. Về mặt sinh lý, cái mới xuất hiện vào tuổi dậy thì là sự ra đời của cơ năng sinh sản sử dụng bộ máy đã có sẵn cả về thân thể và tinh thần trong trẻ em để đạt mục đích sinh sản. Về mặt xã hội, nếu trẻ em dưới tuổi dậy thì không có đời sống dục tính thì tại sao xã hội lại áp dụng nghiêm ngặt một nền giáo dục trong đó việc ngăn cấm trẻ em tiếp cận với mọi hình thức của đời sống tính giao như thường diễn ra trong mọi dân tộc, trong mọi quốc gia và trong mọi thời đại trước đây cũng như hiện nay. Tại sao xã hội lại quyết liệt thực hiện việc ngăn chặn đời sống tính dục của trẻ em với những biện pháp nhiều khi vô cùng nghiêm khắc nếu họ nghĩ rằng ở các em không có đời sống tính dục. Tại sao xã hội tìm mọi cách làm cho đời sống tình dục của trẻ em trở thành vô dục nhưng vẫn không chịu thừa nhận

sự hiện diện của nó. Tóm lại, tất cả những việc làm của xã hội để ngăn chặn đời sống tình dục của trẻ em đã bác bỏ chính ngay những lời khẳng định trên của xã hội và chứng tỏ là đời sống tính dục nơi trẻ em là có thực và không dễ gì ngăn chặn được. Chúng ta hãy quan sát các em nhỏ sẽ biết được một sự thật rằng trẻ em rất thích sờ mó hay nghịch vào các cơ quan bài tiết, cơ quan sinh dục. Và cha mẹ chúng bao giờ cũng đưa ra cấm đoán, doạ nạt hành vi đó. Sự ngăn cấm có vẻ rất hiệu lực làm cho các em từ chỗ e dè, sợ sệt đến “hình như” thôi hẳn. Vì thế làm cho người đời tin là với trẻ em “chưa biết gì” cứ răn đe thực mạnh, kể cả trừng phạt nghiêm khắc là có thể làm cho các em không dám nghĩ tới và thực hiện hành vi tục tĩu đó. Và người ta yên tâm với một nền giáo dục có hiệu lực của xã hội. Những hành vi tục tĩu nói trên của các em không thấy xuất hiện trước mặt người lớn mà nó sẽ xuất hiện một cách lén lút hoặc nó “lặn” vào trong ký ức, đẩy nó xuống vô thức. Hoặc nó sẽ biến thiên sang một hình thức mới của dục vọng. Thực tế là, ở đâu có cấm đoán là sau lưng xuất hiện một thèm khát và nó sẽ tái hiện với một nhận định mới. Đến đây người đọc có thể tin tưởng đời sống tình dục của trẻ em là có thực và không dễ gì ngăn chặn được. Từ đó chúng ta suy luận ra, người trưởng thành, cơ quan sinh dục đã hoàn thiện, thì hoạt động giao hoan càng không thể cấm đoán, ngăn chặn.

Đứng trên quan điểm hiện đại Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Dục tính mà quá cấm kỵ, quá chế độ hoá sẽ bị đe doạ tiêu diệt trong đạo lý. Tuy nhiên, dục tính cũng không thể vượt qua mặt đạo lý. Quá nhấn mạnh vào khía cạnh tự nhiên, cởi mở là sai. Quá nhấn mạnh vào khía cạnh bó buộc, ẩn dấu cũng sai”

[128, 79]. Theo Nguyễn Văn Trung, nhìn nhận về tính dục cần có mức độ, trung dung, không cực đoan sa vào một thái cực nào, một mặt đạo đức đòi hỏi tránh bản năng trần tục, mặt khác, lại phải thừa nhận sự tồn tại của bản năng.

Freud dựa trên cơ sở khoa học, tâm lý, sinh lý… để chứng minh con người còn có cả yếu tố bản năng. Theo Lý Trạch Hậu thì cả Marx và Freud đều có tư tưởng riêng rất quan trọng về con người. Marx thì đề cập đến điều kiện vật chất, còn Freud lại đề cập đến cái bản năng. Marx phát hiện ra khía cạnh vật chất

rất quan trọng của con người. Nhưng con người ngoài miếng ăn ra, có có cả yếu tố bản năng. Hai ông nêu lên hai vấn đề lớn: Cái ăn và dục tính. Sống, con người làm sao để sống một cách hiện thực thế là nổi lên vấn đề như: Tồn tại xã hội, ý thức xã hội, quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, đấu tranh giai cấp… Và để duy trì sự sống, phát triển giống nòi động vật bậc cao không thể thiếu nhu cầu bản năng: bản năng sống, bản năng tình dục… Theo Lý Trạch Hậu (học giả Trung Quốc): “Triết học bản thể luận nhân loại học (triết học thực tiễn có tính chủ thể) trong khi tìm kiếm bản thể luận tâm lý, đương nhiên phải mở ra đầy đủ đối với các vấn đề “sống”, “tính dục”, “chết” và “ngôn ngữ”, như vậy mới có thể hiểu được bài thơ của nhân sinh hiện đại” [34, 53]. Nói đến con người toàn

diện phải nói đến cả nhu cầu vật chất lẫn nhu cầu bản năng.

Tóm lại, dục tính là thứ không thể trói buộc, không thể tiêu diệt. Có thể cấm đoán ngay lập tức được chấp nhận nhưng do thể chất nguyên uỷ của con người thì cấm đoán không đủ sức gạt bỏ dục vọng. Kết quả cấm đoán chỉ trấn áp dục vọng, và đẩy xuống tiềm thức, khi gặp điều kiện thuận lợi, bản năng tính dục sẽ bùng phát. Cấm đoán sẽ đẻ ra các cách đối phó cấm đoán. Các hình thức đối phó với cấm kỵ là khá đa dạng và phong phú.

Một phần của tài liệu Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hóa (khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Trang 54 - 57)