HÌNH THỨC ĐỐI PHÓ ĐỂ BẢO LƢU TÍN NGƢỠNG PHỒN THỰC QUA VIỆC THỜ CÁC VỊ THẦN CHÍNH THỐNG

Một phần của tài liệu Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hóa (khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Trang 57 - 59)

QUA VIỆC THỜ CÁC VỊ THẦN CHÍNH THỐNG

Tín ngưỡng phồn thực là một tín ngưỡng rất cổ, đề cao sinh hoạt tính dục tự nhiên như là một sinh hoạt thiêng liêng duy trì sự sống và phát triển trên trái đất. Tín ngưỡng này có thể thực hiện qua các nghi thức thờ cúng các vị thần, biểu tượng giống như linga-yoni của văn hóa Ấn Độ, mà Nho giáo cho là “dâm thần”. Phạm Đình Hổ có kể đến việc một làng thờ bà chúa ngựa, một “dâm thần” mà chỉ có ngựa mới thỏa mãn, đó là một dạng thức biến hình của biểu tượng phồn thực.

Tín ngưỡng thờ cúng các vị thánh thần có từ lâu đời. Lúc đầu nhân dân thờ cúng các nhiên thần (thần cây đá, thần sông nước), các nhân thần (thành

hoàng làng, những người có công với đất nước, tổ tiên, và kể cả các vị dâm thần, loại thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng phồn thực lâu đời…). Bắt đầu từ đời nhà Trần, với sự lựa chọn và đề cao Nho giáo, nhà nước phong kiến Nho giáo hóa bắt đầu cấm thờ các dâm thần, phá hủy các “dâm từ”, nơi thờ các “dâm thần”, tức là cấm đoán tín ngưỡng phồn thực. Lệnh của triều đình không thể không tuân thủ, nhưng nỗi sợ về việc không thờ các vị thần phồn thực cũng rất lớn, từ đây đẻ ra các cách đối phó, giấu diếm. Về sự việc này, Tạ Chí Đại Trường có những nhận xét tinh tế: “Cúng lễ vua thì theo quy tắc - hay ít ra theo các đường hướng, dạng hình của nhà nước quy định, còn cúng thần của mình thì theo tập tục cũ - mà phải dấu giếm vì tính bất chấp hợp pháp của tập tục đó. Có thể nói là việc cúng hèm của thần bắt đầu xuất hiện theo với sự đàn áp, cải tạo dâm từ”

[131, 128].

Để vẫn giữ được tín ngưỡng thờ thần phồn thực mà lại không bị triều đình nghi kỵ trong xã hội phong kiến đó, theo Tạ Chí Đại Trường, không cách gì tốt hơn là ẩn nấp sau ông Hùng Vương, ông An Dương Vương, tướng Đinh Công Tráng, Hai Bà Trưng… Bên ngoài là thờ các danh thần này nhưng bên trong lại thờ các dâm thần. Đây là hình thức trá hình, tựa vào danh nghĩa thờ các vị thần thánh chính thống của triều đại phong kiến để đối phó với cấm đoán thờ “dâm thần”, bảo lưu tín ngưỡng phồn thực. Câu ca đầy dấu hiệu gợi tình trong khi làm lễ của hai làng Trúc Phê và Á Nguyên hé lộ phần nào bản chất của nó:Trúc Phê có tiệc bánh dầy/Bên Á há miệng, bên này chày đâm. Bánh dày là một thứ yoni, còn chày là linga hiện lên vấn đề dục tính. Ở Tráng Việt, lễ cúng về đêm cho tiện sự giao tiếp gái trai, cũng được gán là hèm nữ tướng Hai Bà. Hay ở núi Tam Đảo, danh sơn thứ hai trấn giữ đồng bằng sông Hồng, tuy giữa thế kỷ XV phong là đại vương mà ba thế kỷ sau, có người tìm ra “trong lùm núi xưa có đền Quốc Mẫu là một vị dâm thần” (Thanh Sơn Đại Vƣơng, Việt điện u linh tập). Mật độ các dâm từ chịu ẩn nhẫn xuất hiện nhiều. “Danh tướng Lý Thường Kiệt (1020 - 1105) khi lập chùa Phật ở Thanh Hoá, ra tay biến cải “dâm từ”, “trừng phạt sa thải những người ham chuộng ma quỷ, các đồng bóng huyễn hoặc dân chúng, để

trừ khử những phong tục xấu xa”. Hai thế kỷ sau, lại một bằng cớ khác, một vị Quốc sư của Trần Anh Tông (giữ ngôi 1293 - 1314), ở Thanh Hoá, “đi vân du khắp nơi sơn xuyên châu huyện làng mạc, hễ nơi nào có dâm từ, tà thần làm hại hại dân đều quả trách đuổi đi hết, chặt phá cả miếu đền” [131, 125]. Rõ ràng, đây là hành động “cải tạo” triệt để. Nhưng các dâm từ đâu dễ mất, nó có cức sống dai dẳng trong tâm thức dân chúng. Theo giới nghiên cứu, phải gần đến những năm 1945 mới mất các hiện tượng thờ dâm thần.

Một phần của tài liệu Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hóa (khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Trang 57 - 59)