2.2.1.1 Trong hoạt động xây dựng pháp luật:
Từ sau khi có chủ trương đổi mới đất nước của Đảng, đất nước ta đã có những biến đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đặc biệt là hệ thống pháp luật đã có bước chuyển quan trọng về quy mô, số lượng và chất lượng. Hiến pháp 1992 được Quốc hội thông qua thay cho Hiến pháp 1980 đã không còn phù hợp với thực tiễn đổi mới đã đánh dấu một bước chuyển mới trong hệ thống pháp luật nước ta. Với tư cách là Đạo luật cao
nhất, cơ bản nhất, Hiến pháp 1992 đã cụ thể hóa đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới đất nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng pháp luật trong điều kiện nền kinh tế thị trường, sau Hiến pháp 1992, hàng loạt những đạo luật cơ bản đã được ban hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Nhiều Luật chuyên ngành cũng đã được ban hành đáp ứng nhu cầu điều chỉnh trong những ngành lĩnh vực cụ thể và những lĩnh vực mới như Luật thương mại, Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật chứng khoán....
Đánh giá hoạt động xây dựng pháp luật trong những năm qua chúng ta có thể nhận thấy những thành tưu cơ bản sau:
Hiến pháp 1992 và những đạo luật cơ bản đã cụ thể hóa chủ trương đổi mới của Đảng bằng việc quy định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xác định chế độ sở hữu, các hình thức sở hữu với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cũng như địa vị pháp lý của các chủ thể đó, quy định các quyền tự do cá nhân trong đó có quyền tự do kinh doanh, tự do hợp đồng. Xác nhận phương thức quản lý mới của Nhà nước trong hoạt động kinh tế, dân sự thương mại theo hướng giảm dần sự can thiệp của nhà nước bằng các mệnh lệnh hành chính.
Tăng cường vai trò của báo chí, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong các hoạt động xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng của các dự án luật và bộ luật.
Hoạt động xây dựng pháp luật cũng đã thu hút được sự quan tâm tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, vì vậy các quy định của pháp luật đã phù hợp hơn với ý chí, nguyện vọng của nhân dân cũng như
thực tiễn cuộc sống. Số lượng và chất lượng các dự án luật và các bộ luật cũng được nâng lên một bước đáng kể.
Bằng việc mở rộng các quyền tự do, dân chủ của cá nhân, cũng như quy định cơ chế đảm bảo các quyền đó đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các quyền con người, đảm bảo công bằng xã hội. Pháp luật cũng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng một nếp sống mới song song với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển khoa học, công nghệ- giáo dục theo hướng hiện đại, bảo vệ tài nguyên môi trường đất nước.
Những quy định của pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh của đất nước, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Quy định cơ chế pháp lý làm cơ sở cho hoạt động đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Hoạt động xây dựng pháp luật cũng được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. Bộ luật này đã quy định rất rõ quy trình, thủ tục ban hành một văn bản quy phạm pháp luật tạo sự thống nhất và đồng bộ trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy pháp luật cũng đã được thực hiện trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhà nước.