Pháp luật là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng bị quy định bởi những điều kiện kinh tế - xã hội. Một khi điều kiện kinh tế thay đổi thì pháp luật cũng cần có những thay đổi cần thiết nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế mới. Kể từ khi nước ta chuyển từ nền kinh tế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đời sống pháp luật đã có những thay lớn theo xu hướng ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn.
Trong điều kiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung Nhà nước chủ yếu chỉ sử dụng phương pháp điều chỉnh hành chính, mệnh lệnh, áp đặt trong hoạt động quản lý và quan hệ pháp luật, bằng việc đưa ra những mệnh lệnh, đường lối chỉ thị chung chung, đề ra những điều cấm đoán và hạn chế. Điều này đã kìm hãm tính năng động, tự chủ, khả năng sáng tạo của con người. Mỗi người phải gánh những nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề với cộng đồng và xã hội mà không có không gian cho cá nhân. Trong khi đó pháp luật lại không có những quy định nhằm ghi nhận và bảo vệ những quyền, lợi ích cá nhân chính đáng. Công tác xây dựng pháp luật chủ yếu chỉ mang tính giải pháp tình thế và áp đặt chủ quan vì vậy không tạo được động lực cho sự phát triển. Về mặt ý thức pháp luật, tâm lý coi thường, thờ ơ, bất chấp pháp luật, ngại liên quan đến pháp luật là phổ biến.
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước đã có sự thay đổi căn bản “Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý và định hướng bằng công cụ chính sách và pháp luật điều tiết nền kinh tế, tạo sân chơi bình đẳng cho các chủ thể kinh tế đồng thời đảm bảo ổn định và công bằng xã hội”[18]. Nhà nước chỉ quy định khung pháp lý mà không can thiệp sâu vào các hoạt động kinh tế xã hội. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật vì vậy cũng có sự thay đổi theo hướng mở rộng tự do, dân chủ, chủ yếu sử dụng phương pháp thỏa thuận, tự định đoạt, bình đẳng cùng có lợi để điều chỉnh các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế theo hướng tự cạnh
tranh nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật cũng trở nên cấp thiết hơn. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngày càng mở rộng cùng với sự mở rộng của các mối quan hệ xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trao đổi và hợp tác. Pháp luật đã ngày càng được phủ sóng sâu rộng đến các mối quan hệ xã hội từ những quan hệ dân sự thông thường hàng ngày đến những mối quan hệ trong lĩnh vực mới như môi trường, công nghệ thông tin, thị trường chứng khoán....“Xu hướng hiện nay là tiếp tục mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống như một thói quen trong cuộc sống hàng ngày”[18].
Cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức pháp luật của người dân đã được nâng cao, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng pháp luật ngày càng gia tăng. Thay bằng thái độ thờ ơ, ngại ra pháp luật như trước kia người dân đã biết sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việc sử dụng pháp luật dần trở thành ý thức, kỹ năng hàng ngày. Hoạt động xây dựng ban hành văn bản pháp luật cũng như hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước ngày càng thu hút mạnh mẽ sự chú ý, đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân.
Hệ thống pháp luật nước ta hiện nay cũng đã được hoàn thiện hơn đáp ứng nhu cầu điều chỉnh trên mọi mặt đời sống xã hội đặc biệt là lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước. Tính khách quan, phù hợp của pháp luật với cuộc sống được đảm bảo vì vậy pháp luật đã thực sự đi vào cuộc sống. Sự mở rông của hệ thống pháp luật cùng với trình độ pháp điển hóa cao đã nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật trong thực tế, tạo ra hành lang pháp lý cho các quan hệ pháp luật. Xu hướng điều chỉnh của pháp luật hiện nay là mở rộng tự do trong các hoạt động kinh tế, khuyến khích khả năng sáng tạo của mọi chủ thể và thực hiện sự ràng buộc trách nhiệm bằng các nghĩa vụ của chủ thể đối với nhà nước. Vai trò của pháp luật được xác định như một công cụ thúc đẩy
và đảm bảo cho tự do, tính năng động, sáng tạo của cá nhân vì lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng; pháp luật đã ghi nhận, bảo vệ quyền con người, tạo hành lang pháp lý an toàn cho mọi hoạt động xã hội.
Hoạt động xây dựng ban hành văn bản pháp luật, hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật cũng đạt được những thành tựu cơ bản. Nhiều đạo luật lớn đã được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh những mối quan hệ xã hộ cơ bản. Trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng như trong hoạt động áp dụng thi hành luật chúng ta đã quan tâm hơn đến việc kết hợp hai yếu tố pháp luật và đạo đức, mở rộng hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong cộng đồng dần đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Nguyên tắc pháp quyền được khẳng định và thể hiện trên mọi phương diện hoạt động của nhà nước. Trong những năm qua chúng ta đã thực hiện từng bước công việc cải cách bộ máy nhà nước theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng trở nên công khai, minh bạch, dân chủ hơn.
Nhìn chung, pháp luật nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực khi bước sang nền kinh tế thị trường. Pháp luật đã thực sự đi sâu vào đời sống, đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế tạo nên những thay đổi to lớn trong đời sống nhân dân và xã hội.