Tính chất của việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Một phần của tài liệu Pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất qua thực tiễn áp dụng tại địa bàn quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội (Trang 25 - 27)

Bồi thường khi NNTHĐ là một quá trình phức tạp, liên quan trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể tham gia và lợi ích của toàn xã hội; Song, vấn đề này lại được thể hiện khác nhau tùy theo từng dự án có nhu cầu SDĐ. Vì lẽ đó, việc bồi thường khi NNTHĐ sẽ thể hiện ở một số tính chất cơ bản sau:

Tính phức tạp, “đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng” [37]. Do đó, đất đai thực sự đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của mọi người dân và trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ở khu vực nông thôn, dân cư chủ yếu sống nhờ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp với đất đai là tư liệu sản xuất không thể thiếu, trong khi trình độ sản xuất của nông dân thấp, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp khó khăn. Do đó, tâm lý chung của người dân là muốn giữ đất để sản xuất.

Đối với đất ở, nhất là đất ở tại khu vực đô thị, đây được xem là quyền tài sản có giá trị lớn, gắn trực tiếp với đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đối với các chủ thể sản xuất - kinh doanh thì vị trí của thửa đất còn gắn liền với thu nhập của họ. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về đất đai trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, đã vậy hoạt động

19

quản lý đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn buông lỏng tại một số địa phương, do đó không thể tránh khỏi tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà và các công trình khác trái phép trên đất.

Chính sự phức tạp trong quá trình SDĐ nói trên đã làm cho việc thực hiện bồi thường khi NNTHĐ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nó không chỉ xảy ra đối với mỗi dự án mà còn xảy ra đối với từng diện tích đất cụ thể, cũng như mỗi loại đất khác nhau khi bị thu hồi. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định được vấn đề này, nhằm chủ động đưa các phương án hành động cụ thể; đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với NĐT và người bị THĐ để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện BT, HT và TĐC trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

Tính đa dạng, NNTHĐ để giao cho các dự án đầu tư có nhu cầu SDĐ được diễn ra trên các khu vực hành chính với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và trình độ dân trí khác nhau. Đối với khu vực thành thị, quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư đông đúc, trình độ dân trí cao và ngành nghề đa dạng, vì thế quyền SDĐ và tài sản gắn liền với đất thường có giá trị lớn. Từ đó, việc bồi thường khi NNTHĐ có đặc điểm khác so với khu vực nông thôn nơi chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp.

Mặt khác, mục đích SDĐ sau bồi thường cũng rất khác nhau, có trường hợp bồi thường khi NNTHĐ để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, những trường hợp khác là bồi thường để lấy đất sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Do vậy, tính chất bồi thường ở đây cũng có sự khác nhau rõ rệt, trong đó quan hệ bồi thường khi NNTHĐ vì mục tiêu phát triển kinh tế (đất được đưa vào sử dụng vào mục đích kinh doanh là chủ yếu) sẽ tạo ra lợi nhuận mới và nảy sinh mối quan hệ về lợi ích giữa ba bên cần giải quyết một cách “thấu đáo” đó là: Nhà nước, người bị THĐ và người nhận lại quyền SDĐ đã thu hồi.

20

Một phần của tài liệu Pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất qua thực tiễn áp dụng tại địa bàn quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội (Trang 25 - 27)