Tóm tắt và kết luận:

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - hướng đi tích cực để phát triển thị trường nông thôn (Trang 59 - 61)

Đông á đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển đầy ấn tượng trong vòng 40 năm qua mà cho đến nay gần như vẫn còn nguyên vẹn ở hầu hết các nước thuộc khu vực này, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Thu nhập đã tăng lên rất nhiều và tình trạng nghèo đói đã giảm đáng kể. Các yếu tố tạo nên những thành tựu đó bao gồm chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô đúng đắn; tỷ lệ tích luỹ cao; vai trò lãnh đạo của nhà nước trong việc chủ động thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân; chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu trong hầu hết các trường hợp; chú trọng đầu tư cho lĩnh vực phát triển con người và một số yếu tố khác. Hơn nữa, hầu hết những nước trong khu vực vẫn tiếp tục phát huy những thành tựu đó sau một thời gian tiến hành cải tổ cơ cấu cần thiết. Đáng lưu ý là mặc dù hiện nay thu nhập thực tế của một số nước công nghiệp mới ở Đông á tạm thời bị giảm sút, song đại bộ phận nhân dân ở hầu hết các nước này vẫn tiếp tục được hưởng sự phồn thịnh và phúc lợi xã hội ở mức độ cao hơn nhiều và mức độ nghèo đói thấp hơn so với những nước đang phát triển Châu á đã theo theo đuổi các con đường phát triển khác và duy trì chính sách đóng cửa ở mức tương đối.

Kết quả phân tích những yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng khu vực hiện nay cho thấy việc quản lý nhà nước kém là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn của khu vực ngày hôm nay. Quản lý nhà nước kém là nguyên nhân trực tiếp gây ra những sự mất cân đối về cơ cấu và tài chính ở một số nước khủng hoảng hay là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng này thông qua việc cản trở khả năng hoạt động một cách có hiệu lực và hiệu quả của thị trường. Việc Nhà nước (hay các cơ quan của nhà nước) chỉ đạo và/hay tác động tới hoạt động cho vay vốn và đầu tư trong các ngành thương mại một cách không trung lập đã dẫn đến tình trạng mất cân đối và mất ổn định nghiêm trọng. Trong một số trường hợp sự thất bại của thị trường xuất phát từ lý do chính phủ không cung cấp các thông tin cần thiết cho hiệu quả hoạt động của thị trường và/hay chính phủ không đưa ra và thực hiện những yêu cầu về mặt pháp lý nhằm đảm bảo tính công khai và chế độ báo cáo tài chính đáng tin cậy. Tình trạng thiếu tính công khai còn tạo điều kiện thuận lợi cho nạn tham ô và dẫn đến hậu quả là có một loạt các công trình đầu tư chi phí lớn và không bền vững về tài chính ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong một số trường hợp, tình trạng mất cân đối cũng xuất phát từ lý do nhà nước không có những quy định và biện pháp giám sát tối thiểu về an toàn trong hoạt động của ngành tài chính. Có thể nêu ở đây ít ra một ví dụ, đó là Thái Lan. Việc Chính phủ Thái Lan cố tình duy trì tỷ giá hối đoái của đồng Baht bất chấp sự thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức độ cao và dai dẳng đã dẫn đến tình trạng mất cân đối về tài chính nghiêm trọng. Tương tự, vai trò ảnh hưởng của nhà nước cũng đã gây ra sự tích tụ của những khoản vay nợ nước ngoài ngắn hạn đến mức không thể kiểm soát được ở một số nước. Việc chính phủ ở một số nước

không theo dõi và quản lý chặt chẽ tình hình nợ nước ngoài nói chung cũng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng về cán cân thanh toán.

Đồng thời, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng cũng bao gồm những yếu tố liên quan tới sự thất bại thuần tuý của thị trường, đặc biệt là tình trạng liều lĩnh bất chấp rủi ro, cho vay và đầu tư quá mức cần thiết trong một số ngành ở các nước khủng hoảng. Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này vẫn là do thiếu sự giám sát về an toàn đối với thị trường tài chính, mà thường là nhiệm vụ của nhà nước. Tình trạng thiếu các quy định về an toàn hoặc các quy định này chưa được thực hiện để đảm bảo thanh toán các khoản nợ khó đòi và các khoản vốn có liên quan cũng như cơ chế khoanh xoá nợ đã dẫn đến hiện tượng tồn đọng rất nhiều các khoản nợ không có hy vọng trả được trong ngành ngân hàng ở một số nước. Cuộc khủng hoảng khu vực hiện nay cũng nhấn mạnh một bài học là cần phải quản lý hết sức thận trọng mức độ mở cửa đối với một số loại hình tư bản toàn cầu, đặc biệt là các khoản vay nợ ngắn hạn và đầu tư mang tính thanh khoản cao, thường đi liền với việc phát triển các thị trường chứng khoán.

Điều may mắn là Việt Nam có lợi thế tranh thủ được cả hai loại bài học tích cực và tiêu cực rút ra từ khu vực trong vòng bốn mươi năm qua. Vào thời điểm phát triển của Việt Nam và xuất phát từ môi trường thương mại quốc tế hiện nay, có lẽ chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu là phương án tối ưu để đảm bảo duy trì thành công của sự nghiệp phát triển. Điều này đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tăng cường và phát triển xuất khẩu, cũng như đẩy nhanh tốc độ của tiến trình tự do hoá thương mại nhằm tăng khả năng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất nhập nguyên liệu và các sản phẩm trung gian với giá rẻ. Trước tình hình thị trường nội địa nói chung còn yếu, thì chính sách bảo hộ thay thế nhập khẩu sẽ không thể tồn tại về phương diện tài chính. Để đạt được mục tiêu bền vững, xuất phát từ những bài học rút ra từ khu vực và ở những nơi khác, nhà nước cần chủ động thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân được coi là động lực chính cho việc thực hiện chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp cải cách cụ thể đối với các doanh nghiệp nhà nước để giải phóng các nguồn lực phục vụ cho khu vực ngoài quốc doanh cũng như phải chủ động phát triển hệ thống tài chính và ngân hàng nhằm đảm bảo hiệu quả của việc phân bổ vốn. Việc tăng cường khai thác các nguồn tích luỹ trong nước trên cơ sở tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho người gửi tiết kiệm và người đầu tư đồng thời giảm mức độ lệ thuộc vào việc vay vốn nước ngoài là rất cần thiết để đảm bảo tính ổn định về phương diện tài chính.

Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi hơn giúp cho thị trường hoạt động với hiệu lực và hiệu quả cao hơn nhiều và giảm đến mức tối thiểu nguy cơ dẫn đến thất bại của chính phủ cũng như của thị trường. Về phương diện này, cần phải khẩn trương tiến hành kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đảm bảo tính độc lập và tin cậy để cung cấp thông tin chính xác cho Nhà nước làm cơ sở đưa ra các quyết định về cải cách và chiến lược phát triển cũng như giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể quyết định hướng đầu tư đúng đắn tránh vấp phải thất bại nghiêm trọng trên thị trường. Cần phải cấp bách tăng cường hơn nữa tính công khai cũng như khả năng tiếp cận với các nguồn thông tin đáng tin cậy và bổ ích để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường và tính thiết thực của việc phân bổ các nguồn vốn. Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, việc duy trì chính sách mở cửa ở mức độ đáng kể để đón nhận những cơ hội từ bên ngoài, đặc biệt là về thương mại, đầu tư nước ngoài, công nghệ mới cũng như thông tin và kiến thức toàn cầu sẽ tiếp tục là những yếu tố cần thiết cho thành công của sự nghiệp phát triển ở Việt Nam. Biện pháp quản lý tài chính và kinh tế đúng đắn, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những điều chỉnh thường xuyên và có trật tự đối với các biến số tài chính như tỷ giá hối đoái cũng là yếu tố cần thiết để tránh xảy ra những sự mất cân đối gây mất ổn định. Việc tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của dân chúng trong quá trình phát triển và chia sẻ công bằng những lợi ích cũng như chi phí của sự nghiệp phát triển, kể cả khi nền kinh tế bị suy thoái, sẽ đảm bảo duy trì tốt hơn sự ổn định. Tóm lại, nhà nước cần hạn chế vai trò chỉ đạo đối với việc phân bổ các nguồn vốn trong lĩnh vực thương mại và tăng cường vai trò tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho khu vực ngoài quốc doanh và cho nhân dân Việt Nam. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp phảt triển cũng như xoá đói giảm nghèo bền vững và tình hình ổn định lâu dài ở Việt Nam.

UNDP tại Việt Nam Trang chủ

Đông á1:

từ thần kỳ tới khủng hoảng

Những bài học có ích cho Việt Nam

Báo cáo chuyên đề của nhân viên UNDP

Tháng 6 - 1998

Phần: | 1 | 2 | 3 | 4 |

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - hướng đi tích cực để phát triển thị trường nông thôn (Trang 59 - 61)