Vai trò của nhà nước trong nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay:

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - hướng đi tích cực để phát triển thị trường nông thôn (Trang 51 - 53)

Trong những tháng ngay sau khi cuộc khủng hoảng khu vực nổ ra tháng 7/1997, các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung chú ý vào tác động của việc thực hiện nhanh chóng chính sách tự do hoá thị trường tài chính, "toàn cầu hoá" đặc biệt là sự mở cửa đối với tài chính toàn cầu, và thất bại của thị trường, coi đây là những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khu vực hiện nay. Điều này đã khiến cho một số quan sát viên tỏ ra dè dặt về tác dụng của chính sách mở cửa, đặc biệt đối với các dòng luân chuyển vốn toàn cầu. Như đã phân tích ở phần trước của báo cáo, đây là một nhận định quá đơn giản về nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng và che lấp những vấn đề có tầm quan trọng và căn bản hơn liên quan tới vai trò quản lý nhà nước. Mỗi khi có thất bại của thị trường, thì thất bại đó thường bắt nguồn từ thất bại của chính phủ, do việc nhà nước chỉ đạo trực tiếp hay gây ảnh hưởng gián tiếp tới quá trình cho vay vốn đầu tư, thông qua bảo lãnh hay quan hệ cá nhân; do thiếu tính công khai và do nhà nước không cung cấp những thông tin cần thiết cho thị trường; do tham nhũng; do những cản trở của nhà nước đối với việc điều chỉnh thường xuyên và có trật tự những biến số về thị trường tài chính, dẫn đến mất cân đối lớn và kém bền vững về tài chính. Trong một số trường hợp, chính sách tự do hoá các dòng vốn đầu tư quốc tế đã đơn thuần làm tăng phạm vi và phương tiện ảnh hưởng của nhà nước tới việc phân bổ các nguồn vốn.

Như vậy, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực hiện nay có lẽ phần nhiều là do khâu quản lý nhà nước yếu kém và những yếu tố làm trở ngại tới hiệu quả của thị trường hơn là do mức độ mở cửa đối với tài chính toàn cầu. Việc mở cửa đối với hệ thống tài chính toàn cầu đã tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tích luỹ và các cơ hội đầu tư của nước ngoài, song tất nhiên cũng làm tăng khả năng mắc sai lầm về đầu tư và làm cho các nhà đầu tư chuyển vốn đi nơi khác. Khi nhìn lại quá khứ thì mới thấy hiện tượng chuyển vốn ra nước ngoài, trong nhiều trường hợp, chỉ là triệu chứng của những nguyên nhân căn bản hơn nhiều xuất phát từ việc phân bổ sai lầm các nguồn vốn trước đây thường được thực hiện dưới ảnh hưởng của nhà nước (ví dụ, chính sách tỷ giá cố định của Thái Lan bất chấp tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng tăng; việc cố tình cho các tập đoàn Chaebol đang gặp khó khăn ở Hàn Quốc tiếp tục vay vốn; ảnh hưởng của gia đình trị ở Indonesia đối với các khoản đầu tư cho thương mại..v.v). Trong một số trường hợp khác, hiện tượng chuyển vốn ra nước ngoài là kết quả của mức độ phản ứng gia tăng đột ngột của các nhà đầu tư nước ngoài trước tình hình thiếu thông tin và tính công khai, cũng như nỗi lo sợ về "những điều không hay biết". Giá như trong những năm vừa qua thị trường có thêm thông tin chính xác và cân đối về tình trạng tài chính thực sự của các doanh nghiệp và ngân hàng ở các nước Đông á, thì sự biến động về tài chính trong quý ba năm 1997 có lẽ đã không chuyển thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như vậy.

Hơn nữa, mặc dù đã tiếp tục thực hiện chính sách tự do hoá đối với các thị trường tài chính nội địa ở các nước Đông á trong những năm gần đây, song trên thực tế nhiều thị trường vẫn trong trạng thái đóng cửa tương đối và sự tham gia của các đối tác nước ngoài vẫn còn bị hạn chế hơn so với các tổ chức trong nước ở những thị trường này. Điều đáng lưu ý là những nước công nghiệp mới có chính sách mở cửa về tài chính rộng rãi nhất, đặc biệt là Hồng Kông, Singapo và Đài Loan, vừa qua đã chống chọi được với cuộc khủng hoảng khu vực tốt hơn so với những nước công nghiệp mới có mức độ mở cửa ít hơn.

Đồng thời, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng chắc chắn có cả các yếu tố của sự thất bại của thị trường một cách thuần tuý (đặc biệt ở Thái Lan)xuất phát từ việc đầu tư và cho vay quá mức cũng như bất chấp rủi ro trong một số ngành ở các nước bị khủng hoảng. Lý do quan trọng vẫn là do thiếu các biện pháp giám sát mức độ an toàn đối với các thị trường tài chính, thông thường là một chức năng của nhà nước.Tình trạng thiếu các quy định về an toàn hoặc các quy định này chưa được thực hiện để đảm bảo thanh toán các khoản nợ khó đòi và các khoản vốn có liên quan cũng như cơ chế khoanh xoá nợ đã dẫn đến hiện tượng tồn đọng rất nhiều các khoản nợ không có hy vọng trả được trong ngành ngân hàng ở một số nước. Một vấn đề không cần phải bàn cãi, đó là khu vực tài chính ở tất cả các nước, dù là phát triển hay kém phát triển, đều cần có mức độ giám sát và quy định an toàn tối thiểu để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ thất bại của thị trường tài chính. Như vậy, đối với tất cả các nước khủng hoảng, có lẽ nhà nước cần phải áp dụng cơ chế giám sát cũng như đưa ra các quy định an toàn có hiệu lực đối với các tổ chức tài chính trong nước, và đồng thời nhà nước cũng cần phải hạn chế nhiều vai trò chỉ đạo trực tiếp hay tác động gián tiếp của mình đối với việc phân bổ vốn theo kiểu thiên vị.

Cuộc khủng hoảng khu vực hiện nay cũng nhấn mạnh nhu cầu cần quản lý thận trọng hơn mức độ mở cửa đối với một số loại hình luân chuyển vốn toàn cầu, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn và đầu tư gián tiếp, vẫn là những vấn đề gắn liền với sự phát triển của các thị trường chứng khoán còn non trẻ. Điều này đặc biệt cần lưu ý đối với các nước kém phát triển hơn với mức thu nhập thấp, thị trường tài chính còn sơ khai và khả năng ứng phó kém đối với sự biến động tiềm ẩn thường đi kèm theo các khoản đầu tư tài chính toàn cầu; hay có thị trường tài chính chưa hoàn chỉnh để đảm bảo phân bổ vốn có hiệu quả; hay có năng lực thiết chế về quản lý không đạt yêu cầu cho việc phòng ngừa hiện tượng quá liều lĩnh bất chấp rủi ro hay lạm dụng trong đầu tư.

Tóm lại, nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực hiện nay có liên quan chủ yếu đến khâu quản lý nhà nước yếu kém và chỉ ra rằng nên hết sức hạn chế sự tham gia của nhà nước trong việc chỉ đạo đầu tư và phân bổ các nguồn lực trong các ngành thương mại và tăng cường nhiều hơn nữa vai trò của nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi khuyến khích mạnh mẽ phát triển con người, tích luỹ trong nước, phát triển khu vực tư nhân, xuất khẩu và các điều kiện cho thị trường hoạt động một cách có hiệu lực và hiệu quả.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - hướng đi tích cực để phát triển thị trường nông thôn (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w