Những yếu tố tâm lý xã hộ

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 146 - 148)

VI. QUAN HỆ LIÊN NHÂN CÁCH

b)Những yếu tố tâm lý xã hộ

Với tư cách là quan hệ tâm lý giữa các cá nhân, quan hệ liên nhân cách chịu sự tác động của một loạt các yếu tố tâm lý xã hội. Đó là sự gần gũi giữa các cá nhân, sự tương tác và hình ảnh “cái tôi” của các cá nhân.

Sự gần gũi giữa các cá nhân bao hàm sự gần gũi về địa lý và về tâm lý. Sự gần gũi về địa lý thường tạo cơ hội cho sự giao tiếp thường xuyên giữa các cá nhân, từ đó làm nảy sinh sự hiểu biết lẫn nhau, sự gắn bó và đồng nhất lẫn nhau ở mức độ nhất định, đặc biệt trong các trường hợp các cá nhân đó cùng ở trong môi trường lạ, không quen thuộc. Sự gần gũi về địa lý càng gần thì càng tạo điều kiện cho việc hình thành nhiều quan hệ liên nhân cách. Sự gần gũi về địa lý còn tạo ra những sự tương đồng nhất định về tâm lý giữa các cá nhân trong cùng một cộng đồng.

Sự gần gũi giữa các cá nhân về tâm lý trong Tâm lý học xã hội thường được gọi là sự tương hợp tâm lý. Sự tương hợp tâm lý có thể hiểu là sự giống nhau của các đặc điểm tâm lý của các cá nhân và sự thích ứng lẫn nhau dễ dàng giữa các cá nhân. Sự tương hợp tâm lý về thái độ, sở thích, về quan điểm, về cách thức ứng xử... là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các quan hệ liên nhân cách. Các yếu tố đó có thể giúp quan hệ liên nhân cách trở nên gắn bó chặt chẽ hơn. Sự tương hợp tâm lý tạo ra sự hài hòa trong quan hệ mà các cá nhân không cần phải điều chỉnh nhiều để thích ứng với cá nhân khác. Đây được coi là tiền đề tốt cho một quan hệ liên nhân cách bền chặt. Các cá nhân có xu hướng tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các cá nhân khác giống mình. Điều này lại được giải thích bằng cơ chế đồng nhất hóa và nhu cầu được khẳng định bản thân của cá nhân trong đời sống xã hội. Sự giống nhau giữa một số cá nhân tạo điều kiện cho cá nhân cảm thấy sự tự tin, tôn trọng vào bản thân, thúc đẩy cá nhân quan hệ tích cực hơn với các cá nhân giống mình. Tuy nhiên, trong Tâm lý học xã hội cũng có những ý kiến ngược lại cho rằng không chỉ sự tương hợp tâm lý giúp quan hệ liên nhân cách có thể tạo ra và làm tăng cường quan hệ liên nhân cách mà ngay cả sự khác biệt cũng có vai trò nhất định trong việc tạo ra quan hệ liên nhân cách. Không ít khi, sự khác biệt lại tạo ra sự cuốn hút các đối tượng khác trong quan hệ liên nhân cách.

Quan hệ liên nhân cách diễn ra trên cơ sở sự tương tác giữa các cá nhân. Tương tác được hiểu là sự tác động lẫn nhau giữa các cá nhân nhằm thực hiện những mục đích nhất định nào đó. Trong quá trình tương tác, các cá nhân nằm trong sự tác động qua lại trực tiếp, trao đổi thông tin, điều chỉnh, phối hợp hành động với nhau, nhận thức lẫn nhau. Chính trong quá trình này, các đặc điểm tâm lý của cá nhân được bộc lộ, biểu hiện ra bên ngoài và được các cá nhân khác nhận biết. Tính chất của sự tương tác có thể ảnh hưởng đến quan hệ liên nhân cách. Có hai loại tương tác chính: hợp tác và cạnh tranh. Mỗi loại có tính chất riêng. Hợp tác là sự tương tác theo chiều hướng phối hợp hành động, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động. Hợp tác có thể tạo quan hệ liên nhân cách tốt khi các cá nhân tham gia vào quan hệ đó tích cực và thiện chí. Ngược lại, nếu các cá nhân ỷ lại, bị động, sự tương tác sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. Cạnh tranh là loại tương tác giúp cá nhân phát huy tốt nhất tiềm năng của mình, bộc lộ rõ rệt bản thân. Tuy nhiên cạnh tranh với mục đích tiêu cực có thể làm hủy hoại quan hệ liên nhân cách.

Hình ảnh “cái tôi” của mỗi cá nhân là một cấu trúc tâm lý, là biểu tượng của cá nhân về chính bản thân, hình thành nhờ quá trình tự nhận thức, tự đánh giá bản thân. Cái tôi là hạt nhân của hệ thống điều khiển của nhân cách. Nó chi phối thái độ, hành vi của con người trong các quan hệ xã hội. Trong quá trình hoạt động với người khác cái tôi được thể hiện ở 5 phương diện: tính đồng nhất, tính ổn định, quá trình tự ý thức, tự đánh giá về bản thân và ý thức xã hội (theo Shibutani). Tính đồng nhất thể hiện ở hành vi, ứng xử của một cá nhân. Trong cùng một tình huống, một thời điểm, một cá nhân không có những cách ứng xử trái ngược nhau. Cá nhân lựa chọn và hành động theo một lập trường nhất định. Bên cạnh đó, cái tôi tương đối ổn định, nó không dễ dàng thay đổi khi cá nhân thay đổi vai xã hội của mình. Do vậy, xác định được vị trí của bản thân trong các quan hệ với người khác đóng vai trò to lớn đối với việc điều chỉnh quan hệ liên nhân cách. Bên cạnh đó, chính nhờ các quan hệ với người khác, cá nhân có thể hình thành cái tôi ngày càng chính xác hơn.

HƯỚNG VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC VÀ GIÁO DỤC:

Các tri thức tâm lý học xã hội về nhân cách giúp nhận biết các yếu tố chi phối sự phát triển nhân cách, từ đó tác động nhằm phát triển nhân cách của sinh viên trong hoạt động giáo dục. Đồng thời, dựa trên các kiểu nhân cách để có những cách thức ứng xử phù hợp trong quan hệ với sinh viên. Trong hoạt động dạy học và giáo dục cần chú ý:

- Tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách lành mạnh ở sinh viên, giúp sinh viên có được sự thích ứng tốt nhất với hoạt động học tập hình thành nghề nghiệp thông qua việc tổ chức nhóm, tổ chức môi trường hoạt động tích cực, phát huy những điểm mạnh, tính chủ động của sinh viên.

- Phân loại và nhận biết các kiểu nhân cách khác nhau ở sinh viên. Việc đó giúp giảng viên có thể dự đoán được các chiều hướng hành vi ở sinh viên, đồng thời có khả năng dự kiến các tác động hay cách thức ứng xử phù hợp với các kiểu nhân cách. Bên cạnh đó, việc chỉ ra các hình mẫu của các kiểu loại nhân cách xã hội giúp dự đoán và tác động đến sự thích ứng của sinh viên với các tình huống xã hội.

- Chú ý đến sự tác động và các yếu tố chi phối sự hình thành quan hệ liên nhân cách trong quá trình tiến hành các quan hệ xã hội với sinh viên. Một mặt có thể xây dựng quan hệ liên nhân cách tích cực, mặt khác có ý thức thoát khỏi sự chi phối của các quan hệ liên nhân cách trong quá trình vận hành các quan hệ xã hôi.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG VI

1. Nhân cách là gì? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách? Vai trò của các yếu tố đó?

2. Có các thành phần nào tạo nên cấu trúc của nhân cách?

3. Thế nào là kiểu nhân cách xã hội? Ý nghĩa của việc nghiên cứu kiểu nhân cách xã hội? Anh/Chị cho biết có những kiểu nhân cách xã hội nào? Mô tả kiểu nhân cách đó.

4. Phân biệt quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách. Làm cách nào để điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ liên nhân cách?

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 146 - 148)