Bản chất và tác hại của xung đột

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 102 - 104)

III. MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ XÃ HỘI CƠ BẢN TRONG ĐỜI SỐNG TẬP THỂ

b)Bản chất và tác hại của xung đột

Có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của xung đột. Parker Follet cho rằng, xung đột cần phải được hiểu như sự khác biệt - khác biệt về quan điểm và lợi ích.

C Mác viết: Suy cho cùng, mọi mâu thuẫn trong xã hội là mâu thuẫn lợi ích. Chính lợi ích mới là nguồn gốc sâu xa của xung đột. Khi con người có mâu thuẫn lợi ích (có thể

là vật chất hoặc tinh thần) thì rất dễ xảy ra xung đột. Mức độ lợi ích của mỗi bên trong mâu thuẫn sẽ chi phối mức độ xung đột. Nếu lợi ích đối kháng nhau thì xung đột sẽ rất mạnh mẽ và có thể loại trừ nhau. Trong xung đột, mọi người nhận diện ra sự khác biệt giữa mình và với người khác. Tùy mức độ mâu thuẫn lợi ích mà họ nhìn người khác như đối thủ hoặc như kẻ thù.

Tác giả Vũ Dũng cũng cho rằng xung đột là sự khác biệt về quan điểm mục đích, động cơ... khi thực hiện hoạt động nhóm.

Như vậy theo các tác giả, xung đột là do khác biệt về một điều gì đó. Nhưng thực tế, nhiều sự khác biệt không dẫn đến xung đột. Sự khác biệt là tất yếu trong cuộc sống. Mặc dù có sự khác biệt nhưng con người vẫn có thể dung hòa với nhau, nhường nhịn nhau và xử lý các mâu thuẫn bằng hòa giải hoặc một bên chấp nhận sự thua thiệt để giữ lấy sự cân bằng.

Khi có xung đột xảy ra, người ta phải tìm hiểu ngay lợi ích mỗi bên để xác định mức độ xung đột. Nhìn hình thức bên ngoài, có khi chỉ là vấn đề quan điểm về một vấn đề gì đó. Nhưng bên trong có thể là sự khẳng định bản thân của mỗi người (lợi ích tinh thần).

Từ các phân tích trên có thể thấy, bản chất của xung đột là các mâu thuẫn lợi ích giữa các thành viên của nhóm hoặc của các bộ phận trong nhóm. Điều hòa các lợi ích cho phù hợp là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa xung đột xảy ra.

Xung đột có tác hại rất lớn đến nhóm và mỗi cá nhân. Khi nhóm có xung đột, bầu không khí của nhóm bị phá vỡ. Môi trường sống yên bình của cá nhân bị đảo lộn làm người ta sống trong trạng thái căng thẳng, không có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Sau mỗi lần xung đột cá nhân phải mất thời gian thể nghiệm lại bản thân nên vừa mất thời gian vừa bị phân tán tư tưởng trong công việc. Do đó, những người bị lôi kéo vào xung đột sẽ làm việc kém hiệu quả và dễ gây tai nạn vì không tập trung.

Đối với toàn nhóm, khi có xung đột, nhóm không thể thống nhất ý kiến và hành động nên năng suất lao động sẽ giảm đi, mọi người dễ nghi kị nhau.

Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng có những xung đột mang tính tích cực, thông thường đó là xung đột đơn thuần về ý kiến, phương thức hoạt động, không phải là các xung đột lợi ích. Các xung đột được gọi là tích cực có thể đem lại một động lực mới cho

sự phát triển của một nhóm. Dạng xung đột này có thể giúp nhóm thoát khỏi trạng thái ỳ, khi các cá nhân đồng thuận đến mức bị động.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 102 - 104)