IV. KHÁT NIỆM CHUNG VỀ NHÓM NHỎ 1 Khái niệm nhóm nhỏ
4. Chức năng nhóm
Vấn đề chức năng của nhóm cũng được các nhà nghiên cứu tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Giải quyết vấn đề này góp phần lý giải các nguyên nhân thúc đẩy một cá nhân tham gia vào nhóm cũng như chỉ ra chiều hướng vận động và phát triển của nhóm. Trong nhiều cách tiếp cận vấn đề này đáng chú ý là cách tiếp cận sinh học xã hội, tiếp cận nhu
cầu tâm lý và quan hệ xã hội, tiếp cận chức năng và tiếp cận mô hình 5 chức năng lớn (Big five model).
Ngay trong công trình đầu tiên - Nhập môn Tâm lý học xã hội (1908) Mc.Dougall đã đưa ra cách tiếp cận sinh học xã hội để lý giải sự hình thành nhóm. Ông cho rằng: Bản năng bầy đàn dẫn dắt con người tham gia vào nhóm. “Chúng ta thường nói rằng sự buồn chán của nông thôn thúc đẩy con người vào thành phố. Nhưng cách hiểu như vậy không đúng với sự thật. Chính đám đông trong thành phố - bầy đàn người khổng lồ lôi kéo, hấp dẫn những người đứng ngoài nó” (Allport, 1994). Cộng đồng xã hội được coi là bầy đàn mặc dù đó là cộng đồng xã hội. Những cái lôi cuốn cá nhân tham gia vào nhóm không có tính chất xã hội của cộng đồng đó mà là tính chất tự nhiên, bản năng có ở mỗi cá thể. Rõ ràng cách tiếp cận này đề cao bản năng sinh học của con người. Nó chưa chỉ ra được bản chất xã hội của nhóm xã hội, cũng như chưa chỉ ra được chức năng của nhóm.
Cách tiếp cận thứ hai tương đối phổ biến. Đó là tiếp cận nhu cầu tâm lý và quan hệ xã hội. Cơ sở của cách tiếp cận này là các nhu cầu tâm lý của cá nhân và phương thức thỏa mãn xã hội của nó. H.Murray (1938) với thuyết nhu cầu tâm lý cho rằng tham gia vào hệ thống hai người giúp các cá nhân có thể thỏa mãn được nhu cầu nào đó của mình. A.Maslow trong tháp nhu cầu nổi tiếng của mình có đưa ra “nhu cầu thuộc về một nhóm xã hội”. Theo cách tiếp cận này, chức năng của nhóm nhỏ xã hội là tạo điều kiện cho sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý của cá nhân. Cách tiếp cận này đã chỉ ra được một khía cạnh trong các chức năng của nhóm nhỏ, một khía cạnh tương đối nổi bật. Tuy vậy nhìn nhận nhóm xã hội chỉ từ góc độ cá nhân riêng lẻ đồng nghĩa với việc đánh mất ngữ cảnh xã hội của nhóm. Phân tích chức năng của nhóm không chỉ tập trung vào chức năng của nhóm đối với cá nhân mà còn cần phải chú ý đến chức năng của nhóm như là một chủ thể xã hội.
Tiếp cận chức năng nhìn nhận vấn đề một cách khái quát hơn: nhóm là nguồn cho sự tồn tại xã hội của con người. Nó cung cấp các nguồn lực cần thiết cho sự tồn tại và phát triển con người xã hội. Trong cách tiếp cận này mô hình 5 chức năng lớn (Big five Function) của nhóm do Donelson R. đề xuất rất đáng được lưu ý:
1. Nhóm tạo điều kiện cho các cá nhân có cơ hội tiếp xúc và tạo lập quan hệ với các cá nhân khác trong một mạng lưới xã hội có tổ chức. (Belonging)
2. Nhóm tạo cơ hội cho những mối quan hệ thân thiện, gắn bó, tạo điều kiện cho sự phát triển nhóm làm việc gắn bó. (Intimacy)
3. Nhóm tạo điều kiện cho tính hiệu quả, thành công, kiểm soát nguồn lực và định hướng công việc. (Generativity)
4. Nhóm tạo ra sự ổn định về Tâm lý, giảm lo hãi, tạo cảm giác an toàn, tăng cường lòng tự trọng... (Stability)
5. Nhóm tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sàng lọc các ý tưởng, tự phát triển bản thân, hiểu bản thân và người khác, tăng cường liên hệ liên nhân cách (Adaptability) (Myer D.G. 1996).
Mô hình 5 chức năng lớn của nhóm có một số ưu điểm:
- Chỉ ra vị trí của nhóm trong mạng lưới các quan hệ xã hội, coi nhóm là một mắt xích trong mạng lưới đó. Cá nhân tham gia vào nhóm cũng chính là tham gia vào mạng lưới các quan hệ xã hội.
- Bên cạnh chức năng tạo ra những mối quan hệ xúc cảm quan hệ tâm lý liên nhân cách - như xu hướng chung của Tâm lý học xã hội phương Tây nhấn mạnh đến các quan hệ xúc cảm trong nhóm - mô hình này đã đề cập tới chức năng tổ chức hoạt động của nhóm.
- Chỉ ra sự gắn kết nhóm nằm trong bản chất nhóm, xuất hiện trong cuộc sống nhóm chứ không phải sự gắn kết có từ ban đầu, bên ngoài. Sự cố kết trong nhóm là kết quả của quá trình hoạt động nhóm.
Tuy vậy hạn chế ở đây cũng chính là việc chưa xem nhóm là một đơn vị xã hội thực hiện một chức năng xã hội nhất định, trên cơ sở đó nhóm thực hiện các chức năng khác của mình.