Quan hệ xã hộ

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 141 - 142)

VI. QUAN HỆ LIÊN NHÂN CÁCH

a)Quan hệ xã hộ

Nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội, cũng có nghĩa là nghiên cứu cá nhân trong các nhóm, trong các quan hệ xã hội. Nói cách khác là nghiên cứu cá nhân trong hệ thống chung các mối quan hệ xã hội, trong một số “ngữ cảnh xã hội”. “Ngữ cảnh” này bao gồm hệ thống các mối quan hệ thực của nhân cách với thế giới khách quan. Xác nhận các mối quan hệ có nghĩa là thực hiện nguyên tắc chung về phương pháp luận - nghiên cứu con người trong sự liên hệ với môi trường xung quanh. Nhưng nội dung, mức độ các mối quan hệ của con người với thế giới khách quan lại rất khác nhau bởi vì mỗi cá nhân lại là chủ thể của rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Trong sự đa dạng đó có thể có thể chia ra làm hai loại mối quan hệ: quan hệ xã hội và quan hệ “tâm lý” của nhân cách - quan hệ liên nhân cách.

Cấu trúc quan hệ xã hội được bộ môn Xã hội học nghiên cứu. Trong lý thuyết của khoa học, Xã hội học đã đưa ra rất nhiều loại quan hệ xã hội: quan hệ kinh tế, quan hệ pháp quyền, quan hệ chính trị... Tổng hoà các mối quan hệ này tạo nên quan hệ xã hội. Đặc trưng của quan hệ xã hội được biểu hiện ở chỗ, trong các mối quan hệ này không chỉ đơn giản là cá nhân “gặp gỡ” với cá nhân hay cá nhân “quan hệ” với cá nhân khác mà những cá nhân này với tư cách là những người đại diện cho các nhóm xã hội nhất định (đại diện cho giai cấp nghề nghiệp, các tổ chức chính trị, đảng phái...). Do vậy, có thể hiểu:

quan hệ xã hội là quan hệ giữa các cá nhân với tư cách đại diện cho một nhóm xã hội, do xã hội quy định một cách khách quan vai trò của mỗi cá nhân trong nhóm. Ví dụ: thầy - trò; người mua - người bán; thủ trưởng - nhân viên.

Đặc trưng cơ bản của quan hệ xã hội là các mối quan hệ này được thiết lập không phải dựa trên nền tảng có thiện cảm hay không thiện cảm của các cá nhân mà dựa trên cơ sở về vị trí nhất định của mỗi cá nhân trong xã hội, trên cơ sở những chức năng, hành vi mà cá nhân phải thực hiện khi đứng ở vị trí đó (gọi là vai xã hội). Bởi vậy, các mối quan hệ này được xã hội quy định một cách khách quan. Đây là mối quan hệ giữa các nhóm xã hội hay giữa các cá nhân với tư cách là những đại diện các nhóm xã hội đó. Điều này nói lên rằng quan hệ xã hội không có tính bản sắc. Bản chất của các mối quan hệ này không nằm trong sự tác động qua lại giữa các nhân cách mà nằm trong sự tác động qua lại giữa các vai trò xã hội.

Trong thực tế, mỗi cá nhân đảm nhiệm không chỉ một vai trò mà là nhiều vai xã hội: Họ có thể là một giáo viên, một người bố, là một thành viên một câu lạc bộ, là một trưởng họ... Có những vai xã hội được quy định trước cho con người từ khi mới sinh ra (ví dụ là nam hay nữ), những vai xã hội khác được hình thành trong cuộc sống. Mặc dù vậy, bản thân vai xã hội không quyết định hoạt động và hành vi của mỗi người mà tất cả những điều đó phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân và sự nhập vai của cá nhân đó. Sự nhập vai mang màu sắc cá nhân rõ rệt vì được xác định bằng hàng loạt các đặc điểm tâm lý cá nhân của người mang vai đó. Bởi vậy các quan hệ xã hội, mặc dù thực chất là các quan hệ theo vai, không phải là quan hệ nhân cách, nhưng trong thực tế, trong mỗi sự biểu hiện cụ thể vẫn có “sắc thái nhân cách”. Trở thành nhân cách trong hệ thống các quan hệ xã hội, con người nhất định phải tham gia vào quá trình tác động qua lại, vào quá trình giao tiếp vì thông qua các quá trình đó những đặc tính cá nhân nhất định được biểu hiện. Bởi vậy mỗi vai trò xã hội không có nghĩa là sự định trước tuyệt đối của hành vi, mà nó thường xuyên giữ lại một vài “phạm vi cơ hội” cho người thực hiện. Ta có thể ước lệ gọi đó là “phong cách nhập vai”. Chính phạm vi này trở thành nền tảng để xây dựng các quan hệ khác bên trong của hệ thống quan hệ xã hội - quan hệ liên nhân cách.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 141 - 142)