Khái niệm xâm kích

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 114 - 116)

III. SỰ XÂM KÍCH

1. Khái niệm xâm kích

Khái niệm xâm kích được đưa ra gắn liền với giả thuyết ban đầu: sự có mặt của hành vi xâm kích luôn đi kèm với sự hụt hẫng và ngược lại sự tồn tại của sự hụt hẫng luôn dẫn đến một hình thức xâm kích nào đó. Giả thuyết này được triển khai với bốn khái niệm cơ bản:

- Sự hụt hẫng: đó là các điều kiện bất kì ngăn cản việc cá nhân đạt đến mục đích mong muốn.

- Sự xâm kích: hành vi có mục đích là xóa bỏ hay làm giảm đi những cản trở hụt hẫng.

- Sự kiềm chế: xu hướng hạn chế hành động để giảm bớt những hậu quả có thể có trong chính bản thân hành động. Đồng thời nó lại có thể trở thành một sự hụt hẫng mới.

- Sự xâm kích pha trộn: sự xâm kích không hướng tới nguồn gốc trực tiếp của sự hụt hẫng mà hướng tới một đối tượng khác. Đặc trưng này được phân tích trong mô hình xung đột của Miller. Sự pha trộn hay “dịch chuyển” theo thuật ngữ của Phân tâm học được Miller hiểu như một trường hợp khái quát hóa các kích thích. Nhiều hành vi xã hội khác như các hành vi đạo đức cũng được giải thích theo cách này.

Sau này, cùng với các kết quả nghiên cứu mới, các tác giả chỉnh sửa lý thuyết này và cho rằng xâm kích là một hiện tượng tự nhiên không nhất thiết là hệ quả của sự hụt hẫng. Nhờ kết quả của sự học có thể có được các đáp ứng phi xâm kích với các hụt hẫng. (Ví dụ: trẻ được dạy cách kiềm chế bản thân). Tuy nhiên, sự xâm kích vẫn được coi như là một phản ứng nổi trội đối với hụt hẫng và hụt hẫng vẫn được xem xét như là nhân tố diễn ra trước sự xâm kích.

Lý thuyết về xâm kích và hụt hẫng bị phê phán từ nhiều hướng: với các thực nghiệm động thái nhóm, K.Lewin, Zimbardo cho thấy có thể có các phản ứng khác đối với hụt hẫng chứ không chỉ sự xâm kích. A.Maslow, Rozenweig thì cho rằng sự hụt hẫng không phải là nhân tố duy nhất dân tới sự xâm kích. Có nhiều nhân tố dẫn tới sự xâm kích, ví như sự nhục mạ hay đe dọa có thể gây ra sự xâm kích chứ không chỉ sự hụt hẫng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra tính chất phức tạp trong mối quan hệ giữa sự trừng phạt và sự xâm kích. “Phụ thuộc vào tính chất và sự tác động qua lại với các yếu tố khác, sự trừng phạt có thể làm tăng cường hoặc làm giảm thiểu, thậm chí không tạo ra tác động nào đến hành vi của cá nhân”. (Bandura, 1973, p34).

Từ những góc độ xem xét khác, các nhà tâm lý học đưa ra những quan niệm khác nữa về xâm kích. Có thể dẫn ra một số quan niệm:

J.P.Chaplin cho rằng: xâm kích là sự tấn công (attack); là hành động không thân thiện chống lại một cách trực tiếp con người hoặc một đối tượng nào đó.

S.Freud cho rằng xâm kích là sự biểu hiện hoặc phóng chiếu một cách có ý thức của bản năng về cái chết. Còn theo A.Adler, xâm kích là sự biểu hiện của ý chí về quyền lực đối với người khác. Nhà tâm lý học Mỹ A.H.Murray cho rằng xâm kích là nhu cầu tấn công hoặc xúc phạm đến người khác để hạ thấp, làm tổn thương, nhạo báng hoặc buộc tội người đó.

Albert Bandura đưa ra quan niệm về xâm kích rất ngắn gọn. Theo tác giả xâm kích là hành vi mang lại hậu quả tiêu cực. Vì thế, những hành vi tiêu cực được xem là sự xâm kích. Hai nhà Tâm lý học xã hội Berkowitz (1965) và Fesbach (1971), đã phân chia hai hình thức của xâm kích: Xâm kích phương tiện và xâm kích thù địch. Xâm kích phương tiện có mục đích là tìm cách thu lấy lợi ích ở người khác hơn là gây tổn thương cho họ. Xâm kích thù địch có mục đích là gây ra sự tổn thương hoặc sự đau khổ một cách có chủ tâm đối với người khác. Như vậy xâm kích là một hành vi có tính chất làm hại con người hoặc phá hủy một đối tượng nào đó thuộc quyền người khác.

Từ các quan niệm trên, chúng ta có thể hiểu xâm kích là hành vi tấn công người khác hoặc những tài sản thuộc quyền người khác với mục đích làm hại họ.

Người có hành vi xâm kích có thể tấn công trực tiếp hoặc có thể gián tiếp người khác có thể dùng lời lẽ hoặc hành động để làm hại người khác. Hành vi xâm kích có thể mang lại lợi ích cho chủ thể hành vi, hoặc có thể để thỏa mãn một nhu cầu, động cơ nào

đó. Dù xem xét dưới góc độ nào thì xâm kích cũng được xem là hành vi gây hại cho người khác. Đôi khi người ta có thể ngụy biện cho hành vi xâm kích của mình nhưng về cơ bản, so với các chuẩn mực xã hội nói chung, hành vi xâm kích bị lên án và phê phán.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 114 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)