Khái niệm sự cố kết

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 83 - 86)

II. SỰ CỐ KẾT TRONG TẬP THỂ 1 Khái niệm và vai trò của sự cố kết

a) Khái niệm sự cố kết

Trong Tâm lý học xã hội có nhiều cách tiếp cận và nhiều quan niệm khác nhau về sự cố kết nhóm. Tuy nhiên có thể khái quát thành 3 cách tiếp cận chính như sau:

* Cách tiếp cận thứ nhất: Coi nhóm là một hệ thống các quan hệ liên nhân cách được hình thành trên cơ sở xúc cảm. Do vậy, sự cố kết được hiểu là sự cố kết về mặt xúc cảm. Những xúc cảm tích cực giữa các thành viên trong nhóm có tác dụng liên kết, ràng buộc họ với nhau. Ngược lại, những xúc cảm tiêu cực là rào chăn cản trở các quan hệ liên nhân cách và thậm chí phá hủy các mối quan hệ đó. Đây là quan điểm phổ biến trong Tâm lý học xã hội phương Tây. Từ cách tiếp cận này có một loạt các phương án định nghĩa sự cố kết nhóm khác nhau:

Phương án thứ nhất - quan điểm trắc đạc xã hội - coi sự cố kết đồng nhất với các quan hệ xúc cảm, thể hiện sự ở thân thiện hay không thân thiện giữa thành viên. Để xác định mức độ cố kết, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái này sử dụng trắc đạc xã hội và từ đó tính chỉ số cố kết nhóm. Hạn chế lớn nhất trong phương pháp này là nội dung và động cơ của sự lựa chọn giữa các thành viên trong nhóm bị bỏ qua.

Phương án thứ hai, coi sự cố kết nhóm đồng nhất với sự hấp dẫn giữa các cá nhân và được quy định bởi sự hấp dẫn giữa các thành viên. A.Lot & B.Lot định nghĩa sự cố kết nhóm: “Là thuộc tính của nhóm, là kết quả của số lượng và chất lượng của các thái độ đối

xử tích cực lẫn nhau giữa các thành viên nhóm” (Lot & Lot, 1976). Bên cạnh đó, một loạt các biến số tạo nên tổ hợp các nguyên nhân của sự cố kết được xác định bao gồm: tần suất tác động qua lại giữa các cá nhân, tính chất hợp tác trong sự tác động qua lại, phong cách lãnh đạo nhóm, sự hụt hẫng và nguy cơ từ các nhóm khác... Bản thân tác giả của cách định nghĩa này cũng thừa nhận định nghĩa chỉ đề cập tới một khía cạnh của sự cố kết nhóm. Rõ ràng, định nghĩa sự cố kết nhóm chỉ dựa vào sự hấp dẫn liên nhân cách là chưa dầy đủ và chưa chỉ ra được bản chất thực sự của nó. Sự cố kết nhóm theo cách lý giải này chỉ đơn thuần là một hiện tượng xúc cảm. Nó không đủ để lý giải sự thống nhất của một nhóm xã hội.

Phương án thứ ba do L.Festinger đề xuất. L.Festinger cho rằng: “Sự cố kết nhóm là tổ hợp các lực tác động đến các thành viên để giữ họ lại trong nhóm” (Myer D.G. 1996). Các lực được hiểu là sự hấp dẫn của nhóm đối với cá nhân hay là sự hài lòng của cá nhân đối với nhóm. Tất cả các nhân tố tạo ra sự hấp dẫn cá nhân đều đóng góp cho sự cố kết nhóm. Sự cố kết nhóm là sức mạnh của sự hấp dẫn nội nhóm. Trong cách hiểu này sự cố kết nhóm cũng chủ yếu được khai thác ở khía cạnh xúc cảm.

* Cách tiếp cận thứ hai: Coi sự cố kết nhóm đồng nhất với sự hấp dẫn giữa các thành viên nhưng lý giải sự hấp dẫn đó không phải dựa trên các xúc cảm giữa các cá nhân đơn thuần mà dựa trên tổ hợp các động cơ thúc đẩy cá nhân tiếp tục duy trì là một thành viên của nhóm. Quan điểm này do D.Cartwright đưa ra, được gọi là cách tiếp cận nhu cầu động cơ đối với nhóm. Trong mô hình của D.Cartwright sự cố kết nhóm được quy định bởi một tổ hợp các biến số như: các nhu cầu và giá trị của chủ thể, sự kì vọng hay chờ đợi của chủ thể về những điều kiện thuận lợi hay khó khăn mà nhóm đem lại, đánh giá chủ quan về hệ quả của việc tham gia vào nhóm, các tính chất của nhóm có ý nghĩa đối với nhu cầu và động cơ của chủ thể (Zaden J.V. 1994).

Theo mô hình nêu trên, động cơ trở thành thành viên nhóm chủ yếu được quy định bởi các đặc điểm nhân cách của cá nhân chứ không phải được quy định bởi các thuộc tính của nhóm. Các đặc trưng của nhóm chỉ có thể có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy cá nhân ở lại với nhóm khi các đặc trưng đó đáp ứng được các nhu cầu tương ứng của cá nhân. Một gợi ý rất quan trọng cho việc nghiên cứu sự cố kết nhóm từ ý tưởng này của D.Cartwring là cần nghiên cứu sự tương ứng giữa 2 dãy biến số: đặc trưng của nhóm và đặc trưng nhu cầu của cá nhân.

Tiếp tục phát triển quan điểm này, M.Robert và F.Tilman cho rằng: một thành viên tham gia tương tác với các thành viên khác khi họ có được sự thỏa mãn từ sự tương tác đó. Sức mạnh lôi cuốn của nhóm chính là ở chỗ nhóm có thể giúp cá nhân thỏa mãn cả những nhu cầu riêng và các nhu cầu chung.

Từ đó có thể hiểu như sau: Sự cố kết là sự bền chặt của các mối quan hệ giữa các

thành viên nhóm như một chính thể được tạo thành bởi sự hấp dẫn xúc cảm lẫn nhau sự thống nhất các giá trị, mục đích nhóm, được quy định bởi hoạt động cùng nhau của nhóm.

Khái niệm này coi sự cố kết như là một chỉnh thể. Sự cố kết không phải là sự cố kết theo một loại quan hệ riêng lẻ, độc lập tách rời với các quan hệ khác trong tập thể. Trong tập thể đồng thời tồn tại các quan hệ công việc và quan hệ liên nhân cách. Mỗi kiểu quan hệ đều có sự bền chặt (hoặc ít bền chặt hơn) của nó. Các quan hệ đó trong tập thể không tồn tại tách biệt, song song mà đan xen vào nhau, thâm nhập vào nhau. Trong quan hệ công việc có quan hệ liên nhân cách, trong quan hệ liên nhân cách không loại trừ yếu tố công việc. Chính sự đan xen các quan hệ khác nhau này tạo nên một nhóm nhỏ với tư cách là một chỉnh thể Tâm lý sống động. Do vậy, sự cố kết nhóm phải được coi là một chỉnh thể, là sự bền chặt của các quan hệ trong nhóm nhỏ. Đồng thời chính sự bền chặt của các loại quan hệ khác nhau tạo ra sự tương tác, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên nhóm. Điều này tạo ra một “ranh giới” nhóm nhỏ - như là 1 hệ thống - tương đối độc lập với các nhóm nhỏ khác. Cách hiểu này không quy sự cố kết nhóm nhỏ về một loại quan hệ cụ thể, cho nên nó tạo điều kiện để có thể thấy được “tính trồi” của sự cố kết nhóm mà sự cố kết của các loại quan hệ riêng lẻ trong nhóm không có được.

Bên cạnh đó, khái niệm này cũng đã đề cập đến các phần tử (các yếu tố) tạo ra sự cố kết chỉnh thể. Có thể gọi đó là các thành tố của sự cố kết, bao gồm: sự hấp dẫn xúc cảm giữa các thành viên, sự thống nhất các giá trị và sự thống nhất mục đích. Mỗi thành tố này tạo ra một sức mạnh riêng để lôi cuốn, duy trì, giữ các thành viên lại với nhóm. Với tư cách là các cố kết thành phần, chúng có tính chất, vai trò không giống nhau trong việc tạo ra sự cố kết chỉnh thể. Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là chúng tác động qua lại, chuyển hóa và bổ sung cho nhau để tạo ra chất lượng mới mà từng cố kết thành phần không thể có.

Khái niệm này cũng được xây dựng trên nguyên tắc hoạt động, coi nhóm là một chủ thể hoạt động và là một chỉnh thể tâm lý. Trong Tâm lý học xã hội, nhóm cũng như nhân

cách, được xem xét với tư cách là chủ thể lựa chọn các mục đích, các giá trị. Sự cố kết nhóm nhỏ được hình thành và phát triển cùng với hoạt động của nhóm. Điều này phù hợp với quan niệm của tâm lý học hoạt động về sự hình thành và phát triển của các hiện tượng tâm lý. Nếu coi nhóm là một chủ thể hoạt động rõ ràng cố kết nhóm là một hiện tượng tâm lý nhóm chứ không phải là các hiện tượng tâm lý cá nhân và hiện tượng tâm lý đó sẽ được hình thành và phát triển trong hoạt động của chủ thể - nhóm nhỏ. Cách hiểu này giúp hạn chế được sự phụ thuộc thái quá vào trắc đạc xã hội như một cách thức duy nhất để có được sự cố kết cao trong nhóm. Đồng thời nó gợi ý một hướng tác động đến nhóm để có được sự cố kết thực sự bền vững - tác động thông qua hoạt động nhóm.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)