IV. KHÁT NIỆM CHUNG VỀ NHÓM NHỎ 1 Khái niệm nhóm nhỏ
2. Quy mô nhóm
Quy mô nhóm là một khía cạnh gắn liền với định nghĩa nhóm nhỏ, bởi lẽ tính chất “nhỏ” hay “lớn” về mặt số lượng phần nào thể hiện ở ngay quy mô của nó. Đề cập tới quy mô nhóm, trong Tâm lý học nhóm nhỏ các tác giả thường đề cập tới giới hạn trên và giới hạn dưới về số lượng các thành viên của nhóm. Đến nay còn nhiều quan niệm khác nhau về quy mô nhóm.
Về giới hạn dưới: Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng với hai thành viên là có thể tạo ra một nhóm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng: nhóm hai người chỉ có thể coi là một dạng đặc biệt của nhóm nhỏ xã hội nói chung chứ không phải là một mô hình tiêu biểu của nhóm nhỏ xã hội. Nhóm hai người không phản ánh được một cách đầy đủ sự phức tạp của các quan hệ liên nhân cách, cũng như sự tác động qua lại đa chiều giữa các cá nhân trong nhóm. Do vậy, tồn tại quan niệm khác khẳng định chỉ có thể nói đến một nhóm nhỏ khi có từ ba thành viên trở lên. Đến nay giới hạn dưới của nhóm nhỏ là bao nhiêu vẫn là câu hỏi còn chưa có được câu trả lời hoàn toàn thống nhất. Tuy vậy một cách phổ biến, nhóm nhỏ vẫn được coi là bắt đầu với hai thành viên.
Cũng giống như với giới hạn dưới, vấn đề giới hạn trên cũng có nhiều quan điểm khác nhau: Có quan niệm cho rằng số lượng thành viên tối đa có thể là 20 (M.Shaw), hay 30, 40 (J.Moreno). Các tác giả khác lại đưa ra con số là 7 ± 2. Số lượng thành viên thuộc giới hạn trên do các tác giả nêu ra chưa có được các cơ sở lý luận vững chắc.
Coi nhóm nhỏ là một đơn vị xã hội, các nhà tâm lý học xã hội theo quan điểm hoạt động cho rằng: số lượng các thành viên trong một nhóm được quy định bởi chức năng mà nhóm thực hiện trong các mối quan hệ xã hội. Nói cách khác số lượng thành viên của nhóm nhỏ không phải được xác định một cách chủ quan mà phải dựa vào sự tồn tại thực tế của nó trong đời sống hiện thực xã hội. Nếu nhóm nhỏ được nghiên cứu, trước tiên, cần phải là nhóm tồn tại hiện thực và nếu nó được xem xét như là chủ thể của hoạt động thì một cách lôgic là không đưa ra một giới hạn cứng nhắc nào đó mà chấp nhận nhóm như chính bản thân quy mô hiện thực của nó, được quy định bởi nhu cầu hoạt động chung của nhóm. Nói cách khác, nếu nhóm được hình thành trong một hệ thống nhất định các mối quan hệ xã hội với quy mô cụ thể nào đó và nó đủ để thực hiện một hoạt động nhất định thì trong nghiên cứu có thể thừa nhận chính giới hạn đó là giới hạn trên. Quan niệm này đảm bảo tính linh hoạt khi tiếp cận với nhóm nhỏ tồn tại hiện thực trong đời sống xã hội. Quan niệm này cũng nhấn mạnh đến tính chỉnh thể của nhóm chứ không khai thác vào khía cạnh số lượng đơn thuần của các thành viên nhóm.