II. CẤU TRÚC CỦA NHÂN CÁCH
a) Khái niệm vai xã hộ
Khi tham gia vào các nhóm, các quan hệ xã hội, cá nhân phải thực hiện các vai xã hội. Quan hệ xã hội thực chất là quan hệ giữa các vai xã hội.
Việc phân tích tâm lý xã hội về vai xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu hành vi xã hội của con người. Do vậy, vấn đề này được cả các nhà tâm lý học xã hội rất quan tâm. Đến cuối những năm 60 của thế kỉ XX, trong Tâm lý học xã hội có đến hàng trăm các nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về vấn đề này.
G.Mead đề cập đến vai xã hội trong tương tác xã hội như là một điều kiện: tiếp nhận vai của người khác, tức là nhìn nhận bản thân từ vị trí của người khác trong quá trình giao tiếp. Sau này các nhà tâm lý học xã hội theo định hướng tương tác tiếp tục sử dụng khái niệm này. Trong tâm lý học phương tây khái niệm này cũng được sử dụng phổ biến.
Linton là nhà nhân học xã hội có đóng góp lớn cho sự phát triển lý thuyết vai. Theo ông cần đề cập đến 2 khái niệm “vị trí” và “vai”. Vị trí là vị trí mà cá nhân chiếm giữ trong hệ thống, còn vai dùng để chỉ tất cả các hình mẫu hành vi văn hóa liên quan đến vị trí đó. Như vậy, vai bao hàm các thái độ, giá trị và các hành vi được xã hội yêu cầu (định trước) cho tất cả các cá nhân ở vị trí đó. Vai chính là mặt năng động của vị trí.
Vai xã hội là khái niệm phức tạp. Có thể có 2 mặt: mặt xã hội học của nó như là mặt nội dung hoạt động và chuẩn mực hành vi không bao hàm tính chủ thể do xã hội quy định để thực hiện chức năng xã hội; mặt khác là mặt tâm lý xã hội liên quan đến các nhân tố của chủ thể trong việc thực hiện các vai xã hội như cơ chế tâm lý xã hội và các quy luật của việc tiếp nhận và thực hiện vai xã hội.
Bên cạnh đó còn tồn tại một số quan điểm sau:
* Quan điểm thứ nhất: Những người theo quan điểm này cho rằng vai trò như cái mặt nạ đeo cho các thành viên của xã hội. Vai trò xã hội có tính chất bề ngoài nên về cơ bản mọi thành viên trong xã hội đều là con rối. Khi đóng vai trò xã hội thì không nói lên bản chất thật của con người.
Các thành viên không thực, thay đổi luôn và trong từng giai đoạn cuộc đời ta đóng nhiều vai trò nên con người không cố định. Vai trò xã hội là hời hợt bên ngoài, ngụy trang nên chỉ gây tác hại cho con người.
Đây là quan điểm quá nhấn mạnh đến tính thụ động của con người. Tất nhiên vai trò chi phối con người nhưng con người là người tổ chức xã hội là chủ thể của các vai trò. Trong thực tế có nhiều người do không toại nguyện nên đóng vai một cách hời hợt nhưng cơ bản là con người còn là chủ thể của các vai trò nên con người có tính chủ động trong đó.
* Quan điểm thứ hai: Đây là quan điểm phi lịch sử, duy tâm về vai trò, cho là vai trò ở thời đại nào, xã hội nào cũng như nhau (giáo viên thời đại nào cũng thế). Nam Cao: “Tây mặc Tây, ta mặc ta, thuốc cứ thuốc”.
Quan điểm này sai ở chỗ đây chỉ là bề ngoài. Đúng là chức năng người thầy vẫn là giảng dạy và giáo dục nhưng mỗi chế độ sẽ có nội dung khác nhau do mục đích và phương tiện khác nhau chưa nói đến chức năng của người thầy ngày nay khác với người thầy trước kia. Do đó vai trò có tính lịch sử và giai cấp.
Từ những những phân tích nêu trên, có thể đi đến một cách hiểu như sau:
Vai xã hội của cá nhân là toàn bộ những hành động mà xã hội đòi hỏi và mong nơi ở mỗi cá nhân khi người đó giữ một vị trí nhất định trong hệ thống quan hệ xã hội để thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Ví dụ: Giáo viên, bác sĩ, cha mẹ - con, thủ trưởng - nhân viên là vai xã hội.
Có thể chỉ ra các khía cạnh của vai xã hội như sau: (từ các công trình của nhiều tác giả).
- Vai xã hội như là hệ thống các kì vọng của các cá nhân khác đối với các hành vi của cá nhân chiếm giữ một vị trí trong xã hội, trong quan hệ với những người khác.
- Vai xã hội như hệ thống các kì vọng đặc trưng trong quan hệ đối với chính bản thân của cá nhân chiếm giữ một vị trí nhất định trong xã hội, tức là chính cá nhân hình dung về mô hình hành vi của bản thân trong sự tương tác với người khác.
- Vai xã hội như hành vi của cá nhân chiếm giữ một vị trí xã hội có thể quan sát thấy.
Như vậy, vai trò xã hội là sự xác nhận về vị trí của cá nhân trong hệ thống quan hệ xã hội. Vai trò xã hội còn được hiểu là chức năng, hình ảnh chuẩn mực của hành vi mà qua đó thể hiện sự mong muốn của xã hội đối với cá nhân, khi cá nhân đảm nhận vị trí nhất định trong hệ thống các quan hệ xã hội. Những mong muốn này không phụ thuộc vào ý thức và hành vi của cá nhân cụ thể. Với cách hiểu về vai trò xã hội như vậy chúng ta thấy rằng, bản chất ở đây không những chỉ là việc ghi nhận quyền lợi và nghĩa vụ của vai trò xã hội mà còn là sự liên hệ của vai trò xã hội với các loại hoạt động xã hội của nhân cách. Có thể nói rằng, vai trò xã hội là một loại hình hoạt động cần thiết và phản ánh phương thức hành vi của nhân cách tương ứng với những tiêu chuẩn được quy định bởi vị trí hay chỗ đứng của cá nhân ấy trong xã hội. Ngoài ra, trên vai trò xã hội còn in đậm những dấu ấn của xã hội: xã hội có thể tán thành hay không tán thành một số vai trò xã hội (ví dụ xã hội không tán thành vai trò “tội phạm”). Đôi khi sự tán thành hay không tán thành đó có thể được phân hóa ở các nhóm xã hội khác nhau, bởi vì trong sự đánh giá đó còn tùy thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm xã hội của từng nhóm xã hội. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là xã hội tán thành hay không tan thành không phải một khuôn mặt cụ thể mà trước hết là sự tán thành hay không tán thành một loại hình hoạt động xã hội. Tóm lại, khi nói đến vai
xã hội, chúng ta đã “xếp” con người vào một nhóm xã hội nhất định, đồng nhất nó với nhóm.