III. MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ XÃ HỘI CƠ BẢN TRONG ĐỜI SỐNG TẬP THỂ
3. Ảnh hưởng của nhóm đối với hành vi của cá nhân
Ảnh hưởng của nhóm đối với hành vi của cá nhân đã được phân tích nhiều ở các phần khác nhau của tài liệu này. Mỗi nhóm đều theo đuổi những giá trị nhất định, có những chuẩn mực nhất định. Các cá nhân tham gia vào nhóm đều phải tuân theo các chuẩn mực và bảo vệ các giá trị chung đó. Vì thế, cũng giống như sống trong một môi trường văn hóa, con người phải có hành vi phù hợp với chuẩn mực chung. Có thể xem xét ảnh hưởng của nhóm đối với hành vi của cá nhân trong hai lĩnh vực: trong công việc và trong thảo luận nhóm.
- Trong công việc thực nghiệm của các nhà tâm lý học mà cho thấy: khi cá nhân làm việc trong điều kiện có mặt của nhóm, tốc độ công việc tăng cao hơn. Các cá nhân đều chịu sự tác động của nhóm nhưng có sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của nhóm với từng cá nhân. Những cá nhân làm chậm chịu ảnh hưởng nhiều hơn những cá nhân làm nhanh ít chịu ảnh hưởng của nhóm hơn.
Nhà Tâm lý học xã hội Dashiel làm thí nghiệm so sánh hành vi của con người trong các điều kiện làm việc khác nhau như: 1) Một mình; 2) Trong nhóm không có thi đua; 3) Trong nhóm có sự thi đua; 4) Trước sự có mặt của cổ động viên. Ở hai trường hợp đầu không thấy có sự thay đổi rõ nét về tốc độ cũng như tính chính xác của công việc. Nhưng trong hai trường hợp sau thì tốc độ của công việc tăng lên rõ rệt, còn tính chính xác thì thay đổi không đáng kể. Trong một thí nghiệm khác: nghiệm thể làm việc trong các phòng riêng biệt nhưng có tín hiệu thời gian chung do một trung tâm thông báo và các cá nhân làm việc trong các phòng riêng với tín hiệu thời gian do đồng hồ tự động báo riêng cho từng phòng. Trong điều kiện thứ nhất tốc độ công việc nhanh hơn còn độ chính xác thì ngược lại. Điều đó chứng tỏ rằng mặc dầu cá nhân làm việc riêng biệt nhưng vẫn có mối liên hệ với xã hội thì vẫn chịu ảnh hưởng của nhóm mang tính chất tưởng tượng.
Từ các nghiên cứu, các nhà tâm lý học xã hội đưa ra kết luận: khi làm việc trong nhóm cùng với những đồng nghiệp thì trong đa số các trường hợp tốc độ công việc có tăng lên, còn tính chính xác, chất lượng công việc nói chung không có sự thay đổi đáng kể.
- Tình huống thứ hai là thảo luận nhóm. Trong thảo luận nhóm, cá nhân cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều ý kiến của nhóm. Có nhiều nghiên cứu cho thấy: ý kiến đánh giá của cá nhân được củng cố và hoàn thiện hơn nhờ thảo luận của nhóm. Trong các nghiên cứu thì đáng chú ý nhất là công trình của Jenness. Ông cho học sinh đoán số hạt đậu trong một
chai thủy tinh. Ông nhận thấy khi các em có bàn nhau về số lượng hạt và biết được các ý kiến của những bạn khác thì dự đoán của các em sẽ chính xác gấp ba lần so với những bạn không tham gia thảo luận.
Một số nghiên cứu khác cũng đánh giá cao vai trò của thảo luận nhóm đối với hành vi cá nhân. Có ý kiến cho rằng, khi cần đưa ra nhiều giả thiết thì nhóm đông người tốt hơn, nhưng khi cần đưa ra những ý kiến chính xác thì nhóm ít người có lợi hơn. Điều đó có thể thấy rất rõ qua thực tế của lĩnh vực chính trị và quản lý hành chính.
Dashiel cũng đã chứng minh rằng, hội đồng thẩm vấn thường đưa ra số lượng các tình tiết đầy đủ và chính xác hơn thột cá nhân hội thẩm. Theo các nhà nghiên cứu sở dĩ tư duy của nhóm được xem là ưu việt hơn tư duy của cá nhận bởi vì nó có nhiều cách tiếp cận với vấn đề hơn. Nhóm đưa ra được nhiều giải pháp, sự nhận xét đối với từng ý kiến có hiệu quả hơn; hơn nữa tư duy của nhóm thì ít có tính độc đoán. Do vậy, trong quá trình ra quyết định nhóm, cần tạo điều kiện để mọi cá nhân đưa ra ý kiến của mình. Ý kiến đó có thể đóng góp cho quyết định chung, cũng có thể ý nghĩa của ý kiến đó không lớn, tuy nhiên điều quan trọng là đưa ra ý kiến giúp cá nhân dễ dàng chấp nhận ý kiến của nhóm hơn